28/11/2024

Đảng cầm quyền Campuchia ca ngợi mô hình chính trị Trung Quốc

Phát ngôn viên đảng Nhân dân Campuchia ca ngợi những lợi ích của mô hình một đảng lãnh đạo như hình mẫu tại Trung Quốc.

 

Đảng cầm quyền Campuchia ca ngợi mô hình chính trị Trung Quốc

 

Phát ngôn viên đảng Nhân dân Campuchia ca ngợi những lợi ích của mô hình một đảng lãnh đạo như hình mẫu tại Trung Quốc.


 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phnom Penh
vào tháng 10.2016  ///  Reuters

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phnom Penh vào tháng 10.2016 REUTERS

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử tại Thượng viện ngày 25.2. Theo kết quả từ Uỷ ban Bầu cử quốc gia, CPP giành 58 trên tổng số 62 ghế Thượng viện. Hai ghế sẽ do Quốc vương Norodom Sihamoni chỉ định và 2 ghế còn lại do quốc hội bầu.
 

Sau đó, người phát ngôn của CPP đã đưa ra bình luận đề cao lợi ích của việc một đảng giành trọn quyền lãnh đạo trong một hệ thống đa đảng về mặt chính thức, tương tự mô hình ở Trung Quốc.

 
Tờ The Phnom Penh Post dẫn lời phát ngôn viên CPP Sok Eysan, người cũng vừa đắc cử vị trí thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm, tuyên bố sẽ là sai lầm nếu chính quyền không tôn trọng ý nguyện của người dân và từ bỏ chế độ dân chủ đa đảng.
 
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự áp đảo của một đảng trong quốc hội sẽ “giúp tránh khỏi những trở ngại về quá trình lập pháp”. Ám chỉ tới sự tồn tại của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) trước đây, ông Eysan nhận xét “CPP đang dễ dàng hơn trong việc lãnh đạo một cách bền vững” vì trước đây Campuchia từng có đảng đối lập lớn trong quốc hội nhưng theo ông là “không tạo ra được lợi ích gì”.
 

Đề cập hệ thống lưỡng đảng của Mỹ, ông Eysan tuyên bố quốc hội nước này và Tổng thống Donald Trump nhiều lần bế tắc trong việc thông qua các chính sách, đặc biệt về ngân sách, vì sự phản đối của phe đối lập. “Đó chính là vật cản cho sự tiến triển của đất nước”, người phát ngôn này nói.

 
Ông còn cho rằng hình mẫu của Trung Quốc không thể bị coi là “đàn áp” nếu nhìn vào tốc độ phát triển nhanh chóng. “Đất nước họ đã trở thành một siêu cường kinh tế của thế giới nên không thể cho là họ độc đoán được”, ông Eysan lập luận.
 

Trước đây, CNRP là đảng đối lập chính tại lưỡng viện quốc hội Campuchia với 55/123 ghế. Tuy nhiên, con số này không đủ để CNRP ngăn CPP thông qua những chính sách tại quốc hội.

 
CNRP bị giải tán vào tháng 11.2017 sau khi lãnh đạo Kem Sokha bị bắt vì cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền, còn nhiều thành viên cấp cao khác tháo chạy ra nước ngoài. Sau đó, số ghế của CNRP được chia cho CPP và một số đảng nhỏ khác. Hiện CPP gần như nắm toàn quyền kiểm soát tại cấp địa phương trong khi số ghế trong quốc hội cũng tăng lên thành 79. Đảng cầm quyền được dự báo sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 29.7.
 


Sau những diễn biến trên, phương Tây đã có các động thái chỉ trích và giảm sự ủng hộ đối với chính quyền Campuchia. Đức hồi tuần trước thông báo quyết định chấm dứt chính sách ưu đãi thị thực đối với những chuyến thăm cá nhân của giới lãnh đạo Campuchia, bao gồm cả Thủ tướng Hun Sen và thân nhân; còn EU ngày 26.2 đe doạ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, theo Reuters.

 
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu tuyên bố Bắc Kinh “tôn trọng và ủng hộ con đường phát triển do nhân dân Campuchia chọn lựa”. Ông Khổng còn nhấn mạnh Trung Quốc tin rằng cuộc tổng tuyển cử của Campuchia “sẽ diễn ra công bằng, chọn được đảng cầm quyền và nhà lãnh đạo làm hài lòng người dân nước này”.
 
Trung Quốc có 9 đảng chính trị hợp pháp
 
Tại Trung Quốc, dù Đảng Cộng sản (CPC) nắm quyền lãnh đạo toàn diện và là đảng chấp chính duy nhất nhưng còn có 8 đảng chính trị dân chủ hợp pháp khác gồm: Đồng minh dân chủ Trung Quốc, Hội Kiến quốc dân chủ Trung Quốc, Hội Xúc tiến dân chủ Trung Quốc, đảng Dân chủ nông công Trung Quốc, đảng Trí công Trung Quốc, Học xã Cửu Tam, đảng Đài Minh và Uỷ ban Cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc (RCCK). RCCK được thành lập năm 1948 bởi những thành viên cánh tả thuộc Quốc dân đảng vì không đồng tình với chính sách của Tưởng Giới Thạch và hiện không có quan hệ gì với Quốc dân đảng ở Đài Loan.
 
Hệ thống chính trị của Trung Quốc hiện được gọi là hệ thống hợp tác đa đảng “cùng tồn tại lâu dài, giám sát lẫn nhau, đối xử chân thành, vinh nhục có nhau”. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, hệ thống này khác biệt so với hệ thống đa đảng cầm quyền – đối lập ở các nước phương Tây cũng như mô hình một đảng ở một số nước. Các đảng nói trên có quyền tham chính, có chân trong quốc hội và có thành viên tham gia chính phủ. Tuy nhiên, họ không phải là phe đối lập mà ủng hộ, chấp nhận vai trò lãnh đạo của CPC và được CPC tiếp thu ý kiến.


BẢO VINH