Trung Quốc lẳng lặng xâm lăng văn hoá nước Mỹ ra sao?
Với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, hệ thống Viện Khổng Tử của Trung Quốc ngày ngày gieo rắc những mầm mống của tư tưởng “Đại Trung Hoa”. Cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng… rất nhiều tiền.
Trung Quốc lẳng lặng xâm lăng văn hoá nước Mỹ ra sao?
Với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, hệ thống Viện Khổng Tử của Trung Quốc ngày ngày gieo rắc những mầm mống của tư tưởng “Đại Trung Hoa”. Cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng… rất nhiều tiền.
Năm ngoái, Đại học Bắc Carolina tại thành phố Charlottesville, bang Virginia (Mỹ) thông báo tin vui: Trường sẽ sớm mở một chi nhánh của Học viện Khổng Tử – tổ chức giáo dục do Bắc Kinh lập ra chuyên quảng bá ngôn ngữ, văn hoá và lịch sử Trung Quốc.
“Viện Khổng Tử sẽ giúp sinh viên được trang bị tốt hơn trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, mở rộng tầm phủ sóng của trường và hỗ trợ việc giảng dạy ngôn ngữ cũng như cơ hội văn hoá trong cộng đồng thành phố Charlotte” – bà Nancy Gutierrez, giám đốc Trường Nghệ thuật và khoa học thuộc ĐH Bắc Carolina, ca ngợi “tầm vóc” sự kiện.
Còn trên thực tế Viện Khổng Tử có mỹ miều như nó được mô tả?
Năm 2011, ông Lý Trường Xuân - Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng phát biểu: “Viện Khổng Tử là một thương hiệu hấp dẫn để quảng bá văn hóa của chúng ta ra nước ngoài. Nó đã đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng quyền lực mềm của Trung Quốc. Với lý do giảng dạy tiếng Hoa, mọi thứ sẽ trông hợp lý và logic”.
Đó mới là mục đích thật sự của Viện Khổng Tử.
Cuộc xâm lăng không tiếng súng
Hơn một thập kỷ sau ngày thành lập cơ sở đầu tiên, Viện Khổng Tử đã mọc lên ở hơn 500 trường đại học trên khắp thế giới, trong đó hơn 100 chi nhánh nằm ở Mỹ, bao gồm cả các trường lớn như ĐH George Washington, ĐH Michigan, ĐH Iowa…
Được quản lý bởi một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc gọi là Văn phòng Hội đồng tiếng Hoa quốc tế (Hanban), Viện Khổng Tử là một phần của sáng kiến tuyên truyền quy mô được Chính phủ Trung Quốc bơm khoảng 10 tỉ USD mỗi năm.
“Phối hợp các nỗ lực tuyên truyền trong nước và nước ngoài, tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi hơn nữa cho chúng ta” – ông Lưu Vân Sơn, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc viết trên Nhân dân Nhật báo năm 2010.
Với các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh, chúng ta cần tích cực triển khai các cuộc chiến tuyên truyền quốc tế chống lại các chỉ trích liên quan đến Tây Tạng, Thiên An Môn, Đài Loan, nhân quyền… Chúng ta nên làm tốt việc thành lập và vận hành các trung tâm văn hóa, Viện Khổng Tử ở nước ngoài”
Ông Lưu Vân Sơn, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc
Mệnh lệnh đã rõ! Viện Khổng Tử đầu tiên được khánh thành ở Hàn Quốc năm 2004. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng nhanh chóng lan rộng và có mặt ở Nhật Bản, Úc, Canada, châu Âu… Riêng Mỹ – đối thủ địa chính trị lớn nhất của Trung Quốc – là một trọng tâm.
Ngoài phân nhánh Viện Khổng Tử thuộc các trường đại học, Hanban còn vận hành hàng trăm “Lớp học Khổng Tử” ở các trường tiểu học và phổ thông tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một bộ phận sinh viên và các nhà sư phạm Mỹ nhận ra có điều gì đó không ổn, rằng Viện Khổng Tử quảng bá một “phiên bản đặc biệt” của văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
Chẳng hạn, “Khổng Tử” dạy rằng Đài Loan và Tây Tạng thuộc về Trung Quốc đại lục, chấm hết và không tranh cãi. Đức Khổng cũng không thích nói về nhân quyền…
Tôi không nghĩ có vấn đề gì trong việc các sinh viên tận dụng nguồn tài nguyên của Viện Khổng Tử, miễn là họ nhìn vấn đề với một con mắt phê bình, đưa ra kết luận về Trung Quốc dựa trên các kinh nghiệm và quan điểm khác.
Một sinh viên Mỹ thuộc Đại học Kentucky
Nói gì đi nữa, phải nhìn nhận “Khổng Tử” là một cái tên đắt giá. Hầu hết người Mỹ thường liên hệ Khổng Tử với sự thông thái, nếu đặt tên là “Viện Mao Trạch Đông” thì chưa chắc người Mỹ thèm ngó ngàng tới.
