29/11/2024

Theo học chế tín chỉ, sinh viên có được chọn giảng viên?

Khi sinh viên tự quyết định đăng ký tín chỉ nghĩa là được lựa chọn môn học, giảng viên phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên trên thực tế không phải như vậy.

 

Theo học chế tín chỉ, sinh viên có được chọn giảng viên?

Khi sinh viên tự quyết định đăng ký tín chỉ nghĩa là được lựa chọn môn học, giảng viên phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên trên thực tế không phải như vậy.

 
 
 

Sinh viên một trường đại học tại TP.HCM đăng ký tín chỉ	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sinh viên một trường đại học tại TP.HCM đăng ký tín chỉ ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Mới đây, vì không được lựa chọn giảng viên (GV) như trước kia, một số sinh viên (SV) Trường ĐH Hoa Sen đã gửi đơn lên hiệu trưởng đề nghị phải cho SV quyền này với lập luận SV là khách hàng trong trường ĐH.
Từ khi áp dụng đào tạo theo tín chỉ, việc có cho SV lựa chọn GV hay không vẫn luôn làm các trường ĐH “đau đầu”.
Nhiều người sẽ “ngồi chơi, xơi nước” !
PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết đây là vấn đề lớn của trường, đã được đưa ra bàn thảo giữa ban giám hiệu và các đơn vị chuyên môn. Sự thay đổi này là vì việc lựa chọn GV liên quan đến nhiều vấn đề tế nhị ở VN. “SV chọn thầy giáo nhiều khi không hoàn toàn đó là thầy giỏi. Trường đã gặp trường hợp có GV cho SV toàn điểm 10, dễ dãi nên SV đăng ký học rất nhiều”, ông Hiệp cho biết. Ngoài ra, trường cũng có cho SV đánh giá GV. Khi tuyển người, trường cũng chọn lựa rất kỹ, có biện pháp đánh giá để phù hợp với cách học của SV trong trường.
Do hạn chế về số lượng GV, vì tế nhị… hiện nay không có nhiều trường ĐH tại VN cho phép SV được chọn GV khi đăng ký môn học.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM áp dụng học chế tín chỉ sớm nhất trên cả nước nhưng quy chế đào tạo và học vụ của trường cũng không có quy định về việc này. Tương tự là ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng chỉ quy định khi SV đăng nhập vào hệ thống sẽ có thời khoá biểu dự kiến, qua đó có thể học theo thời khoá biểu hoặc thay đổi môn học. Tuy nhiên, không có quy định nào về việc SV được chọn GV.
PGS-TS Lương Gia Ban, Trường ĐH Phương Đông, cho biết đã từng để SV chọn GV, nhưng sau đó phải bỏ quy định vì nhiều thầy cô phải “ngồi chơi xơi nước”.
Có nhiều cách đánh giá
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trường không cho SV lựa chọn GV. “SV muốn thay đổi lớp học thì cho thay nhưng không được chọn GV. Nếu GV có vấn đề, khi SV phản ánh, khoa – bộ môn sẽ làm việc lại với GV. Nếu là GV thỉnh giảng, sau khi góp ý không thay đổi thì buộc phải tìm người khác. Trường không chiều theo SV nhưng khi SV phản ánh nghĩa là GV có vấn đề, cần phải tìm hiểu. Tất cả với mục đích vì người học”, tiến sĩ Hạ giải thích. Ông Hạ cũng cho biết việc lựa chọn GV hiện nay vẫn rất khó trong điều kiện, hoàn cảnh của VN nhưng muốn biết GV như thế nào thì không nhất thiết để SV lựa chọn mà cho SV đánh giá về môn học thì sẽ nắm bắt được ngay điều này.
Một số trường ngoài công lập cũng chưa cho SV lựa chọn GV. Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, trường đang xây dựng một trang web riêng. Theo đó, SV có thể viết, làm khảo sát tính điểm theo các tiêu chí để đánh giá GV.
Không nhiều trường thực hiện
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết trường có điều kiện thuận lợi là nhiều GV, phòng học nên SV được chọn thời gian, học phần, địa điểm học, GV. Phòng Đào tạo sẽ đưa ra danh sách GV theo mỗi môn học. Sau đó, SV đăng ký chọn theo thứ tự ưu tiên. Nếu GV này “hết chỗ” sẽ chuyển đến người khác. Nếu SV vẫn nhất quyết học một GV đã đủ lớp thì có thể chọn học ở kỳ sau. Trong trường hợp người được nhiều SV chọn nhưng bận đột xuất, không tham gia giảng dạy được thì trường sẽ trao đổi theo số đông để lấy ý kiến. Nếu SV vẫn nhất quyết duy trì lớp học thì sẽ chấp nhận chọn GV khác theo thứ tự ưu tiên tiếp theo.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thực hiện quy định này. Khi vào trang web của trường, SV sẽ chọn mục đăng ký học phần, sau đó chọn GV mình muốn học. Nhưng SV chỉ được chọn một lần, không thay đổi kết quả chọn.
Nước ngoài cũng trường có trường không

Ngay từ năm 2007, Trường ĐH Quốc gia Seoul (SNU) ở Hàn Quốc áp dụng hệ thống học tập kiểu mới, cho phép SV tự chọn giáo trình và GV theo ý thích. Tuy nhiên, theo P.Khôi, một SV đang học tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), cho biết nhiều trường chỉ áp dụng điều này ở năm 1.
Từ năm 2016, SV ngành luyện kim và kỹ thuật hóa học của Trường ĐH Khoa học và công nghệ Giang Tây (Trung Quốc) có thể sử dụng quyền chọn GV theo độ tuổi, giới tính cũng như phong cách giảng dạy. Tuy nhiên, không nhiều trường ĐH ở Trung Quốc thực hiện điều này.
Riêng tại Mỹ, đa phần các trường ĐH đều cho SV lựa chọn thầy cô. Các trường còn có hẳn một trang đánh giá GV để SV tự do bình chọn, chấm điểm…
Một nghiên cứu sinh từng học ở Đức, Hà Lan cho biết ở Đức thì hoàn toàn bắt buộc SV phải theo sắp xếp của trường, Hà Lan vừa có bắt buộc vừa được lựa chọn.