29/11/2024

Giảm điểm ưu tiên khu vực sau 15 năm, vì sao?

Sau gần 15 năm duy trì ổn định mức điểm chênh lệch giữa hai khu vực ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm, dự kiến từ năm 2018, mức chênh lệch này giảm xuống chỉ còn 0,25 điểm.

 

Giảm điểm ưu tiên khu vực sau 15 năm, vì sao?

Sau gần 15 năm duy trì ổn định mức điểm chênh lệch giữa hai khu vực ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm, dự kiến từ năm 2018, mức chênh lệch này giảm xuống chỉ còn 0,25 điểm.



 
 
Giảm điểm ưu tiên khu vực sau 15 năm, vì sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM chỉnh sửa hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2017 trước khi nộp – Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh 2018, mức điểm ưu tiên theo khu vực tối đa mà thí sinh có thể hưởng (KV1) chỉ còn 0,75 điểm, thấp bằng một nửa so với quy định hiện hành thí sinh KV1 được hưởng là 1,5 điểm.

Điểm chuẩn càng cao, càng… bất công

Bộ GD-ĐT thừa nhận dù chính sách ưu tiên có những điểm được điều chỉnh, bổ sung hằng năm, nhưng thời gian gần đây đã bộc lộ những hạn chế.

Một chuyên gia tuyển sinh lâu năm của Bộ GD-ĐT nhận định: chính sách ưu tiên nhằm đảm bảo công bằng về cơ hội học tập, nhưng ở một số trường hợp đã cho thấy sự mất công bằng và không đồng bộ.

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ, trước khi đưa ra chủ trương giảm nửa số điểm ưu tiên khu vực so với quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ công tác nghiên cứu về các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh.

Các chuyên gia đã dùng chính dữ liệu tuyển sinh năm 2017 để phân tích những bất cập còn tồn tại trong chính sách ưu tiên. Xét theo khu vực thì thấy rõ: nếu thống kê tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển thì mức điểm ưu tiên hiện hành đang làm cho khu vực được ưu tiên có điểm cao hơn vùng học thực lực.

Đặc biệt, đối với các thí sinh trúng tuyển từ mức 20 điểm trở lên, mức điểm ưu tiên hiện hành ở KV1, KV2-NT và KV2 làm cho khu vực được ưu tiên có điểm cao hơn vùng học thực lực, gây ra sự không công bằng.

Sự bất công này càng thể hiện rõ khi thống kê với nhóm thí sinh trúng tuyển vào các ngành có điểm chuẩn cao. Cụ thể, với các thí sinh trúng tuyển từ mức 27 điểm trở lên, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển ở KV1 tăng đột biến, trong khi tỉ lệ thí sinh trúng tuyển ở KV3 giảm đáng kể.

Trúng tuyển nhờ… điểm ưu tiên

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có 82-83% thí sinh đang hưởng chế độ ưu tiên khu vực. Vì vậy, việc điều chỉnh sẽ tác động đến số thí sinh này. Ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược…, kết quả khác biệt hẳn so với điểm số thực ban đầu khi chưa cộng điểm ưu tiên.

Cụ thể, khi chưa tính điểm ưu tiên khu vực, thí sinh ở nội thành các thành phố lớn (KV3, là diện không được cộng điểm ưu tiên) chiếm ưu thế về điểm số so với thí sinh KV1. Tuy nhiên, trong kết quả xét tuyển cuối cùng, tỉ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp, còn tỉ lệ thí sinh có điểm ưu tiên thì trúng tuyển cao.

Thống kê tại các trường công an cho thấy số thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực trúng tuyển vào các trường này năm 2017 giảm xuống mức rất thấp, dưới 5% tổng số thí sinh trúng tuyển. 

Còn tại Trường ĐH Y Hà Nội, có đến gần 90% thí sinh trúng tuyển là nhờ điểm ưu tiên. Riêng ngành bác sĩ đa khoa có đến hơn 95% thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2017 có điểm cộng ưu tiên.

Điều kiện kinh tế – xã hội thay đổi nhanh chóng đã thu hẹp nhanh khoảng cách khó khăn giữa các vùng miền. Theo một số chuyên gia, chính sách cũng cần điều chỉnh, vừa tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu vùng xa, nhưng vẫn thu hút được sinh viên giỏi, thực sự say mê với ngành đào tạo đã lựa chọn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho rằng việc giảm khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực xuống 0,25 điểm là cần thiết. Chính Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã đề xuất giảm điểm ưu tiên khu vực ngay sau mùa tuyển sinh 2017. 

Theo ông Điền, năm 2017, tính phân hóa đề thi chưa cao, thí sinh chỉ chênh nhau mức điểm rất nhỏ cũng đã người trượt, người đỗ, nên mức chênh lệch 0,5 điểm càng có giá trị hơn.

Tuy nhiên, việc giảm điểm ưu tiên sẽ ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của một số ngành không hấp dẫn (nông, lâm, ngư…). Ngoài ra, nó không giải quyết được bài toán tuyển sinh đối với một số trường/ngành lấy điểm cao, được xã hội quan tâm (do tổng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực chỉ giảm từ 3,5 xuống 2,75 điểm). 

Do đó theo nhiều chuyên gia, bên cạnh điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực, Bộ GD-ĐT cần phải điều chỉnh việc ra đề thi theo hướng phân hóa tốt hơn, tránh tình trạng bùng nổ quá nhiều điểm 9-10 như năm 2017.

Nhiều lần thay đổi chính sách ưu tiên

Trước năm 2018, có 3 giai đoạn chính sách ưu tiên được điều chỉnh:

1. Trước năm 1988

Trong tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội chưa phát triển đồng đều giữa các khu vực, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh miền núi, Bộ GD-ĐT đã quy định điểm xét tuyển thích hợp đối với từng khu vực, từng địa phương sau khi có kết quả điểm thi. Mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm.

2. Năm 1989-1998

Các khu vực ưu tiên được quy định: khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3.

Việc phân chia khu vực tuyển sinh trên cơ sở đề nghị của các địa phương, căn cứ nghị quyết hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm.

3. Năm 1999 đến nay

Có 4 khu vực ưu tiên: khu vực 1, khu vực 2-NT, khu vực 2 và khu vực 3.

– Từ năm 1999 đến năm 2003, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm.

– Từ năm 2004 đến năm 2017, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Từ năm 2012 đến năm 2017, thí sinh tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được xét điểm trúng tuyển thấp hơn điểm chuẩn 1 điểm.

Mức chênh lệch điểm ưu tiên dựa trên thời gian thí sinh học và tốt nghiệp THPT, trên nguyên tắc học ở khu vực nào thì hưởng mức điểm chênh lệch khu vực đó.