29/11/2024

Tăng ca để trang trải dịp tết

Đồng lương ít ỏi, dịp tết công nhân mong được tăng ca để có tiền trang trải các khoản chi tiêu, làm lộ phí về quê…

 

Tăng ca để trang trải dịp tết

Đồng lương ít ỏi, dịp tết công nhân mong được tăng ca để có tiền trang trải các khoản chi tiêu, làm lộ phí về quê…


 
Đa phần công nhân mong muốn làm thêm giờ để có tiền trang trải dịp tết /// Ảnh: Hải Nam

Đa phần công nhân mong muốn làm thêm giờ để có tiền trang trải dịp tết ẢNH: HẢI NAM

Mong tăng ca để có tiền về quê
Tại khu lưu trú công nhân (CN) ở KCN Vĩnh Lộc, CN Đặng Thị Thôi (quê Thừa Thiên-Huế) cho biết vừa mới xuống ca nên tranh thủ đi đón con rồi ghé ATM rút tiền, vì gần cuối tháng, cuối năm nên CN vào rút tiền khá đông.
 

Thôi cho biết năm nay 2 vợ chồng không về quê vì không có dư nhiều. “Nếu chỉ tính lương cơ bản của em là 5,1 triệu đồng/tháng, lương của chồng cũng tương đương thì tiền nhà, tiền ăn uống, tiền gửi con… đã chiếm gần hết, có tiết kiệm cũng khó mà dư đồng nào”, Thôi nói và cho biết thời gian cuối năm công ty có nhiều hàng nên tăng ca liên tục, thu nhập cũng được gần 8 triệu đồng/tháng. “Chênh lệch một vài triệu như vậy là rất lớn đối với CN nên ai cũng muốn tăng ca để có dư. Chứ không thì tiết kiệm lắm mới đủ sống. Tháng rồi luôn miệt mài tăng ca, nhờ vậy mà cũng tích góp được chút ít tiền mua sắm tết. Mệt một chút nhưng có tiền, những CN chưa có gia đình còn muốn tăng ca nhiều hơn nữa để có thêm thu nhập”, Thôi cho biết thêm.

 
Ghé phòng trọ của Hoàng và Kha (quê Bình Thuận, làm CN cho một công ty thi công công trình gần KCN Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh, TP.HCM), cả hai cho biết: Dịp tết tụi em thường làm tăng ca, làm từ 7 – 18, 19 giờ. Tăng ca mệt nhưng có thêm tiền. Lương cơ bản của hai anh em chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng/người. Nếu tăng ca đều thì thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 9 triệu đồng/người.
 
Kha chia sẻ thêm: “Gần tết rồi, tụi em cũng mong được tăng ca để có thêm tiền về quê ăn tết chứ lương cơ bản không thôi làm sao đủ”.
 

Theo hai chị em Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Hằng (quê An Giang, CN Công ty TNHH may thêu M.D.K, Q.12, TP.HCM), còn 1 tháng nữa là tết nhưng chẳng mua sắm gì vì tiền không dư. Hai chị em đang mong công ty có thêm đơn hàng để tăng ca. Liên kể, hằng ngày hai chị em đi làm từ sáng đến 17 giờ. Lương khoảng 5 triệu đồng/tháng/người. Những hôm có hàng nhiều, tăng ca thì làm đến 20 giờ, thu nhập cũng được trên 6 triệu đồng/tháng. “Năm trước tăng ca nhiều nên còn có tiền dư, năm nay ít tăng ca nên thu nhập giảm, gần tết rồi mà chẳng dư được đồng nào!”, Liên chia sẻ.

 
Tương tự, CN Lê Thị Gấm (Công ty TNHH Nam Ho, H.Hóc Môn) cho biết lương căn bản của chị khoảng 4,7 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca đều thì được hơn 6 triệu đồng. “Đối với CN sản xuất, tiền thưởng tết đâu được bao nhiêu, vì vậy, tăng ca nhiều mới có tiền tích góp, có dư chút ít về quê”, Gấm nói.
Không trông chờ vào thưởng tết
 

Theo anh Tôn Quốc Vinh, quản lý nhân sự của một công ty có vốn nước ngoài tại TP.HCM, hầu hết CN đều muốn tăng ca để có thêm thu nhập, nhất là dịp tết khi cần trang trải nhiều khoản, về quê ăn tết, chứ ít người mong chờ vào tiền thưởng. Tuy nhiên, hiện luật quy định tăng ca không quá 30 giờ/tháng là quá ít, dẫn đến việc một số doanh nghiệp (DN) lớn phải thực hiện nghiêm túc và chịu giám sát của đối tác.

 
Tuy luật quy định giới hạn về giờ tăng ca nhưng thực tế vẫn có nhiều DN nhỏ cho tăng ca quá quy định, điều đáng nói là việc tăng ca này lại được nhiều CN đồng tình vì họ có thêm thu nhập. Đây cũng chính là lý do dẫn đến chuyện nhảy việc của CN. “Mỗi ngày chỉ tăng ca khoảng 1 giờ là không đáng kể. Công ty phải thường xuyên đối mặt với tình trạng nhảy việc của CN sang những công ty khác có thời gian tăng ca nhiều hơn dù mức lương cơ bản thấp hơn công ty mình”, anh Vinh nói.
 
Theo các nhà quản lý về lao động tại TP.HCM, mức thưởng tết đối với CN trực tiếp sản xuất, đa số DN căn cứ vào lương cơ bản nên không cao. Mức lương hiện tại của đa phần CN chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày nên rất khó tích luỹ. Do vậy, mỗi năm, có hàng chục ngàn CN phải ở lại TP ăn tết vì không có tiền về quê.
 
84,4% NLĐ muốn tăng ca, làm thêm
 
Kết quả khảo sát của Viện CN – Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN) năm 2017 đối với 816 gia đình (mỗi gia đình gồm 2 CN và 2 người phụ thuộc), trung bình mỗi hộ chi tiêu 9.038.000 đồng/tháng. Trong đó, tiền ăn trung bình 3,3 triệu đồng; tiền thuê nhà trọ 995.000 đồng; tiền điện, nước, gas 624.000 đồng; chi phí xăng xe, đi lại, điện thoại 593.000 đồng; chi phí học tập của con cái 1,34 triệu đồng; khám chữa bệnh, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ khoảng 760.000 đồng… Trong khi thu nhập trung bình của CN nhóm này là 4.716.500 đồng/tháng.
 
Có 51,3% người lao động (NLĐ) cho biết có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% có thu nhập không đủ sống; chỉ 16,1% NLĐ có thể có tích lũy từ thu nhập. Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía DN (chiếm 20 – 25% thu nhập) thì tiền lương của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Có 57,6% số NLĐ cho biết có làm thêm giờ, trung bình 33,7 giờ/tháng, mức thu nhập tăng thêm gần 1,2 triệu đồng/tháng. Trong số này, 84,4% số NLĐ cho biết muốn tăng ca, làm thêm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.