Ông Trump đã phát động chiến tranh thương mại?
Giới quan sát lo sợ quyết định đánh thuế tấm pin mặt trời và máy giặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây sẽ làm bùng nổ căng thẳng với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Ông Trump đã phát động chiến tranh thương mại?
Sản xuất tấm pin mặt trời ở bang Oregon của Mỹ. Có ý kiến phản biện rằng biện pháp đánh thuế làm mất việc của người Mỹ – Ảnh: REUTERS
Ông Donald Trump từ lâu đã than phiền về cán cân thương mại bị lệch với các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc, rằng điều này làm tổn thương người lao động Mỹ. Nhưng trong suốt năm đầu tiên cầm quyền, ông chưa dựng lên rào cản thương mại nào như đã nhiều lần doạ.
Điều đó đã thay đổi trong tuần này với việc Chính phủ Mỹ áp thuế lên hai mặt hàng nhập khẩu là tấm pin mặt trời và máy giặt, với mục đích được công khai là bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Trong những tháng tới, căng thẳng với Bắc Kinh có thể tăng nhiệt khi ông Trump tiếp tục quyết định số phận các mặt hàng khác như thép, nhôm… Việc Trung Quốc vi phạm trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ cũng là một cái gai trong quan hệ Mỹ – Trung.
“Nếu đây là khởi đầu của một cuộc chiến thương mại, loạt đạn đầu tiên vừa được bắn ra bởi… súng bắn đậu
Ông SCOTT KENNEDY (chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm CSIS nhận định một cách hài hước)
Trung Quốc chưa chắc “động binh”
Ngày 23-1, Bắc Kinh đã lên tiếng thể hiện sự bất mãn vì tấm pin mặt trời của họ bị Mỹ đánh thuế lên tới 30%. Trung Quốc mô tả hành động đó gây “ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường giao thương toàn cầu”.
Đó là một phản ứng không có gì bất thường. Đài CNN của Mỹ dẫn các ý kiến chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ choảng nhau trên mặt trận thương mại. Thực tế, các khoản thuế mà Washington công bố ngày 22-1 không bị xem là khiêu khích “to tát” đối với Trung Quốc.
Ông Scott Kennedy, giám đốc Dự án doanh nghiệp Trung Quốc và kinh tế chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington), nhận định rằng sẽ là một sai lầm nếu nghiêm trọng hóa về các khoản thuế mới (của ông Trump), đặt trong bối cảnh Mỹ hiện nay đã áp dụng hơn 150 biện pháp thương mại đối với nhiều sản phẩm “Made in China”.
Cũng theo hướng này, một số ý kiến khác nhận định Trung Quốc sẽ tránh trả đũa Mỹ ít nhất là vào thời điểm này. “Bắc Kinh trên lý thuyết có thể áp thuế lên các sản phẩm nông nghiệp Mỹ hoặc làm khó các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc bằng cách siết quy định, nhưng họ sẽ không muốn chọc tức Mỹ vào lúc này” – ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á thuộc Hãng nghiên cứu Oxford Economics, đánh giá. “Dù cả hai nền kinh tế đều tổn thất nếu nổ ra chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn, đơn giản vì xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ lớn gấp 4 lần chiều ngược lại” – ông Kuijs bổ sung.
Ông James Wang, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Thành thị Hong Kong, khẳng định Trung Quốc sẽ chùn tay trước quyết định phá hủy một mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích cho họ trong hàng thập niên. Ông Wang cũng nghi ngờ khả năng chính quyền ông Trump sẽ “siết quá chặt” Trung Quốc vì Mỹ vẫn cần sự ủng hộ của Bắc Kinh trong các vấn đề an ninh toàn cầu như Triều Tiên.
“Ông Trump là một tổng thống thích có qua có lại. Ông ấy có thể thay đổi giọng điệu phụ thuộc vào việc Mỹ cần sự hợp tác của Trung Quốc đến đâu” – giáo sư Wang dự báo.
Tổng thống Trump đặt bút ký sắc lệnh đánh thuế lên tấm pin mặt trời và máy giặt ngày 23-1 – Ảnh: Reuters
Khởi đầu nóng cho một tuần lễ lớn
Có một sự trùng hợp là Mỹ công bố các khoản thuế mới, vốn cũng gây ra phản ứng giận dữ từ Hàn Quốc và Mexico, đúng vào ngày đầu tiên của một tuần lễ lớn đối với doanh nghiệp toàn cầu.
Mỹ đang bước vào giai đoạn thương lượng quan trọng với Mexico và Canada để tái đàm phán Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Các cuộc tiếp xúc vừa được nối lại vào ngày 23-1. Bên cạnh đó, cũng trong tuần này Tổng thống Trump dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thuỵ Sĩ) – nơi tập trung các nguyên thủ, CEO và lãnh đạo doanh nghiệp thế giới.
Động thái của ông Trump khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận tại Davos. Cần nhớ rằng đây là nơi mà năm ngoái Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến đám đông hồ hởi với bài diễn văn bảo vệ tự do thương mại. Việc ông Trump đánh thuế máy giặt – sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Hàn Quốc – gợi ý rằng Nhà Trắng sẵn lòng “nói phải quấy” không chỉ với đối thủ như Trung Quốc, mà còn cả đồng minh thân thiết nhất khi đụng đến thương mại.
“Nó gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chính quyền Mỹ có ý định duy trì quan điểm cứng rắn trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá” – ông Troy Stangarone, giám đốc Tổ chức học giả Viện Kinh tế Hàn Quốc (Mỹ), nhận xét.
Seoul tuyên bố sẽ gửi khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dù thực tế Mỹ hoàn toàn có thể phớt lờ tổ chức này. Hàn Quốc và Mỹ hiện đang thương thảo để đàm phán lại hiệp định tự do thương mại của hai nước. Ông Trump mô tả các điều khoản cũ của nó là “kinh dị”, “phá hoại công ăn việc làm”…