10/01/2025

Chọn lãnh đạo kiểu Singapore: Lãnh đạo phải có ‘tầm nhìn trực thăng’

“Tầm nhìn trực thăng” có nghĩa nhà lãnh đạo phải nhìn xa hơn các nhiễu loạn chính trị ngắn hạn để theo đuổi những gì tốt cho đất nước ở góc độ dài hạn và vĩ mô.

 

Chọn lãnh đạo kiểu Singapore: Lãnh đạo phải có ‘tầm nhìn trực thăng’

 “Tầm nhìn trực thăng” có nghĩa nhà lãnh đạo phải nhìn xa hơn các nhiễu loạn chính trị ngắn hạn để theo đuổi những gì tốt cho đất nước ở góc độ dài hạn và vĩ mô.
 
 


Chọn lãnh đạo kiểu Singapore: Lãnh đạo phải có tầm nhìn trực thăng - Ảnh 1.

Bộ trưởng cấp cao – cựu thủ tướng Goh Chok Tong (trái) của Singapore trò chuyện với các thành viên tham dự Chương trình thượng đỉnh các nhà lãnh đạo xã hội trẻ của Singapore vào tháng 9-2017 – Ảnh: ST

Người [lãnh đạo] đó phải là thép tôi luyện, nếu không thì [anh ta] nên bỏ cuộc ngay

Ông LÝ QUANG DIỆU (cha đẻ của Singapore)

Trong nhiều năm, phương pháp lựa chọn lãnh đạo kiểu săn nhân tài có tài có đức tỏ ra hiệu quả với Singapore, mặc dù đây đó cũng có những khiếm khuyết không thể tránh như với bất cứ hệ thống chính trị nào.

Ví dụ trong quá khứ, một số bộ trưởng từng bị phát hiện tham nhũng và họ bị cách chức, chạy trốn pháp luật hoặc tự sát. Điều này có nghĩa quá trình chọn lọc không đủ hoàn hảo.

Tuy nhiên, ưu điểm của hệ thống là ít nhất các quan chức tham nhũng cuối cùng cũng bị phát hiện và phải trả giá cho tội lỗi của mình.

Thực tế rất khó thu hút các ứng viên lãnh đạo trong sạch như tờ giấy trắng, không phải vì không có người đủ tiêu chuẩn, mà bởi gìn giữ sự trong sạch là một áp lực khổng lồ một khi họ trở thành nhân vật của công chúng.

 

Áp lực của “nhân vật của công chúng”

Có rất ít người muốn cuộc sống riêng tư của mình bị theo dõi sát sao không chỉ bởi cơ quan an ninh chính phủ, mà còn bởi công chúng. Trong thời đại truyền thông xã hội này, giữ trong sạch – từ các giá trị cá nhân đến từng cử chỉ hành động – là một thử thách lớn cho mọi người. 

Lương của bộ trưởng ở Singapore rất cao, nhưng lương này đòi hỏi bộ trưởng phải hi sinh sự riêng tư của mình, làm việc ở nhiều lĩnh vực, làm ngày và đêm đồng thời không biết mệt mỏi.

Khuyết điểm thứ hai cần cân nhắc là “tấm lưới” quá nhỏ, trong khi ứng viên tốt quá khó tìm. Trong các hệ thống chính trị khác, nếu một chính phủ lãnh đạo thất bại, họ sẽ bị loại trong cuộc bầu cử tiếp theo. 

Ở một số nước phương Tây, cử tri hay chán nản khi phải chứng kiến những “gương mặt thân quen” nắm quyền hơn 2 nhiệm kỳ, khi đó họ sẽ bỏ phiếu cho sự thay đổi. Điều này thường xảy ra ở Anh, Úc và Mỹ. 

Nhưng với chưa đến 4 triệu dân ở Singapore, tấm lưới nhỏ là một thực tế bất khả kháng. Cho nên Singapore hết sức bồi dưỡng thế hệ trẻ, cụ thể là những người có tiềm năng lãnh đạo.

Tại Singapore, cử tri đã quen bỏ phiếu cho Đảng Nhân dân hành động (PAP), dù các đảng chính trị đối lập đã gây sức ép đáng kể lên chính phủ từ năm 1984. 

Bởi chính quyền PAP có lý lịch điều hành khá tốt, sẵn sàng thay đổi khi cần thiết trong đường hướng và chính sách, do đó bầu cho PAP là một lựa chọn an toàn. Cử tri cũng hiểu rõ quy trình chọn lọc lãnh đạo khắc nghiệt của PAP và ủng hộ điều này.

Tuy nhiên, cách làm của PAP cũng có nghĩa chính phủ thường chọn ra một số ứng viên họ quen biết rõ, chẳng hạn lãnh đạo quân đội, cơ quan nhà nước hoặc những ai đã chứng tỏ được khả năng trước công chúng.

Chọn lãnh đạo kiểu Singapore: Lãnh đạo phải có tầm nhìn trực thăng - Ảnh 3.

Những ứng viên được cho là sáng giá cho chức vụ thủ tướng kế tiếp của Singapore (từ trái qua): Bộ trưởng tài chính Heng Swee Keat, Bộ trưởng văn phòng thủ tướng Chan Chun Sing và Bộ trưởng giáo dục (mảng giáo dục cao và dạy nghề) Ong Ye Kung – Ảnh: AFP

Chọn người tài qua tầm nhìn

Kinh nghiệm cho thấy PAP bắt đầu “quăng lưới” trong những vòng tròn quen biết trước tiên. 

