28/11/2024

Nước Mỹ và những tiếng súng tang thương

Nước Mỹ rộng đến mức người Mỹ ở tiểu bang này chẳng rảnh quan tâm tới tiểu bang kia. Vậy mà mỗi lần có vụ thảm sát bằng súng kinh hoàng nào diễn ra, cả nước Mỹ như lên đồng.

 

Nước Mỹ và những tiếng súng tang thương

Nước Mỹ rộng đến mức người Mỹ ở tiểu bang này chẳng rảnh quan tâm tới tiểu bang kia. Vậy mà mỗi lần có vụ thảm sát bằng súng kinh hoàng nào diễn ra, cả nước Mỹ như lên đồng.
 

 

Nước Mỹ rộng gần 10 triệu km2. Bay từ bờ Đông sang bờ Tây, từ Washington DC qua Los Angeles mất hết sáu tiếng đồng hồ. Nếu lái xe phải mất gần hai ngày không nghỉ. Chắc do rộng quá nên người Mỹ ở tiểu bang này chẳng rảnh quan tâm tới tiểu bang kia. Vậy mà mỗi lần có vụ thảm sát bằng súng kinh hoàng nào diễn ra, cả nước Mỹ như lên đồng. Không khí phản đối, yêu cầu, đề nghị sục sôi trên khắp báo đài từ nhỏ đến to.

Nước Mỹ và những tiếng súng tang thương - Ảnh 1.

Học sinh trường Marjory Stoneman Douglas biểu tình đòi chính quyền kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng ngày 14-2 – Ảnh: AFP

Trước khuôn viên Nhà Trắng, các cuộc biểu tình, tuần hành diễn ra rầm rộ. Trên Facebook, Twitter đầy những lời bình luận đẫm nước mắt trước những mạng người vô tội bị tước đi bởi những kẻ tâm thần, sống ẩn dật mang tâm lý bệnh hoạn. Tivi suốt cả ngày phát những phóng sự, talkshow phỏng vấn các chính trị gia đề nghị quốc hội thông qua các chính sách ngăn cấm hay hạn chế sử dụng súng đạn một cách triệt để. Trong công ty hay quán cà phê lại nghe người dân bàn luận sôi nổi về những cái chết thương tâm của những thường dân vô tội, hay những đứa bé sáng cha mẹ tiễn đi học, chiều về là cái xác lạnh không hồn, chưa kịp nói tiếng biệt ly.

Mỗi năm, việc này lặp đi lặp lại vài lần như một điều hết sức hiển nhiên đang diễn ra ở đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Nhưng đâu rồi cũng vào đấy. Mọi việc sẽ chìm vào im lặng khi quyền được tự trang bị vũ khí được ghi nhận trong Tu chính án thứ 2 được các chính trị gia và nhà hoạt động từ thời kỳ lập quốc ủng hộ cho tới tận bây giờ.

Những người cực đoan bảo rằng nước Mỹ ngày một nguy hiểm và việc vác súng phòng vệ là điều tất yếu để bảo toàn mạng sống mình. Cho nên các vụ bắn giết càng nhiều, số lượng súng đạn bán ra ngày càng dữ. Trong suốt tám năm cầm quyền của tổng thống Obama, người của Đảng Dân chủ luôn muốn quốc hội thông qua việc quản lý súng đạn nhưng luôn vấp phải sự chống đối của Đảng Cộng hoà, trớ trêu thay lại là giai đoạn ngành công nghiệp chế tạo vũ khí phát triển rực rỡ nhất.

Tôi sống tại một thị trấn nhỏ ở Maryland, ngoại ô thủ đô Washington DC, là một trong những địa phương hiếm hoi của Mỹ bắt buộc người sở hữu súng phải đăng ký với cảnh sát và cấm bất kỳ ai mang súng ngắn ra khỏi nhà mình. Nếu lỡ bạn có súng hợp pháp ở tiểu bang khác, trên đường lái xe đi ngang thủ đô, cảnh sát vô tình bắt dừng xe kiểm tra và phát hiện bạn đang mang theo súng, vậy là vô khám ngồi như chơi.

Nhưng không hẳn vì thế mà mọi việc sẽ tốt hơn. Khu vực thủ đô và các thành phố lân cận, cộng đồng người Mỹ da màu và người gốc Nam Mỹ chiếm đa số nên tình hình an ninh vô cùng phức tạp. Washington DC chưa bao giờ ra khỏi top những thành phố chết chóc hay mất an toàn nhất Mỹ. Cách đó khoảng 30 phút lái xe là Baltimore, thành phố lớn nhất của bang Maryland, đang trên con đường thay thế Chicago, Detroit hay St. Louis trở thành một vùng đất chết sau hơn một tuần biểu tình biến thành bạo loạn, đốt phá chống lại cảnh sát thành phố sau cái chết của thanh niên da màu Freddie Gray vào năm 2015. Các cơ sở, cửa hàng bị đốt phá. Các công ty và dân chúng rời thành phố tới những thị trấn an toàn hơn để sinh sống và làm ăn.

Khi màn đêm buông xuống, Baltimore trở thành một bãi chiến trường, là kinh đô ma túy của nước Mỹ. Súng đạn nổ vang trời. Các băng nhóm nhỏ lẻ thanh toán lẫn nhau, cảnh sát hầu như bất lực. Và mỗi sáng lại thấy bên vệ đường vệt máu loang lổ và những bó hoa đủ màu kèm nến trắng vương sắc buồn u ám nói tiếng biệt ly.

Nhưng dù sao đi nữa cuộc sống vẫn cứ diễn ra. Con người vẫn phải đi làm kiếm sống. Người có điều kiện sẽ dọn ra khỏi những nơi bất an để tìm kiếm sự an toàn và tương lai cho bản thân và gia đình họ. Những người ở lại sẽ phải tự bảo vệ bản thân mình bằng sự cẩn trọng hoặc trang bị bằng cách mua cho mình một (hay vài) khẩu súng phòng thân.

Cái vòng luẩn quẩn ấy bao năm rồi vẫn thế. Cho nên việc cấm hay hạn chế súng đạn ở Mỹ mãi là một vấn đề nóng hổi, bao nhiệm kỳ tổng thống vẫn chưa thấy khả thi.

Dễ như mua súng

Ở nhiều bang nước Mỹ, việc mua súng dễ như mua một món hàng ở chợ. Chỉ cần trên 21 tuổi, có địa chỉ rõ ràng, không cần kiểm tra sức khoẻ tâm thần là có thể dễ dàng sở hữu ngay một khẩu súng ngắn. Và ngành công nghiệp vũ khí mang lại lợi nhuận hàng trăm tỉ USD, đủ cho các ông chủ chi tiền lobby sân sau để các bộ luật về hạn chế hay cấm súng đạn không được thông qua…

NHÀ VĂN NGUYỄN HỮU TÀI (từ Mỹ)