23/01/2025

Mỹ cân nhắc quay lại CPTPP

Chính quyền Mỹ đang thật sự cân nhắc khả năng tái gia nhập hiệp định CPTPP, hơn một năm sau khi Tổng thống Donald Trump ra quyết định rút lui.

 

Mỹ cân nhắc quay lại CPTPP

Chính quyền Mỹ đang thật sự cân nhắc khả năng tái gia nhập hiệp định CPTPP, hơn một năm sau khi Tổng thống Donald Trump ra quyết định rút lui.



 
Tổng thống Donald Trump có thể suy nghĩ lại về CPTPP  /// Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump có thể suy nghĩ lại về CPTPP ẢNH: AFP

Tháng 1.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sốc khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì cho rằng đây là thoả thuận “tồi tệ”, gây nhiều thiệt hại cho nước này. Suốt những tháng sau đó, 11 nền kinh tế còn lại (gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và VN) đã tích cực nỗ lực đàm phán và sửa đổi để đưa ra Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, hay còn gọi là TPP-11), dự kiến chính thức được ký kết vào ngày 8.3 tại Chile.
 

Tuy nhiên, khi phát biểu tại một hội nghị đầu tư ở thủ đô Washington D.C hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bất ngờ cho biết kế hoạch tái đàm phán gia nhập CPTPP “vẫn còn nằm trên bàn và chắc chắn sẽ được tổng thống cân nhắc”. Theo ông, dù Tổng thống Trump vẫn coi trọng những thoả thuận thương mại song phương hơn nhưng phía Bộ Tài chính đã có những cuộc “trao đổi cấp cao về việc tái tham gia”. Theo AFP, 11 thành viên CPTPP hiện chiếm hơn 13% tổng GDP toàn cầu và sự góp mặt của Mỹ sẽ đẩy con số này lên gần 40%.

 
Bản thân Tổng thống Trump hồi tháng 1 cũng gợi mở về khả năng “se duyên” lại với hiệp định kinh tế khu vực. Trả lời phỏng vấn Đài CNBC tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thuỵ Sĩ), nhà lãnh đạo nói: “Nếu Mỹ đàm phán được một thỏa thuận thực sự tốt thì tôi sẽ cởi mở với TPP”. Song, ông cũng thừa nhận đã quá muộn để có thể tái đàm phán các điều khoản.
 
 
 

Hôm qua, Tổng thống Chile Michelle Bachelet khẳng định luôn hoan nghênh nếu Mỹ muốn quay lại nhưng Washington phải chấp nhận những điều khoản mà 11 nước đã thỏa thuận và chuẩn bị ký kết.

 
Mặt khác, một số nền kinh tế như Anh hay Đài Loan cũng đã bày tỏ ý định tham gia CPTPP và được các thành viên hoan nghênh. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hồi tuần trước tuyên bố ủng hộ sự tham gia của Anh sau khi nước này rời EU dù nền kinh tế lớn thứ năm thế giới nằm cách xa Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, tờ Taipei Times ngày 28.2 dẫn lời ông Lý Tân Dĩnh, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế và các vấn đề kinh tế thuộc Cơ quan Đối ngoại Đài Loan, cho biết đã nhận được phản hồi tích cực từ Nhật Bản và các nền kinh tế khác về nỗ lực tham gia CPTPP. Theo ông Lý, sẽ mất khoảng 1 năm để CPTPP có hiệu lực và bắt đầu nhận thành viên mới nên chính quyền Đài Loan sẽ tiếp tục tiếp cận các bên liên quan để tìm kiếm sự ủng hộ.