Chính phủ tự tin với phương pháp này vì các lãnh đạo tiềm năng được theo dõi từ lúc họ còn rất trẻ, nhiều người trong đó nhận được các học bổng chính phủ danh giá như học bổng tổng thống hoặc học bổng du học SAF.

Một số nhà phê bình chỉ trích cách làm của Singapore tạo ra một nhóm người có cùng cách suy nghĩ và sẽ khó để chính phủ thay đổi chính sách nhanh chóng khi cần thiết, nhất là khi bản chất của quân đội và nhà nước là ngả theo các phương án an toàn. 

Tuy nhiên, qua các thế hệ khác nhau, các nhà lãnh đạo Singapore đã cho thấy khả năng dẫn dắt công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và xã hội mỗi khi các thách thức toàn cầu xuất hiện.

Cụ thể hơn, PAP bắt buộc các ứng viên lãnh đạo, ngoài tiêu chuẩn đạo đức, phải có một phẩm chất gọi là “tầm nhìn trực thăng” cùng với khả năng lên kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức. 

“Tầm nhìn trực thăng” có nghĩa là khả năng nhìn xa trông rộng, đánh giá và xử lý các vấn đề ở vị trí thoát ra khỏi mớ hỗn loạn chính trị. Nói cách khác, nhà lãnh đạo phải nhìn xa hơn các nhiễu loạn chính trị ngắn hạn, để theo đuổi những gì tốt cho đất nước ở góc độ dài hạn và vĩ mô.

Chuyến bay cùng và chiếc thẻ nhớ

Ông Lý Quang Diệu từng nói tất cả lãnh đạo hàng đầu của Singapore – bao gồm lãnh đạo chính trị, nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, tất cả khoảng 200 người – có thể chất lên chung một chiếc máy bay và hồ sơ cuộc đời của họ có thể dồn vào một thẻ nhớ USB.

Nếu chuyến bay giả định đó kết thúc bằng một tình huống tai nạn, Singapore coi như chấm hết vì không còn ai đủ khả năng lãnh đạo.

Tôi rèn trong môi trường quân đội

Nhiều năm trước, ông Lý Quang Diệu từng nói: “Người [lãnh đạo] đó phải là thép tôi luyện, nếu không thì [anh ta] nên bỏ cuộc ngay”. 

Đây cũng là một lý do tại sao quân đội Singapore luôn là một trong những nơi chính phủ xác định ứng viên lãnh đạo ngay khi các quân nhân mới bắt đầu sự nghiệp, thử thách họ trong 1-2 thập niên bằng cách luân chuyển qua các vị trí khác nhau với nhiều áp lực công việc. 

Những người thành công sẽ trở thành ứng viên tiềm năng cho các chức vụ bộ trưởng hàng đầu.

Khiếm khuyết cuối cùng đáng chú ý là “bản chất kỹ trị” của quá trình tuyển chọn lãnh đạo của Singapore. 

Một đảng phái chính trị thắng cử không chỉ nhờ lãnh đạo có năng lực và sức thu hút, người đó còn phải biết truyền cảm hứng để người khác nghe theo và ủng hộ trong lúc vận động tranh cử và cả lúc đảm nhận chức vụ.

Dàn lãnh đạo PAP hay than phiền những người được chọn ra tranh cử thường “nhảy dù” xuống một khu vực trong một thời gian rất ngắn trước bầu cử, do đó không có đủ kinh nghiệm thu hút sự ủng hộ từ cử tri và cử tri cũng không biết ứng viên này là ai. 

Vài ứng viên bị đánh giá là không kết nối được với người dân, do làm những công việc cao cấp trước khi bước chân lên vũ đài chính trị.

Nói cách khác, nếu như công tác quản lý yêu cầu tài năng lãnh đạo với tầm nhìn xa, chính trị bầu cử đòi hỏi ứng viên phải bắt tay với tất cả dù bàn tay đó có lấm lem đến đâu; phải chơi với mọi đứa trẻ khi anh ta tiếp xúc cử tri; phải có mặt để giúp người dân giải quyết những vụn vặt của địa phương; phải cho thấy mang lại kết quả khi quản lý cộng đồng…

Những đòi hỏi trên khiến một nghị sĩ quốc hội không bao giờ có thời gian rảnh, những ngày cuối tuần của họ luôn chật kín các cuộc họp, không với chính phủ thì với cử tri. 

Do phải hi sinh cuộc sống gia đình và tự do cá nhân, không phải ai cũng có thể vừa có tầm nhìn xa vừa đủ thực tế để giải quyết các vấn đề dân sinh ở địa phương.

Tóm tắt lại, quá trình tuyển chọn lãnh đạo tương lai của PAP mang đặc thù rất riêng của Singapore. 

Nó thích hợp với quy mô và lý lịch chính trị của đảng này – họ luôn tự hào có một nền chính trị và quản lý trong sạch, nơi các lãnh đạo tiềm năng được xác định từ rất sớm để nuôi dưỡng và đề bạt, cũng như ngăn chặn kịp thời nếu bị phát hiện động cơ thiếu trong sáng.

Như người ta thường nói, sự chuẩn bị là bước đi dẫn đến thành công, người Singapore tin rằng nếu anh không lên kế hoạch chuẩn bị cho tương lai, tức là anh đã lên kế hoạch… để thất bại.

Tiến sĩ DAVID KOH

PHÚC LONG chuyển ngữ