Tác phẩm bắt buộc trong chương trình mới thiếu thuyết phục
Theo nhiều giáo viên, dự thảo các môn học trong chương trình mới còn nhiều vấn đề phải làm rõ để thực hiện đồng bộ.
Tác phẩm bắt buộc trong chương trình mới thiếu thuyết phục
Theo nhiều giáo viên, dự thảo các môn học trong chương trình mới còn nhiều vấn đề phải làm rõ để thực hiện đồng bộ.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM học môn ngữ văn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cơ sở nào chọn 6 tác phẩm ?
Bà Phan Thanh Vân, giáo viên (GV) Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Vinh, Nghệ An), cho biết bà tán thành với định hướng cấu trúc chương trình môn ngữ văn mới gồm 2 phần bắt buộc và tự chọn. Điều này giúp cho GV có cơ hội lựa chọn những tác phẩm mình tâm đắc để dạy. Tuy nhiên, bất cập dễ nhận thấy là tính chất không đồng đều về năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, quan điểm dạy học… của GV ở các vùng miền khác nhau sẽ dẫn đến chất lượng dạy học không đồng đều và không đạt được mục đích của môn học như định hướng đã nêu trong dự thảo.
Việc lựa chọn 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình môn văn THPT cần được xem xét dựa trên tiêu chí phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục VN trong thời kỳ mới. Bà Vân đặt vấn đề: “Điều mà nhiều GV băn khoăn ở đây là ban dự thảo chương trình dựa vào cơ sở khoa học nào để lựa chọn 6 tác phẩm bắt buộc mà không phải là 5, 7 hay 10 tác phẩm?”.
Bà Vân nhận xét: “Việc lựa chọn 6 văn bản bắt buộc (Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập) vừa thừa lại vừa thiếu. Có đến 5/6 văn bản thuộc cảm hứng yêu nước, chỉ một văn bản mang cảm hứng nhân đạo. Trong 6 văn bản có tới 3 thuộc thể văn chính luận, 5 văn bản viết theo thi pháp truyền thống. Cả 6 văn bản đều thuộc giai đoạn từ thế kỷ 10 đến năm 1945. Như vậy, phần tác phẩm bắt buộc thiếu hẳn mảng văn học hiện đại và cảm hứng thế sự đời tư. Về phương diện thể loại, những tác phẩm thuộc thể loại văn học hiện đại như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ tự do, chính kịch không có trong chương trình bắt buộc”.
Theo bà Vân, để đề xuất những tác phẩm bắt buộc, được xem như huyết mạch của văn chương Việt, ban soạn thảo chương trình cần thống nhất lại các tiêu chí chọn lựa một cách cụ thể, rõ ràng, sau đó xin ý kiến các chuyên gia văn học đầu ngành để tìm được sự đồng thuận cao trong việc lựa chọn. Thực tế giảng dạy trong các trường THPT cho thấy khi đã đưa tác phẩm vào phần “bắt buộc”, cả GV và học sinh đều sẽ đầu tư nhiều cho những tác phẩm đó, vì vậy, nếu lựa chọn tác phẩm chưa xác đáng sẽ dẫn đến việc không đạt được mục đích của môn học như đã nêu trong dự thảo.
Bà Vân đề xuất 5 tiêu chí để lựa chọn tác phẩm bắt buộc: tác phẩm phải điển hình cho các giai đoạn phát triển văn học, tiêu biểu về thể loại, tiêu biểu về chủ đề/cảm hứng, điển hình về thi pháp, có giá trị trường tồn.
Kiến thức môn toán vẫn khó
Theo Thạc sĩ Ngô Thanh Sơn, Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM, điểm nổi bật của chương trình lần này là phần thống kê và xác suất được chọn làm một trong 3 mạch chính của chương trình (cùng với số và đại số, hình học và đo lường). Kiến thức về phần này được dạy từ lớp 2 – 12. Nội dung này được dạy bài bản, đồng thời tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh, có đưa vào một số kiến thức mới.
Tuy nhiên, những kiến thức mới này khá khó tiếp thu ngay cả đối với sinh viên khi học môn xác suất thống kê ở bậc ĐH. Việc giảng dạy của GV phổ thông ở phần này có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn vì chỉ có một vài trường sư phạm lớn mới giảng dạy kỹ về bộ môn này. Còn đa số các trường sư phạm ở các tỉnh, sinh viên sẽ chỉ được học một môn xác suất thống kê với khoảng 3 tín chỉ.
Chương trình cố gắng đưa phần hình không gian thành một mạch quan trọng ở cấp THCS (phần hình học trực quan). Phần này trước đây thường được để ở cuối năm và hầu hết các trường đều bỏ qua không dạy (nhất là ở lớp 9 để phục vụ cho việc ôn thi tuyển sinh).
Trong khi đó theo TS Nguyễn Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, những người đã từng dự thi môn toán vào các kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây và kỳ thi THPT quốc gia mấy năm qua đều biết đạo hàm và tích phân là những nội dung rất quan trọng trong môn thi. Đối với các nhà kinh tế thì đạo hàm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng qua một khảo sát nhanh mà TS Cường vừa mới thực hiện gần đây cho thấy việc dạy các nội dung này trong trường phổ thông rất có vấn đề.
TS Cường nhận xét: “Cách dạy toán hay một số môn học khác của nước mình thường yêu cầu học sinh phải luyện các bài toán quá khó và lắt léo. Toán học rất cần thiết trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong nghiên cứu kinh tế, nhưng vấn đề là cách dạy ở phổ thông phải khác đi”.