29/11/2024

TP.HCM đề xuất tăng cao phí đậu ô tô

UBND TP.HCM vừa hoàn thành dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô trên lòng đường, hè phố ở TP để lấy ý kiến phản biện của các cơ quan chức năng và người dân.

 

TP.HCM đề xuất tăng cao phí đậu ô tô

UBND TP.HCM vừa hoàn thành dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô trên lòng đường, hè phố ở TP để lấy ý kiến phản biện của các cơ quan chức năng và người dân.



 

Bãi đậu xe có thu phí ở công viên 23.9 (Q.1) luôn kín ô tô /// Ảnh: Ngọc Dương

Bãi đậu xe có thu phí ở công viên 23.9 (Q.1) luôn kín ô tô ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đề án này nằm trong chương trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, sẽ được đưa ra lấy ý kiến của Uỷ ban MTTQ TP, các cơ quan chức năng và người dân trước khi thông qua.
 
Thấp nhất 20.000 đồng/giờ

Theo đề án, mức phí dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường, vỉa hè tại các khu vực được phép sẽ tính theo giờ thay vì theo lượt ngày và đêm như trước đây. Cụ thể, phí giữ xe đến 9 chỗ và xe tải từ 1,5 tấn trở xuống: ở khu vực quận 1, 3, 5 trong 2 giờ đầu tiên là 25.000 đồng/giờ, 2 giờ tiếp theo 30.000 đồng/giờ, từ giờ thứ 5 trở đi là 35.000 đồng/giờ, đậu xe qua đêm (từ 0 – 6 giờ) 150.000 đồng; ở khu vực quận 10, 11 trong mọi khung giờ rẻ hơn 5.000 đồng/giờ, phí đậu qua đêm 120.000 đồng. Xe từ 10 – 16 chỗ và xe tải trên 1,5 – 2,5 tấn: dừng, đậu tại khu vực quận 1, 3, 5 chịu phí 30.000 đồng/giờ cho 2 giờ đầu, 35.000 đồng/giờ cho 2 giờ tiếp theo, từ giờ thứ 5 trở đi là 40.000 đồng/giờ, đậu qua đêm 180.000 đồng; khu vực quận 10, 11 cũng có mức phí rẻ hơn 5.000 đồng/giờ, đậu qua đêm 150.000 đồng.

 
Cơ sở để đưa ra mức phí trên, theo UBND TP, là hiện mức thu phí 5.000 đồng/xe/lượt rất thấp, trong khi ở các trung tâm thương mại, cao ốc thu bình quân từ 10.000 – 25.000 đồng/giờ đầu tiên và lũy tiến cho các giờ tiếp theo, dẫn đến các trường hợp lợi dụng mức phí này để biến lòng đường thành bãi tạm giữ đỗ xe, đỗ xe kéo dài cả ngày. Mức phí quá thấp cũng không đủ trang trải chi phí trông giữ xe của các quận huyện. Vì vậy, TP đề xuất mức phí mới thu cao hơn 10 – 20% so với mức thu ở cao ốc, trung tâm thương mại. TP hiện có 35 tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường của quận 1, 3, 5, 10, 11, với mức thu trên nếu quản lý tốt sẽ thu bình quân 31 tỉ đồng/tháng. Trường hợp phát sinh các tuyến đường được phép đậu xe không thuộc các địa phương trên thì mức phí đậu xe được áp dụng như đối với quận 10, 11.
 
Cũng theo UBND TP.HCM, việc tăng phí cao hơn nhiều lần so với mức hiện nay sẽ góp phần hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân vào nội đô, cân nhắc lựa chọn các phương tiện đi lại khác nhằm giảm ùn tắc; đồng thời giảm bớt tình trạng tạm dừng đỗ xe trên lòng đường, tăng sự hấp dẫn và tính khả thi đối với các dự án đầu tư xây dựng các bãi xe tập trung (ngầm, nổi).
Cần làm rõ nguồn thu – chi
 

TS Phạm Sanh, chuyên gia lĩnh vực giao thông, cho rằng cần làm rõ cơ sở nào đưa ra giá thu từng quận, rồi phí thu cao hơn 10 – 20% so với giá dịch vụ của cao ốc, trung tâm thương mại bởi giá ở các trung tâm thương mại hiện đã cao. “Một vấn đề nữa cần làm rõ là kiểm soát số phí thu, vì nếu làm không chặt chẽ dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Sau khi thu xong sẽ kiểm soát chi ra sao (nâng cấp đường nào, mở rộng hạ tầng chỗ nào, phát triển hệ thống giao thông công cộng nơi đâu) cũng cần làm rõ, minh bạch chứ không nêu chung chung là để xây dựng hệ thống giao thông”.

 
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: giải pháp thu phí dừng đỗ chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể giải pháp giao thông của TP. Để giải quyết căn cơ tình trạng kẹt xe thì cần giải pháp đồng bộ trong đó phí dừng đỗ thu được phải đưa vào phát triển giao thông công cộng, thậm chí giao thông công cộng miễn phí vào khu trung tâm để người dân sử dụng hạn chế dùng xe cá nhân. Đây là cách mà nhiều TP trên thế giới đã làm, tiêu biểu nhất là Los Angeles (Mỹ). “Khu vực trung tâm hiện rất thiếu chỗ đậu xe nên nhà nước phải tính toán thêm bãi đậu xe”, KTS Sơn nói.
 
35 tuyến đường dự kiến tăng mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô
 
– Q.1: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trương Định, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Nguyễn Cư Trinh, Thủ Khoa Huân, Ngô Đức Kế, Đông Du, Cao Bá Quát, Hồ Huấn Nghiệp, Lê Lai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Cừ.
– Q.3: Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Trần Quốc Thảo, Hồ Xuân Hương, Võ Văn Tần, Pasteur, Lê Ngô Cát.
– Q.5: An Dương Vương, Nguyễn Thị Nhỏ, Phan Văn Trị, Tản Đà, Lê Hồng Phong, Trần Bình Trọng, Phạm Hữu Chí.
– Q.10: Lê Hồng Phong, Cao Thắng, Nguyễn Giản Thanh, tuyến hẻm hai bên công viên Vườn Lài, hẻm 51 Thành Thái, tuyến hẻm xung quanh công viên Z756 (hẻm 283 và 285 Cách Mạng Tháng Tám).
– Q.11: đường số 2 cư xá Lữ Gia.


TRUNG HIẾU