28/11/2024

Hàng Việt ‘lột xác’ để xuất khẩu: Tăng giá trị cho hàng Việt

Sau thời gian dài tập trung vào số lượng, xuất khẩu thô, đến nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu gia tăng giá trị cho hàng Việt xuất khẩu.

 

Hàng Việt ‘lột xác’ để xuất khẩu: Tăng giá trị cho hàng Việt

Sau thời gian dài tập trung vào số lượng, xuất khẩu thô, đến nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu gia tăng giá trị cho hàng Việt xuất khẩu.

 
 
 

Hàng Việt lột xác để xuất khẩu: Tăng giá trị cho hàng Việt - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại của NutiFood – Ảnh: H.D.

 

Theo các chuyên gia, đây là hướng đi cần thiết để hàng “made in Vietnam” thâm nhập sâu hơn vào chuỗi phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu.

Hơn nhau ở “công thức”

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải – chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood – cho rằng trong sản phẩm sữa bột pha sẵn lần đầu xuất khẩu sang Mỹ có một số thành phần từ VN nhưng phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu.

“Nhiều nước xuất khẩu sữa bột nhưng nghiên cứu tạo ra một công thức pha chế các thành phần khác nhau đem lại hiệu quả cho người sử dụng lại không dễ. Chính vì vậy, chúng tôi mới có thể nhập khẩu sữa bột và chế biến rồi xuất khẩu sang Mỹ, một nước rất mạnh về sản xuất sữa” – ông Hải cho hay.

 

Theo ông John Beckley – quản lý dự án đến từ Tổ chức Dover Brook (DBA), đơn vị được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ định tư vấn cho doanh nghiệp muốn xuất hàng sang Mỹ, việc NutiFood đạt các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe của FDA để xuất khẩu sản phẩm sữa bột pha sẵn đã mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp VN trong lĩnh vực thực phẩm, giúp họ tự tin hơn về năng lực sản xuất.

Trong hơn 28 năm hoạt động của mình, DBA đã hỗ trợ nhiều nhà máy khu vực châu Á tuân thủ các điều kiện của FDA để được chấp nhận đưa các sản phẩm thức uống thuộc nhóm có hàm lượng acid thấp vào Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên DBA làm việc với một công ty sản xuất sữa nước như NutiFood. 

“Yêu cầu nghiêm ngặt nhất cho những sản phẩm đặc thù như sữa nước pha sẵn là độ tiệt trùng vô khuẩn cao nhất. Sau những đợt kiểm tra, định kỳ DBA tiếp tục cử những đại diện đến kiểm tra, xác minh trực tiếp tại các nhà máy, đảm bảo rằng quá trình tuân thủ diễn ra bình thường” – ông Beckley nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, cho biết dù khởi điểm chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng NutiFood đã tạo ra được sự kỳ diệu, kết quả của một quá trình nghiên cứu bền bỉ, bám sát nhu cầu của người dùng và xu hướng phát triển của thế giới trong lĩnh vực chế biến sữa. 

“Trong bối cảnh các quốc gia dựng lên hàng rào kỹ thuật khắt khe, doanh nghiệp này vẫn vượt qua được cho thấy sự nỗ lực vươn lên rất đáng trân trọng” – bà Hạnh đánh giá.

Thay đổi để tăng cạnh tranh

Theo ông John Beckley, với tiềm năng xuất khẩu của VN, các doanh nghiệp VN hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng vào Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, nông nghiệp. 

Tuy nhiên, để xuất được hàng, doanh nghiệp VN cần bắt đầu từ liên hệ với các tổ chức được FDA chỉ định nhằm chuẩn hoá cũng như cập nhật những quy định cần thiết mà FDA đang áp dụng.

Ông Nguyễn Phạm Thanh, tổng giám đốc Công ty TNHH Highland Dragon (Bình Dương), cũng cho rằng VN đang có đủ mọi yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành trung tâm chế biến cá ngừ của thế giới. 

Bởi VN có vị trí rất thuận lợi khi gần chợ cá ngừ lớn nhất thế giới là Thái Lan, lại có nhiều nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU. Nhân lực của VN dồi dào và lành nghề. 

“Doanh nghiệp chỉ kỳ vọng các thủ tục thông thoáng hơn để nhập khẩu nguyên liệu về chế biến nhằm gia tăng giá trị. Nếu thuận lợi, ngày mà cá ngừ VN xuất khẩu vượt mức 1 tỉ USD không còn xa nữa” – ông Thanh khẳng định.

