29/11/2024

Du lịch Triều Tiên thời căng thẳng

Các hãng du lịch khai thác tour đến CHDCND Triều Tiên chịu thiệt hại không nhỏ từ căng thẳng trong khu vực thời gian qua.

 

Du lịch Triều Tiên thời căng thẳng


Các hãng du lịch khai thác tour đến CHDCND Triều Tiên chịu thiệt hại không nhỏ từ căng thẳng trong khu vực thời gian qua.



Du khách chụp ảnh dưới chân tượng Chủ tịch Kim Il-sung và lãnh đạo Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng /// AFP

Chia sẻ Du khách chụp ảnh dưới chân tượng Chủ tịch Kim Il-sung và lãnh đạo Kim Jong-il tại Bình NhưỡngAFP

 
Du lịch là một trong số ít ngành kinh tế còn lại của Triều Tiên không bị LHQ cấm vận. Reuters dẫn ước tính của Viện Hàng hải Hàn Quốc cho biết ngành công nghiệp không khói mang về cho miền Bắc doanh thu 44 triệu USD mỗi năm. Đối với đa phần người nước ngoài, Triều Tiên vẫn còn rất “bí ẩn” và lượng du khách phương Tây tham gia các tour tìm hiểu nước này vào khoảng 4.000 người mỗi năm, trong đó công dân Mỹ chiếm 20%. Tuy nhiên, con số này hiện giảm mạnh do căng thẳng leo thang giữa Washington và Bình Nhưỡng. Bất chấp tình hình gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên có cuộc đối thoại đầu tiên sau 2 năm còn Mỹ tạm dừng tập trận tại khu vực, sự căng thẳng vẫn gây tâm lý e dè cho những vị khách tiềm năng.
Du lịch Triều Tiên thời căng thẳng - ảnh 1


Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1.2017, Mỹ và Triều Tiên liên tục công kích nhau, thậm chí đe dọa hủy diệt nhau sau những lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân và phóng tên lửa. Đặc biệt hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành lệnh cấm công dân đến Triều Tiên sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier. Người này đến Triều Tiên du lịch nhưng bị bắt giam suốt 17 tháng vì cáo buộc ăn trộm một tờ áp phích tuyên truyền trong phòng khách sạn. Warmbier được trả về Mỹ vào tháng 6.2017 trong tình trạng hôn mê và tử vong không lâu sau đó.

 
Du lịch Triều Tiên thời căng thẳng - ảnh 2

 
 


Những diễn biến trên khiến các hãng du lịch hứng chịu thiệt hại không nhỏ. CNN dẫn lời ông Nicholas Bonner, đồng sáng lập Koryo – một trong những hãng bán tour đi Triều Tiên lớn nhất (trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc), cho biết việc kinh doanh của công ty giảm ít nhất 50% kể từ tháng 6.2017. Ông Dylan Harris, người thành lập Hãng Lupine Travel (trụ sở tại Anh), chia sẻ công ty chuyên khai thác tour Triều Tiên của ông cũng giảm doanh số đáng kể. “Đặc biệt là nửa cuối năm 2017, có rất nhiều người huỷ tour”, ông Harris nói.
Mặt khác, lợi nhuận mà các hãng du lịch thu về từ tour Triều Tiên cũng không nhiều. Ông Bonner cho hay giá tour được chính quyền Triều Tiên ấn định và họ sẽ thu phần lớn số tiền này. Các nhà điều hành tour nước ngoài như Công ty Koryo chỉ nhận một phần “khiêm tốn” sau khi điều chỉnh một số phí tăng thêm. “Công ty chúng tôi có 12 người và đưa được kha khá du khách đến Triều Tiên, nhưng chúng tôi chỉ kiếm vừa đủ sống”, ông than thở.
Du lịch Triều Tiên thời căng thẳng - ảnh 3

Không chỉ Triều Tiên mà cả ngành du lịch Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là sự kiện Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, khai mạc ngày 9.2. Đài CBS dẫn số liệu thống kê cho thấy ban tổ chức chỉ mới bán được 655.000 vé, chiếm 61% mục tiêu đề ra. Tâm lý lo ngại xung đột bùng phát trên bán đảo liên Triều được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, khi thành phố Pyeongchang chỉ cách giới tuyến liên Triều 80 km. Bên cạnh đó, Pyeongchang là một thành phố ở vùng quê xa nên cũng không thu hút được sự chú ý của du khách, theo giới kinh doanh du lịch nhận định. Tuy nhiên, ban tổ chức đang hy vọng việc Triều Tiên đồng ý cử phái đoàn tham gia thế vận hội và nối lại đối thoại có thể giúp cải thiện tình hình trong những tuần sắp tới.
 
Du lịch Triều Tiên thời căng thẳng - ảnh 4

 
 

Bên cạnh đó, theo tờ The Guam Daily Post, đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, dự kiến mất khoảng 40.000 khách du lịch trong năm tài khóa 2018 (bắt đầu từ tháng 10.2017). Lượng khách đến Guam trong tài khóa 2017 đạt mức kỷ lục là 1,56 triệu người, chủ yếu là từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, do những đe dọa của Triều Tiên hồi tháng 8.2017 về tấn công hạt nhân hòn đảo này, lượng du khách giảm liên tục, đặc biệt là khách Nhật và Hãng hàng không Delta Air Lines đã thông báo ngừng khai thác đường bay Tokyo – Guam kể từ ngày 8.1.2018.
Trung Quốc giảm giao thương với Triều Tiên
Trong tuyên bố hôm qua, Nhà Trắng bày tỏ hoan nghênh việc Trung Quốc giảm bớt tỷ trọng thương mại với Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, tuy nhiên tổng tỷ trọng thương mại 2 nước trong tháng 12.2017 giảm 50%. Cụ thể, lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên giảm 81,6% xuống còn 54 triệu USD trong khi lượng hàng xuất khẩu giảm 23,4%, còn 260 triệu USD, AP dẫn lời một người phát ngôn Cục Hải quan Trung Quốc cho biết.
“Chính phủ Mỹ hài lòng vì Trung Quốc đang giảm mạnh giao thương với Triều Tiên. Hành động này hỗ trợ cho nỗ lực toàn cầu do Mỹ dẫn đầu nhằm gây áp lực tối đa đến khi Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình bất hợp pháp, thay đổi hành vi và tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, thông báo của Nhà Trắng viết. Triều Tiên chưa có phản ứng về những thông tin trên.
 
Du lịch Triều Tiên thời căng thẳng - ảnh 5

 
 

 

Bảo Vinh