Hiện nhiều trường ĐH thực hiện xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực thay cho cách thi truyền thống theo từng khối thi, môn thi. Cách đánh giá này khác gì với cách thi hiện nay?
Thi đánh giá năng lực: Không đòi hỏi kiến thức cao siêu
Hiện nhiều trường ĐH thực hiện xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực thay cho cách thi truyền thống theo từng khối thi, môn thi. Cách đánh giá này khác gì với cách thi hiện nay?
Kiểm tra và đánh giá thuộc một trong hai dạng quy chiếu nhóm chuẩn hoặc quy chiếu tiêu chí tùy vào mục đích và tính chất của đánh giá.
Các bài thi quy chiếu nhóm chuẩn đánh giá kiến thức, năng lực của thí sinh (TS) với nhau nên được dùng để tuyển sinh. Ngược lại, các bài thi quy chiếu tiêu chí đánh giá TS có nắm vững những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo, huấn luyện trong một chương trình nào đó nên phù hợp thi học kỳ, cuối cấp, tốt nghiệp.
Các bài thi phổ biến trên thế giới như IELTS, SAT hay GRE, IQ, EQ là bài thi quy chiếu nhóm chuẩn. Bài thi ACT cơ bản là quy chiếu tiêu chí nhưng cũng là nhóm chuẩn. Bài thi
A-level của Anh ban đầu là quy chiếu nhóm chuẩn, sau đó được chuyển đổi sang dạng quy chiếu tiêu chí và hiện nay hệ thống bài thi này cũng là dạng “lai” (hybrid). Bài thi ĐH trước đây của VN (khi còn cả hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH) mang tính chất cả 2 dạng.
Phù hợp để tuyển sinh
Bài thi đánh giá năng lực (Aptitude and ability tests) là dạng bài thi phổ biến trên thế giới nhằm đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ và phản ứng trong các tình huống khác nhau, thuộc loại bài thi quy chiếu nhóm chuẩn, tức là phù hợp để sử dụng làm bài thi tuyển sinh.
Các bài thi thông thường, kiểu truyền thống trước đây, được thiết kế để đánh giá kiến thức, hoặc kỹ năng, hoặc năng lực tùy theo mục đích đánh giá. Đối với chương trình giáo dục phổ thông các cấp, đó là bài thi tốt nghiệp. Các bài thi này đòi hỏi TS phải nắm vững những kiến thức được cung cấp trong chương trình để trả lời các câu hỏi.
Ngược lại, các bài thi đánh giá năng lực thường không gắn với một chương trình đào tạo cụ thể nào. Do vậy, để trả lời các câu hỏi, chủ yếu chỉ cần sử dụng những thông tin cho sẵn trong câu hỏi, thậm chí những câu tính toán không cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy tính cầm tay. Một số câu hỏi đòi hỏi TS phải có kiến thức bên ngoài nhưng chỉ trong phạm vi kiến thức căn bản. Nói chung câu hỏi đánh giá năng lực khác với câu hỏi kiểm tra kiến thức ở chỗ nó không đòi hỏi kiến thức cao siêu mà chỉ yêu cầu sử dụng kiến thức căn bản để giải quyết một vấn đề thực tiễn cụ thể.
Như vậy, để thiết kế, xây dựng bài thi đánh giá kiến thức và kỹ năng cần dựa vào nội dung chương trình, còn để thiết kế bài thi đánh giá năng lực, tổ chức khảo thí phải xác định loại năng lực họ muốn hoặc cần đánh giá và xác định nội dung đánh giá theo đó.
Nếu sử dụng bài thi đánh giá năng lực, điều quan trọng trước tiên là viết câu hỏi chuẩn, đặc biệt là không lẫn sang câu hỏi kiểm tra kiến thức. Theo các chuyên gia về đánh giá năng lực, điểm quan trọng nữa là việc xử lý kết quả thô từ các câu hỏi thi để chuyển đổi sang thang điểm chuẩn hóa có thể sử dụng được trong tuyển sinh. Do độ phức tạp của các vấn đề kỹ thuật này, việc triển khai đánh giá năng lực đại trà không do tổ chức khảo thí chuyên nghiệp thực hiện là không khả thi.
Không phải là tiêu chí duy nhất để xét tuyển
Các bài thi trên thế giới như SAT, ACT hay A-levels đều được các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp phát triển và thực hiện. Những bài thi này không phải là tiêu chí duy nhất và tuyệt đối để xét tuyển ĐH mà được sử dụng kết hợp với nhiều tiêu chí khác.
Về hình thức tổ chức, các dạng bài thi quốc gia đều cần chuẩn hoá và có thể tổ chức làm bài trên giấy hoặc trên máy tính. Dạng câu hỏi có thể là trắc nghiệm hoặc tự luận. Việc tối quan trọng là không lẫn lộn đánh giá năng lực với đánh giá kiến thức, kỹ năng. Cần phân biệt rõ bài thi đánh giá năng lực không phải là bài thi đánh giá kiến thức dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm và làm trên máy tính.
Việc ghép 2 bài thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH gây ra rất nhiều vấn đề do bản chất và mục đích của 2 kỳ thi khác nhau. Nếu quá trình đánh giá trong chương trình học đảm bảo tin cậy và tường minh, việc công nhận tốt nghiệp bằng một kỳ thi có tỷ lệ đỗ lên tới 97 – 98% là không cần thiết. Bài thi tuyển sinh vào ĐH là cần thiết, và cần phải là bộ bài thi vừa quy chiếu nhóm chuẩn vừa quy chiếu tiêu chí đồng thời đánh giá kiến thức phổ thông và đánh giá năng lực. Nếu chỉ đánh giá năng lực trong điều kiện chưa kiểm soát được gian lận trong thi và kiểm tra, việc mua bán điểm cũng như học bạ sẽ dẫn tới mất kiểm soát chất lượng đầu vào.
Nếu triển khai đánh giá năng lực để tuyển sinh ở đầu các cấp, phải ban hành bộ khung năng lực quốc gia, tối thiểu là bộ khung năng lực học sinh phổ thông để có căn cứ xây dựng đề thi.
Một số câu hỏi đánh giá kiến thức trong đề thi đánh giá năng lực
Sông nào lớn nhất ở đồng bằng Đông Âu? (A) Enisei (B) Obi (C) Volga (D) Lena
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập bởi 5 quốc gia Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines: (A) Tháng 8 năm 1967, tại Singapore (B) Tháng 8 năm 1967, tại Bangkok (C) Tháng 8 năm 1976, tại Kuala Lumpur (D) Tháng 8 năm 1976, tại Manila
UNCLOS là chữ viết tắt của tên gọi nào dưới đây? (A) Hiến chương Liên Hiệp Quốc (B) Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (C) Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (D) Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông
Đây là các câu hỏi trích từ đề thi đánh giá năng lực mẫu của ĐH Quốc gia Hà Nội. Những câu hỏi này đánh giá kiến thức ở bậc thấp nhất trong thang đánh giá nhận thức: mức độ biết. Các câu hỏi như vậy chỉ kiểm tra kiến thức xã hội đơn thuần. Việc trả lời đúng hay sai những câu hỏi này không giúp khẳng định bất cứ điều gì về năng lực lập luận hay giải quyết vấn đề của TS. Những câu hỏi này chỉ thúc đẩy việc học gạo.