Tranh cãi vụ Trung Quốc khảo sát Benham Rise
Giới nghị sĩ và chuyên gia Philippines đang lo ngại Trung Quốc có thể tận dụng việc khảo sát tại dải đất ngầm Benham Rise cho mục đích quân sự.
Tranh cãi vụ Trung Quốc khảo sát Benham Rise
Nhiều người Philippines biểu tình trước tòa nhà lãnh sự Trung Quốc tại Manila hồi tháng 3.2017 sau khi tàu nước này xuất hiện ở Benham Rise AFP
Benham Rise rộng khoảng 13 triệu ha, nằm ở phía đông Philippines, không bị nước nào tranh chấp và được LHQ xác định thuộc thềm lục địa nước này. Cuộc khảo sát tại Benham Rise do Viện Hải dương học (Viện Khoa học Trung Quốc) tiến hành với sự hợp tác của Viện Khoa học biển (Đại học Philippines).
Tuy nhiên, việc tàu Khoa học khảo sát tại Benham Rise đang gây ra quan ngại về quyền tài phán của Philippines và an ninh quốc gia nước này. Theo The Philippine Star, 7 nghị sĩ Philippines vừa kêu gọi hạ viện điều tra việc chính quyền Manila cho phép tàu Khoa học khảo sát tại Benham Rise. Họ lo ngại Trung Quốc có thể sẽ không chia sẻ thông tin từ cuộc khảo sát như nước này từng làm khi hai bên cùng tiến hành cuộc nghiên cứu địa chất dưới biển hồi năm 2005.
Tương tự, cựu cố vấn an ninh quốc gia, sĩ quan hải quân Philippines Roilo Golez cho rằng việc để Trung Quốc tiếp cận Benham Rise đang gây báo động vì Bắc Kinh có thể sử dụng kết quả nghiên cứu cho mục đích quân sự.
Hồi tháng 3.2017, sau khi một số tàu Trung Quốc hiện diện tại Benham Rise mà không xin phép trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bày tỏ quan ngại rằng những tàu này có thể khảo sát các tuyến tàu ngầm và ra lệnh đẩy đuổi chúng. Đến tháng 5.2017, Tổng thống Duterte ký sắc lệnh đổi tên Benham Rise thành Philippine Rise để củng cố quyền chủ quyền đối với dải đất ngầm này.