Cụ bà Hà Thị Mù kể về tục ném còn – Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
Ngay như những năm chiến tranh, vùng đất Sa Pa này không bị ảnh hưởng nhiều của chiến sự nên lễ xuống đồng vẫn được tổ chức đều đặn hằng năm, chưa năm nào thiếu cả
Ông SẦN CHÁNG
Ông Sần Cháng – nguyên giám đốc Sở Văn hoá tỉnh Lào Cai, 75 tuổi, sống ở thôn Tả Van – cho biết cộng đồng người Giáy ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nên cũng ăn tết theo âm lịch, trùng với Tết Nguyên đán của Việt Nam.
Tiễn ông bà về trời
Mỗi năm, sắp đến ngày tết, nhà nhà người Giáy làm các món bánh truyền thống như bánh bổng, bánh khảo để cúng bàn thờ tổ tiên và để ăn trong những ngày đầu năm mới.
Từ chiều 30 tết, mọi người tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới chuẩn bị đón tết. Người Giáy ở thôn Tả Van có tục thức cả đêm 30 để đón ông bà, tổ tiên. Từ chiều tối 30, hương, nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc lễ hoá vàng xong.
Như nhiều dân tộc khác, người Giáy cũng có tục đón linh hồn tổ tiên về trước giao thừa và cúng lễ hoá vàng (những vật phẩm cúng lễ bằng giấy như quần áo, tiền, vàng mã được đốt đi) để tiễn ông bà về trời.
Tuy nhiên, người Giáy có nhiều dòng họ khác nhau, lễ hoá vàng của mỗi dòng họ cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn họ Vương (Vàng) và một số họ khác làm lễ hoá vàng vào chiều mùng 1 tháng giêng, người họ Sầm (Sần) thì phải đến tận ngày mùng 3.
Giải thích về sự khác biệt này, ông Sần Cháng cho hay được ông bà kể lại rằng do ngày xưa mỗi dòng họ đều phải cử người lên thay nhau canh giữ miền biên ải nên người lên trước được về ăn tết trước, người lên sau về ăn tết muộn hơn.
Người Giáy ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) thì có tục ăn bữa cơm đầu tiên cũng với sự chênh lệch về thời gian tương tự.
Sau bữa cơm chiều 30, qua 12 giờ trưa của ngày đầu năm mới, nhiều dòng họ mới nấu cơm cúng tổ tiên và ăn bữa cơm đầu tiên trong năm. Có dòng họ cả ngày mùng 1 không nấu nướng và đến sáng mùng 2 mới “khai bếp” và ăn bữa đầu.
“Có truyền thuyết từ xưa truyền lại rằng dòng họ này có người làm nghề đi buôn nơi xa, về không kịp, đến ngày mùng 2 mới bắt đầu đón tết” – ông Vàng Văn Phủ, ở Làng Kim 1, xã Quang Kim, lý giải.
Lễ hội rượu của đồng bào thiểu số tại Bát Xát (Lào Cai) – Ảnh: NGUYỄN HUỲNH MAI
Lễ xuống đồng
Hỏi về lễ xuống đồng đầu năm mới, ông Sần Cháng cho biết người Giáy ở Sa Pa và Bát Xát khá tương đồng và cùng tổ chức vào ngày Thìn đầu năm mới.
Theo quan niệm của người Giáy, ngày Thìn – tức là Rồng, làm lễ vào ngày Thìn sẽ được rồng phun mưa cho ruộng lúa tốt tươi, không bị hạn hán. Nếu ngày Thìn đầu năm trùng với ngày tết thì lễ xuống đồng sẽ lùi lại vào ngày Thìn tiếp theo.
Cụ thể, ngày Thìn đầu tiên của năm Mậu Tuất 2018 là ngày mùng 2 tết nên các thôn người Giáy ở Bát Xát, Sa Pa sẽ tổ chức lễ xuống đồng vào ngày 14 tháng Giêng.
Ông Vàng Văn Phủ cho biết ngày trước, lễ xuống đồng được tổ chức ngoài ruộng. Mỗi gia đình trong thôn sắm sửa một mâm cúng gồm thịt lợn, gà, bánh khảo, bánh bổng và hương hoa mang ra đặt ngoài đồng, nơi tổ chức lễ.