Viện Khổng Tử ở Mỹ rất biết cách thu hút công chúng, họ nghĩ ra những khoá học vui như làm bánh bao, Thái cực quyền… để thay đổi không khí và làm tăng giá trị nhân bản Trung Hoa.
Để làm được tất cả những thứ đó cùng lúc, Hanban có một quy trình tuyển chọn giáo viên vô cùng nghiêm khắc. “Tinh thần trách nhiệm và cảm giác vinh quang mạnh mẽ, tận tâm và tỉ mỉ với công việc…” là một vài tiêu chí bắt buộc.
Theo nhà nhân chủng học người Mỹ Marshall Sahlins – tác giả nghiên cứu “Viện Khổng Tử: virus ngành hàn lâm”, các giáo viên thuộc Viện Khổng Tử được Bắc Kinh chỉ đạo phải hết sức cẩn trọng với các câu hỏi chính trị, không để diễn ra bất cứ cuộc tranh luận nào về nhân quyền ở Trung Quốc, về thảm sát Thiên An Môn, về ô nhiễm không khí…
Ví dụ, nếu một sinh viên đặt câu hỏi về Tây Tạng, người giáo viên lập tức sẽ lái câu chuyện sang “vẻ đẹp tự nhiên và văn hoá địa phương”.
Tiền, tiền và tiền
Nhà báo Ethan Epstein nhận xét việc có quá nhiều trường đại học Mỹ dang tay chào đón Viện Khổng Tử cho thấy một xu hướng gây lo ngại trong giáo dục đại học Mỹ: sự sẵn lòng đánh đổi các nguyên tắc để lấy tiền.
Nếu như một số đại học kiên quyết bảo vệ “phẩm giá”, số khác sẵn sàng chào đón một công cụ tuyên truyền của nước ngoài, miễn là cái giá hợp lý.
Nhà báo Ethan Epstein
Theo tìm hiểu của học giả Sahlins, mỗi Viện Khổng Tử mới thành lập luôn đi kèm số tiền 100.000 USD gọi là “chi phí thành lập” từ Hanban và cứ đều đặn 100.000 USD/năm trong suốt 5 năm tiếp theo. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn trợ cấp chi phí giảng dạy (gồm vé máy bay, lương giáo viên…) và sách giáo khoa, video, công cụ học tập cho các khóa học.
Đó là những ưu đãi trên cả mong đợi, nhất là đối với các trường chưa có chương trình nghiên cứu Trung Quốc, theo ông Sahlins. Thông thường, mỗi Viện Khổng Tử sẽ liên kết với một trường đại học Trung Quốc nào đó.
Mô hình trên giống như phương thức nhượng quyền thương mại của các chuỗi nhà hàng: Cứ mở ra là anh đã có sẵn mọi thứ. Các trường đại học Mỹ có thể tiếp tục thu học phí của sinh viên, trong khi nguồn tài nguyên giảng dạy đã có người Trung Quốc lo. Nói cách khác thì đó là “tiền chùa”.
Tại nhiều trường đại học (dù không phải tất cả), các sinh viên thậm chí có thể nhận được tín chỉ sau khi hoàn thành khóa học của Viện Khổng Tử.
Dù Hiệp hội Học giả quốc gia Hoa Kỳ và Hiệp hội Giáo sư đại học Hoa Kỳ từng khuyến nghị các trường đại học nên ngưng hợp tác với Hanban, tình hình cho đến nay vẫn không có gì thay đổi. Ngược lại, hệ thống Viện Khổng Tử tiếp tục bành trướng ở Mỹ.
Năm 2015, Bắc Kinh tiếp tục mở chi nhánh ở ĐH Tufts, ĐH New Jersey City, ĐH Nam Utah và ĐH Northern State. Năm 2016 là ĐH Savannah; năm 2017 là ĐH Bắc Carolina (UNC) và ĐH Transylvania… Để tránh điều tiếng, một số trường như UNC không cho phép Viện Khổng Tử cấp tín chỉ cho sinh viên.
Theo báo cáo của Trung tâm Ưu tiên chính sách và ngân sách, một thập niên kể từ cuộc Đại suy thoái, ngân sách liên bang chi cho các trường công của Mỹ vẫn thấp hơn mức trung bình trước đó dù có tăng chút ít gần đây.
Cụ thể sau khi điều chỉnh lạm phát, ngân sách chi cho các trường đại học và cao đẳng cộng đồng năm 2017 thấp hơn 9 tỉ USD so với năm 2008.
Dễ thấy là trong điều kiện khốn khó của giáo dục đại học Mỹ, Bắc Kinh đã nhìn thấy cơ hội. Tình hình sắp tới có thể cũng không khá hơn vì trong ngân sách 2018 do Tổng thống Donald Trump đề xuất, chi tiêu cho các trường đại học tiếp tục bị cắt giảm mạnh.
Tạp chí The Economist ước tính Trung Quốc mỗi năm chi tầm 10 tỉ USD chỉ để quảng bá hình ảnh ở nước ngoài thông qua các hoạt động như lễ hội văn hoá, trao đổi giáo dục và sản phẩm truyền thông. Viện Khổng Tử là một phần quan trọng của sứ mệnh này.