28/11/2024

Tranh luận về quy định nhập khẩu ô tô

Nhiều tranh luận trong buổi đối thoại về chính sách tại Nghị định 116 và Thông tư 03 về nhập khẩu ô tô sáng 26.2 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì…

 

Tranh luận về quy định nhập khẩu ô tô

Nhiều tranh luận trong buổi đối thoại về chính sách tại Nghị định 116 và Thông tư 03 về nhập khẩu ô tô sáng 26.2 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì…



 
Ông Trần Bá Dương (trái) và ông Toru Kinoshita  /// Ảnh: Chí Hiếu - CTV

Ông Trần Bá Dương (trái) và ông Toru Kinoshita ẢNH: CHÍ HIẾU – CTV

Buổi đối thoại về chính sách tại Nghị định 116 và Thông tư 03 về nhập khẩu ô tô sáng 26.2 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì đã trở thành cuộc tranh luận giữa một bên là hai doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nội và bên còn lại các liên doanh với nước ngoài tại VN như Toyota, Ford.
 
Không thể nhập khẩu từ đầu năm 2018

Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Toyota VN, cho rằng Nghị định 116 đã ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA mà “hậu quả” lớn nhất là 2 tháng đầu năm 2018, hầu như không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu vào VN. Nguyên do chủ yếu được chỉ ra là bởi các quy định về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu.

 
Cụ thể hơn, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford VN, kể doanh nghiệp (DN) này đặt hàng lô gần 100 xe từ Mỹ vào tháng 6.2018 nhưng không dám mang về VN do các yêu cầu mới nói trên của Nghị định 116. “Vì giấy chứng nhận kiểu loại thường được cấp bởi nước nhập khẩu chứ không phải là nước sản xuất, họ (nước sản xuất) chỉ cấp cho xe lưu hành trong nước”, ông Dũng cũng đồng thời cho hay quy định này khiến DN rất tốn kém về tiền bạc lẫn thời gian và đây là điều không theo thông lệ quốc tế. Tương tự, theo ông Dũng, việc kiểm tra theo lô một cũng là yêu cầu riêng của VN bởi thế giới chỉ kiểm tra thử nghiệm lô đầu tiên.
 
“Không khó gì để có giấy”
Trong khi đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải, cho hay công ty ông đang nhập tới 9 thương hiệu xe nổi tiếng khắp châu Á lẫn Âu và không khó để có được các giấy tờ kể trên. Bên cạnh đó, ông Dương khẳng định quy định về giấy chứng nhận này có từ năm 2006, rồi được tái lập ở Thông tư 31 năm 2011 chứ không phải mới có.
 

“Tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được uỷ quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu, từ đó để người tiêu dùng biết được tính năng xe mình định mua”, ông Dương nói và kiến nghị để khắc phục tình trạng mỗi giấy chứng nhận kiểu loại của mỗi hãng xe một khác thì cần tiến hành nhanh để rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận kiểu loại, tiến đến có được bộ chứng nhận kiểu loại của VN. “Nếu tổ chức làm nhanh thì trong tháng 4 này chúng tôi có thể nhập khẩu được xe về. Thậm chí nếu trong tuần này chúng ta thống nhất được thì chúng tôi sẽ nhập ngay xe BMW về đến VN chỉ trong vòng 2 – 3 tuần tới”, ông Dương đáp lại.

 
Là liên doanh với Hyundai, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, cho biết đối tác nước ngoài của công ty khẳng định không khó khăn gì khi cung cấp giấy chứng nhận về kỹ thuật và chủng loại để Thành Công nhập xe nguyên chiếc. Về kiểm tra theo từng lô, đại diện Thành Công thừa nhận “không kiểm tra thì sẽ tốt hơn cho DN”, song không lấy gì đảm bảo lô đầu thử nghiệm thì đạt tiêu chuẩn nhưng lô sau lại phát sinh lỗi kỹ thuật – dù là điều không ai mong muốn. “Hiện chúng tôi vẫn thử nghiệm theo từng lô cho các linh kiện. Tất nhiên không kiểm tra thì thuận lợi nhất, nhưng ai sẽ đứng ra bảo vệ người tiêu dùng nếu phát hiện lỗi”, ông Đức chia sẻ.
 
Có thể sẽ xem xét sửa đổi
Khẳng định các quy định tại Nghị định 116 là tiến bộ lớn trong chính sách với ngành ô tô, đã được ban hành xây dựng một cách công phu, trên cơ sở lắng nghe tiếp thu ý kiến các hiệp hội, DN, dù vậy Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết không loại trừ cơ quan quản lý sẽ xem xét sửa đổi các quy định, trên tinh thần lắng nghe và phân tích kỹ các vấn đề được DN đặt ra. Theo ông Dũng, tuần này hoặc đầu tuần sau, sẽ có họp với các bộ ngành để xem xét từng nội dung, đề xuất của DN và sẽ có báo cáo với Thủ tướng. “Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt nên việc này sẽ được làm minh bạch, không hứa rồi để đấy”, ông Dũng nói.
 
Về vướng mắc cụ thể được nhiều DN phản ánh nhất là giấy chứng nhận kỹ thuật và kiểu loại, đại diện Bộ Công thương và GTVT cùng cam kết sẽ sớm có một mẫu chung thống nhất để các DN không còn phải gõ cửa nhiều đầu mối mà form cuối cùng vẫn mỗi nơi một kiểu.