Tại đây, mọi người sẽ cùng thắp hương khấn vái cầu cho năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Ngày nay, lễ xuống đồng có sự tham gia của chính quyền địa phương. Chẳng hạn tại xã Quang Kim, hằng năm sắp đến tết, UBND xã sẽ lên kế hoạch tổ chức lễ xuống đồng với nội dung ngoài các nghi lễ, nghi thức truyền thống còn có chấm thi trưng bày mâm cúng lễ, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của các thôn bản và các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố…
Với người Giáy, lễ xuống đồng là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, đã được truyền giữ từ đời này sang đời khác, nếu không vì lý do bất khả kháng thì năm nào cũng tổ chức.
Hội ném còn
Một nghi thức không thể thiếu trong lễ xuống đồng của người Giáy là ném còn. Trước tết khoảng một tuần, người trong thôn phân công nhau làm những quả còn bằng vải, bọc cát bên trong, to bằng nắm tay, có dây dài chừng 80cm, trang trí nhiều màu sắc.
Một cây tre thẳng, cao chừng 14m cũng được chuẩn bị từ trước tết để đến ngày Thìn đem ra đồng dựng làm cây nêu.
Trên ngọn cây nêu được treo một vòng còn hình tròn rộng chừng 1m, giữa vòng còn là lỗ còn rộng gần 1 gang tay được dán bằng giấy, một mặt màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt kia màu trắng (hoặc xanh) tượng trưng cho mặt trăng.
Sau phần cúng mâm lễ là đến nghi thức ném còn. Những người có mặt dự lễ chia nhau đứng về hai phía của vòng còn, mỗi người từ bên này sẽ cầm quả còn ném sao cho quả còn xuyên thủng lỗ còn. Người từ bên kia cũng ném theo hướng ngược lại.
Khi lỗ còn bị quả còn xuyên thủng thì nghi thức ném còn kết thúc. Quả còn may mắn xuyên thủng lỗ còn sẽ được người dân nhặt đem về đặt trong hũ gạo với niềm tin sẽ mang lại no ấm cho gia đình.
Theo ông Sần Cháng, ném còn không chỉ là một trò chơi thử thách kỹ năng, độ chính xác của người chơi mà là một nghi thức mang ý nghĩa phồn thực. Quả còn xuyên qua lỗ còn tượng trưng cho quan hệ nam nữ, thể hiện sự âm dương giao hòa với mong muốn mọi sự tốt lành, may mắn.
“Vì thế, quả còn cứ được tung lên cho đến khi xuyên thủng được lỗ còn mới thôi. Nếu ném tất cả các quả còn mà lỗ còn vẫn chưa thủng, người ta phải buộc dây vào hòn đá thay quả còn, thậm chí dùng súng bắn, vì ai nấy đều tin rằng nếu hạ nêu xuống mà vòng còn chưa bị xuyên thủng thì cả làng suốt năm không được may mắn” – ông Sần Cháng kể.
Một gia đình người Giáy ở thôn Tả Van (Sa Pa) dự trữ củi cho ngày tết – Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
Giao duyên trên sân còn
Cũng từ ý nghĩa phồn thực, mong muốn âm dương hòa quyện nên sân còn là nơi trai gái gặp gỡ, làm quen rồi yêu nhau. Anh La Văn Sằng, 31 tuổi, ở thôn Làng Kim 1, chỉ về cậu con trai mới được tuổi rưỡi, nói: “Sản phẩm của hội ném còn đấy”!
Năm 2015, cô sinh viên sư phạm Thàn Thị Hồng về xã Quang Kim thực tập đúng vào dịp đầu năm mới khi các thôn bản tụ hội về vui lễ xuống đồng và trẩy hội ném còn. Nét đẹp thuỳ mị của cô đã chinh phục chàng trai người Giáy La Văn Sằng.
“Sợ vuột mất cơ hội, mình chủ động làm quen ngay trên sân còn, rồi yêu nhau, rồi cưới”.