Sau hơn một thập kỷ trở thành nhà chế biến và xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, riêng năm 2017 đạt kim ngạch kỷ lục với 3,5 tỉ USD, theo ông Nguyễn Đức Thanh – chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), đã đến lúc VN thay đổi chiến lược để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị này trên quy mô toàn cầu. 

Thay vì phụ thuộc nguyên liệu điều từ châu Phi vốn ẩn chứa nhiều rủi ro về giá và chất lượng, các doanh nghiệp ngành này đang tích cực chuyển hướng sang chế biến sâu hơn.

Đây cũng là lý do ngành điều khẳng định sẽ giảm nhập nguyên liệu điều từ châu Phi, dù điều này khiến cho kim ngạch xuất khẩu có thể giảm sút so với năm 2017 do nguồn cung trong nước chưa đủ đáp ứng.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và bước đầu có sự đầu tư chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm chế biến sâu hơn như điều rang muối, snack điều, sữa điều, các thực phẩm chế biến có dùng hạt điều… để xuất khẩu ra thế giới nhằm tăng giá trị cho hạt điều VN” – ông Thanh cho cho biết.

* Ông Trần Thanh Hải (cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương):

Tháo gỡ nhiều nút thắt để thúc đẩy xuất khẩu

Trong năm 2017, xuất khẩu ghi dấu ấn tượng với kim ngạch đạt 214 tỉ USD, vượt quá kỳ vọng. Đặc biệt, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu không chỉ những ngành hàng chính mà còn có nhiều mặt hàng nổi lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt chỉ đóng góp 30% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu, 70% còn lại là của doanh nghiệp FDI.

Hạn chế lớn của doanh nghiệp trong nước là khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài, việc tham gia sân chơi quốc tế còn hạn chế. Thị trường đã trở nên tự do, thông thoáng nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa quen với cách làm ăn quốc tế, từ phong cách quản lý đến tiếp thị chào bán sản phẩm vẫn chưa chuyên nghiệp. Chưa kể việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được nhiều.

Thực tế này đòi hỏi phải có sự phối hợp chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý trong thời gian tới. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp FDI rất quan trọng để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nội nắm bắt luật chơi và thị trường quốc tế. Điều bất cập là sự kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa chưa chặt chẽ.

Với vai trò là cơ quan quản lý, trong năm 2018 Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong công tác xúc tiến thương mại, ngoài sự tham gia của Nhà nước sẽ có sự đổi mới theo hướng huy động sự tham gia của các tổ chức xúc tiến trong xã hội.

NGỌC AN

* Ông Đàm Quang Hùng (phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà):

Đẩy mạnh xúc tiến, cung cấp thông tin xuất khẩu

ongdamquanghung-3(read-only)

 

Dù có vị thế trong nước cũng như kinh nghiệm xuất khẩu ống thép đến 20 nước, nhưng với các sản phẩm đồ gia dụng – những mặt hàng đang được đẩy mạnh xuất khẩu, chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn dù các sản phẩm đều tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, sản lượng ổn định. Ngay cả việc khai phá thị trường mới tại Đông Nam Á cũng còn khó khăn.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là doanh nghiệp vẫn tự đi khai phá thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Do đó, cần thêm các chính sách hỗ trợ xuất khẩu giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua cơ chế hỗ trợ quảng bá, cung cấp thông tin…

* Ông Trần Ngọc Linh (giám đốc Công ty CP Manutronics VN):

Cần chính sách kết nối để doanh nghiệp FDI “mở cửa”

ongtranngoclinh-3(read-only)

 

Để trở thành nhà cung ứng chính thức cho một số doanh nghiệp FDI như Canon, chúng tôi phải đầu tư bài bản hệ thống thiết bị hiện đại, sản phẩm đảm bảo chất lượng và số lượng, đặc biệt là chi phí phải rất cạnh tranh… Tuy nhiên, việc đàm phán với các doanh nghiệp FDI để trở thành nhà cung ứng sản phẩm vi mạch điện tử cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Dù chúng tôi đã nỗ lực trong đầu tư, tích cực đàm phán… nhưng để trở thành nhà cung cấp cấp 1 vẫn khó khăn do các doanh nghiệp FDI vẫn chưa tin tưởng công ty VN. Do đó, cần có chính sách kết nối có hiệu quả hơn, để họ thực sự “mở cửa” với mình và cạnh tranh sòng phẳng với công ty khác. Gắn với đó là hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng hệ thống quản lý và đội ngũ con người để đáp ứng yêu cầu khách hàng.

NG.AN

TRẦN MẠNH – TRẦN VŨ NGHI – NHƯ BÌNH