27/12/2024

Nồi bánh chưng ở xứ người

Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên, hạnh phúc bên người thân yêu. Nhưng không phải người Việt nào sống trên đất khách quê người cũng có thể trở về quê hương.

 

Nồi bánh chưng ở xứ người

Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên, hạnh phúc bên người thân yêu. Nhưng không phải người Việt nào sống trên đất khách quê người cũng có thể trở về quê hương.
 
 
 


Nồi bánh chưng ở xứ người - Ảnh 1.

Ngày hội nấu bánh chưng, bánh tét tại Bangkok ngày 11-2 – Ảnh: THANH ĐÀO

 

Để mọi người cùng ngồi lại với nhau, những người con xa xứ ở các nước đã tổ chức gói bánh chưng, bánh tét đón Tết.

Bản sắc Việt ở Thái Lan

Ở xứ Chùa Vàng, năm nay, ngày hội gói bánh được tổ chức vào sáng chủ nhật 11-2 (tức ngày 26 Tết âm lịch) cho kiều bào, du học sinh đang sinh sống và học tập, làm việc trên Vương quốc Thái Lan. Địa điểm gói bánh diễn ra tại chùa Cảnh Phước – Wat Sommananam Boriharn ở Bangkok.

Dịp này cũng là để những người con xa quê chia sẻ không khí đón xuân. Bạn Tôn Nữ Ngọc Hân hiện đang là nghiên cứu sinh Học viện NIDA chia sẻ về năm thứ hai đón Tết ở nước ngoài: “Gói bánh chưng là phong tục bao đời nay của người Việt Nam. Cảm giác tham gia gói bánh thật khó tả. 

Qua chương trình này, bà con kiều bào và sinh viên Việt Nam được dịp gặp nhau, ôn lại truyền thống Việt nơi đất khách, chúc nhau an lành trong cuộc sống. Đây cũng là dịp khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam tại Thái Lan. Tết Nguyên đán rất đẹp và thiêng liêng”.

Còn du học sinh Nguyễn Duy Trọng – hiện đang học tại Trường Mahachulalong-kornrajavidyalaya – cho biết: “Mặc dù không về được quê hương đón Tết nhưng tôi cũng cảm thấy mình như đang ở quê nhà. Đâu đó trên đất khách quê người này vẫn còn đọng lại một không khí của văn hoá Việt để sưởi ấm những người con Việt”.

Nồi bánh chưng ở xứ người - Ảnh 2.

Sinh viên Việt Nam chia sẻ phong tục Tết với người nước ngoài – Ảnh: TUYEN PHAM

Ấm áp Matxcơva

Như đã trở thành truyền thống, các sinh viên Việt Nam tại thủ đô Matxcơva của Nga thường tổ chức nấu bánh chưng để đón giao thừa. Năm nay, các sinh viên Trường ĐH Năng lượng Matxcơva cũng rục rịch chuẩn bị từ trước và nấu bánh trong đêm 10-2 (nhằm ngày 25 Tết).

Như Tăng Hữu Thành, sinh viên lớp dự bị tiếng Nga, trong lần đầu tiên ăn Tết xa nhà bạn cảm thấy may mắn khi các anh chị đã tổ chức một ngày Tết làm sao có thể giống nhất ở nhà, có bánh chưng, không khí Tết. 

Thậm chí với sinh viên năm cuối như Nguyễn Thái Quốc Huy, Tết xa nhà và nấu bánh chưng cùng bè bạn vẫn là một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời sinh viên.

Matxcơva là địa điểm họ dễ tìm thấy sự ấm áp, nhất là trong những dịp lễ hội truyền thống quê hương. Huỳnh Thị Thanh Tuyền, sinh viên năm nhất ĐH Công nghệ hoá Mendeleev, chia sẻ rằng tại thành phố khác rất vắng bóng người Việt, chỉ khi chuyển tới Matxcơva mới biết cảm giác nấu bánh chưng, đón giao thừa cùng cộng đồng. 

“Thời gian nhanh chóng trôi đi và cái Tết xa quê thứ hai của tôi đã đến. Tưởng như đã quen với mọi thứ xung quanh và quên đi nỗi nhớ gia đình, bạn bè, nhưng khi thấy những dòng trạng thái họp lớp, nghe những bài hát “về nhà”, lòng tôi lại có một nỗi buồn nho nhỏ. Và đúng vậy, tôi đang nhớ nhà” – Nguyễn Năng An, sinh viên dự bị tiếng Nga, chia sẻ.

Chia sẻ Tết tại Mỹ

Năm nay lại một năm nữa cộng đồng sinh viên Việt Nam ở Morgantown, West Virginia đón Tết xa nhà. Nhóm nhỏ nhưng mọi người rất yêu quý nhau, vẫn thường xuyên đón các ngày lễ Tết cùng nhau, cùng nấu ăn, trò chuyện và chia sẻ.

Để có một cái Tết ấm cúng và đầy đủ hương vị quê nhà đối với du học sinh không dễ chút nào. Năm nay mọi người quyết định cùng nhau lái xe hơn 3 tiếng đi Virginia để đến thăm Eden Mall, một khu chợ khá lớn của cộng đồng người Việt ở đây, với hi vọng sẽ tìm mua được những nguyên liệu cần thiết để gói bánh và nấu một số món ăn quen thuộc đón Tết.

Đồng hành với Hội Sinh viên Việt Nam luôn có các thầy cô người Mỹ, bạn bè Mỹ và bạn bè quốc tế đến chung vui mỗi dịp xuân về. Các bạn cũng chơi các trò chơi dân gian Việt Nam. Có thầy cô và các bạn, Tết như càng thêm ấm cúng sum vầy giữa mùa đông khắc nghiệt trên đất Mỹ. 

Mọi người dự tính vào đêm 29 Tết sẽ gặp nhau ở nhà một người để cùng nhau gói bánh và thức trông nồi bánh cả đêm. Tết đến là dịp du học sinh tạm ngừng nhịp sống hối hả nơi đất khách, gác lại những bộn bề, tạm quên nỗi nhớ nhà để cùng nhau đón một năm với trọn vẹn, ấm áp và tràn ngập yêu thương trong vòng tay bạn bè, thầy cô và các bạn sinh viên quốc tế.

Minh Đạo, đón cái Tết thứ 5 xa nhà, cho biết các nguyên liệu để làm bánh chưng thường không có sẵn ở Nga. Thay vào đó, nhóm sinh viên tìm mua từ quê nhà với giá cao hơn.

“Chúng tôi phải mua từ các khu chợ bán đồ khô của các cô chú cộng đồng bên Nga này. Do phải vận chuyển xa nên nguyên liệu làm bánh chưng có giá cao hơn ở Việt Nam, ví dụ gạo nếp 50.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 110.000 đồng/kg và đặc biệt đậu xanh tới 95.000 đồng/kg, còn lá dong đến 200.000 đồng/kg. Lá dong phải chuyển bằng đường máy bay từ Việt Nam sang” – Minh Đạo nói.

THANH ĐẠO – NHẬT ĐĂNG – TUYỀN PHẠM