Phí cầu đường ‘đè’ doanh nghiệp
Phí cầu đường quá cao chưa kể tình trạng phí chồng phí đẩy chi phí vận tải (logistics) của VN vào top đắt đỏ nhất thế giới không chỉ khiến doanh nghiệp vận tải điêu đứng mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước.
Phí cầu đường ‘đè’ doanh nghiệp
Xe container thường xuyên ‘chôn chân’ trên cầu Phú Mỹ (TP.HCM) ẢNH: KHẢ HOÀ
Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) chỉ ra rằng chi phí vận chuyển 1 container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về VN.
Trong khi DN mua vé tháng qua các trạm thu phí, tổng cộng mất khoảng 7,2 triệu đồng/tháng/xe, tính ra là 240.000 đồng/ngày, nếu chạy được 2 chuyến thì coi như giá vé giảm đi một nửa. Tương tự, phí bảo trì đường bộ đóng trọn gói theo tháng, theo năm, tắc đường xe không chạy được vẫn phải chịu phí, tốn thêm cả tiền nhiên liệu, chi phí cơ hội của nhà vận tải cũng mất đi. Các xe chạy tuyến cảng Q.7, cầu Phú Mỹ hay khu vực vòng xoay Mỹ Thủy có khi đứng “chôn chân” từ sáng đến chiều không chạy được. Vì thế, thời gian vận hành xe của VN cũng thấp hơn nhiều so với các nước.
Đề xuất tính phí BOT dựa trên “chi phí tiết kiệm được”
Góp ý cho dự thảo Thông tư 35/2016 sửa đổi của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) đề xuất phương pháp tính mức giá mới, dựa trên chi phí vận tải tiết kiệm được của phương tiện.
Theo VCCI, 2 phương pháp tính giá BOT theo chặng (áp dụng cho dự án thu phí kín) và theo lượt (thu phí hở) đều bất cập, không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường. Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường, nhưng được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý.
Để khắc phục những bất cập trên, VCCI cho rằng phải tính toán chi phí vận tải trung bình của một phương tiện trên đường cũ, bao gồm chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại… Sau khi dự án giao thông được thực hiện, chi phí trung bình giảm xuống, chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”.
Chủ đầu tư dự án được thu phí BOT không vượt quá chi phí tiết kiệm được. Ví dụ, chi phí trung bình để một xe tải cỡ 4 – 10 tấn đi từ A đến B là 500.000 đồng, sau khi có dự án BOT chi phí giảm còn 300.000 đồng, phương tiện hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được, nhà đầu tư chỉ được phép thu mức giá tối đa 100.000 đồng.
Theo tính toán của VCCI, phương pháp này luôn “chấp nhận được” đối với chủ phương tiện, do chủ đầu tư chỉ được phép thu giá bằng 50% những gì chủ phương tiện được hưởng lợi, nên chủ phương tiện luôn được hưởng lợi 50% giá trị còn lại. Phương pháp này xem xét cả chất lượng hiện trạng giao thông trước dự án nên không gây ra tình trạng “cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới”.
Mai Hà
|