Đưa trò về làng làm ‘con nuôi’
Những cô cậu học trò thành thị được gởi đến nhà dân làm ‘con nuôi’. Ở đấy các em được học làm vườn, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…
Đưa trò về làng làm ‘con nuôi’
Những cô cậu học trò thành thị được gởi đến nhà dân làm ‘con nuôi’. Ở đấy các em được học làm vườn, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…
Tuần qua, 100 học sinh lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM) đã có một chuyến đi thực tế sôi động và đầy ý nghĩa tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).
Ở đây, các em được nhà trường gửi đến các hộ gia đình trồng hoa, cây cảnh để làm “con nuôi”, và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt thường nhật của một gia đình nông dân trong 4 ngày 3 đêm.
“Con muốn phụ mẹ nấu cơm, dọn dẹp”
Ngày thứ nhất, 5h30 sáng, trời còn tối mù mù, các em học sinh đã tập trung xếp hàng ngay ngắn giữa sân trường, lắng nghe thầy cô căn dặn…
Nhà trường không cho phụ huynh đi theo, cũng không cho học sinh mang theo điện thoại, nên đa số phụ huynh không giấu được sự lo lắng.
Khi đến TP Sa Đéc đã gần trưa, học sinh được chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhận “cha mẹ nuôi” và theo họ về nhà. Mỗi nhóm sẽ có 1-2 thầy cô đi cùng để hướng dẫn và sinh hoạt với các em.
Nhà trường dự kiến gửi học trò đến 14-15 nhà, nhưng cuối cùng địa phương chọn 6 nhà. Đây đều là những gia đình có con em trạc tuổi học sinh lớp 6, nhằm tạo điều kiện cho các “con nuôi” có thể giao lưu, chơi chung với nhau, hòa nhập nhanh.
Đứng trước cửa nhà, các em học sinh xếp giày dép ngay ngắn, rồi cúi đầu chào hỏi người lớn trong nhà, xin phép được làm “con nuôi”.
Chị Trương Thị Thanh Thuý vừa tươi cười rạng rỡ, vừa giới thiệu cho các con làm quen với ngôi nhà, rồi tất tả chuẩn bị cơm nước cho 10 đứa con mới của mình. Các “con nuôi” thấy vậy tíu tít xúm lại phụ mẹ Thuý rửa rau, xếp chén đĩa, xới cơm.
“Con thích nhất là khi phụ mẹ nuôi nấu ăn, rất vui. Con thích nấu ăn hoặc phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, nhưng ở nhà con ít có cơ hội làm việc đó. Mẹ con hay bắt con phải ở suốt trong phòng học bài, không được làm gì hết” – em Nguyễn Khánh Nhi, lớp 6/2, chia sẻ.
Ban đầu, các thầy cô rất lo lắng, vì trong đoàn có nhiều em khá kén ăn, nhà “cha mẹ nuôi” lại nấu rất nhiều món lạ như bao tử cá xào cải chua, canh đu đủ nấu xương… sợ các em không ăn được. Thế nhưng, khi nhìn các em vừa ăn vừa khen: “Ngon quá!” thì thầy cô thở phào nhẹ nhõm…
“Thích lắm ba ơi!”
Sau bữa ăn trưa và nghỉ ngơi, các em liền cùng nhau phân chia công việc, dọn rác, nhổ cỏ dại, làm sạch các con đường xung quanh khu phố mình ở. Buổi tối, các em ngồi viết nhật ký hoặc bài tập thu hoạch trong ngày, ca hát, trò chuyện với “cha mẹ nuôi” và gọi điện về cho cha mẹ ruột trong 30 phút.
“Thích lắm ba ơi!”, “Mẹ coi tụi con như con ruột vậy. Mẹ thấy tụi con đi bộ mệt, mẹ liền lấy xe chở từng đứa đi”, “Có bạn bị ho, mẹ liền pha nước gừng. Mẹ còn xin số điện thoại từng bạn để mai mốt gọi điện hỏi thăm”… – các em hào hứng kể trong điện thoại.
Những ngày sau, các em thức dậy sớm tập thể dục rồi cùng “cha mẹ nuôi” ra vườn trồng hoa, tưới nước, bón phân, vun đất. Không quan tâm đến quần áo, tay chân lấm lem bùn đất, em nào cũng thích thú và hăng say với công việc. Các em không ngừng hỏi “cha mẹ nuôi” về tên của từng loại cây, loại phân, mùn…
Ngoài ra, thầy cô còn hướng dẫn học sinh tham quan hình thức trồng hoa trong nhà kính; lấy tư liệu cho bài thu hoạch; viếng lăng cụ Nguyễn Sinh Sắc; trải nghiệm ngồi trên xe lôi đạp tham quan TP Sa Đéc…
Cung cấp cho học sinh nguồn tư liệu sống
“Đây là năm thứ 3 nhà trường gửi học trò về làng hoa làm “con nuôi”. Cho đi dài ngày sẽ giúp các em thích thú hơn, và cảm nhận được tầm quan trọng của những chuyến đi thực tế trải nghiệm” – thầy Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, nói.
“Muốn học sinh hứng thú học thì phải cung cấp cho các em một nguồn tư liệu sống, để các em lấy vốn kiến thức, trải nghiệm đó làm hành trang trong học tập. Các chuyến đi thực tế sẽ giúp các em tự lập, biết ứng xử, biết được cuộc sống xung quanh mình đa dạng, phong phú như thế nào, kích thích tinh thần học hỏi. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn” – thầy Phát chia sẻ.