29/11/2024

Mong manh ‘giấc mơ Mỹ’

Từ đây cho đến ngày 5-3, Quốc hội Mỹ phải tìm cách thông qua một luật bảo vệ những “kẻ mộng mơ” trong chương trình hỗ trợ người cư trú bất hợp pháp ở nước này.

 

Mong manh ‘giấc mơ Mỹ’

Từ đây cho đến ngày 5-3, Quốc hội Mỹ phải tìm cách thông qua một luật bảo vệ những “kẻ mộng mơ” trong chương trình hỗ trợ người cư trú bất hợp pháp ở nước này.


 

Mong manh giấc mơ Mỹ - Ảnh 1.

Người biểu tình ủng hộ chương trình hỗ trợ trẻ nhập cư bất hợp pháp tại Washington – Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-1 chỉ trích hệ thống tòa án liên bang “hư hại và thiếu công tâm”, sau khi một thẩm phán ở San Francisco ra phán quyết tạm thời cấm chính quyền hủy bỏ DACA – chương trình bảo vệ trẻ đến Mỹ bất hợp pháp.

Giấc mơ Mỹ

DACA, chữ viết tắt của Deferred Action for Childhood Arrivals (tạm dịch: Hành động trì hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ), là một chương trình nhập cư được hình thành sau sắc lệnh hành pháp của cựu tổng thống Barack Obama ký tháng 6-2012.

Đây là nỗ lực của chính quyền Obama nhằm hỗ trợ những người trẻ được cha mẹ đưa sang Mỹ bất hợp pháp. Theo đó, nhóm người đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình DACA sẽ được trao thời gian trì hoãn hai năm không bị trục xuất khỏi Mỹ, cũng như tạo điều kiện lấy giấy phép lao động.

 

DACA thực tế cũng là sự tiếp nối của dự luật nhập cư có tính chất tương tự DREAM Act (Development, Relief, and Education for Alien Minors Act – tức Phát triển, trợ giúp và giáo dục dành cho trẻ em nước ngoài), ra đời từ năm 2001 nhưng không được Quốc hội thông qua. Cả DACA lẫn Dream Act đều mong muốn mang tới một cơ hội cho những người cư trú bất hợp pháp, giúp họ được giáo dục, đào tạo tay nghề và chứng minh giá trị trên đất Mỹ. Vì thế, những đối tượng hưởng chính sách này còn được gọi là “dreamers”, cách chơi chữ vừa muốn nhắc tới DREAM Act, vừa ngầm chỉ họ là những người mơ mộng.

Nhưng đến tháng 9-2017, Tổng thống Trump tuyên bố hủy bỏ chương trình DACA. Tuy nhiên, ông không ra lệnh trục xuất những người đang hưởng DACA, mà chừa thời gian 6 tháng (đến ngày 5-3-2018) để Quốc hội thông qua một luật mới quyết định số phận DACA. Một khoảng nghỉ như vậy gây ra nhiều lo lắng. Những đơn xin hưởng hoặc gia hạn DACA phải được gửi tới Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) trước ngày 5-10-2017.

Tối 10-1, thẩm phán khu vực San Francisco William Alsup ra phán quyết DACA phải được “duy trì trên toàn quốc” tới thời hạn 5-3-2018 nêu trên. Điểm cốt lõi là ông Alsup khẳng định khi chưa có quyết định sau cùng thì DACA vẫn có hiệu lực, tức là sau ngày 5-10-2017, những người hưởng chính sách DACA cũ vẫn được phép gia hạn.

“Cứu” 700.000 người

Tính tới năm 2017, DACA đã “cứu” khoảng 700.000 thiếu niên Mỹ khỏi bị trục xuất cũng như cho phép họ được làm việc. Nhưng sau khi ông Trump tuyên bố hủy DACA từ tháng 9-2017, gần 22.000 người không thể đưa đơn xin hưởng diện DACA, theo nghiên cứu của Trung tâm Vì sự tiến bộ của người Mỹ (Center for American Progress). Ước tính mỗi ngày có 122 người thuộc diện DACA mất quyền được bảo vệ theo chương trình này trong thời gian từ 5-12-2017 tới 5-3-2018.

Ông Trump sẽ thắng?

Đây không phải lần đầu tiên ông Trump bị các thẩm phán khu vực ra phán quyết chặn quyết định của mình. Trong phản ứng ngày 10-1, ông Trump viết trên Twitter hệ thống tòa án của Mỹ “hư hại và thiếu công tâm”.

Năm 2017, một thẩm phán liên bang ra phán quyết chặn sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump, nhưng đến cuối năm thì Tòa án Tối cao Mỹ chấp thuận sắc lệnh này. Các thẩm phán liên bang đơn phương chống lại Nhà Trắng thường chỉ gây tiếng vang trong thời gian ngắn. Và đó cũng rất có thể là số phận của “phán quyết DACA” mới đây, vì nhiều chuyên gia dự đoán chính quyền ông Trump sẽ thắng nếu đưa vụ này lên Tòa án Tối cao, theo Reuters.

Trên thực tế, DREAM Act đã bị Quốc hội Mỹ “ghìm” suốt hàng chục năm qua. Những chính sách như vậy là tin vui với người nhập cư bất hợp pháp, nhưng tiêu tốn ngân sách liên bang đáng kể. Thêm vào đó, các chương trình này chịu những chỉ trích theo hướng “tạo điều kiện cho người nhập cư bất hợp pháp”.

Chuck Schumer, thượng nghị sĩ Dân chủ, đồng ý với Nhà Trắng và khẳng định phán quyết của thẩm phán Alsup sẽ không giảm bớt tính cấp bách trong giải quyết vấn đề DACA. Đơn giản vụ DACA là ưu tiên rất lớn cần giải quyết sớm trong nhiều lĩnh vực thảo luận cho ngân sách tài trợ chính phủ liên bang, vốn có thời hạn tới ngày 19-1. Nếu không, Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa. Và dù sao đi nữa, giấc mơ Mỹ mang tên DACA chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề.

DACA là gì?

DACA cung cấp cho người trẻ cư trú bất hợp pháp của Mỹ hai ưu đãi: đảm bảo không bị trục xuất và có giấy phép lao động. DACA sẽ hết hạn sau mỗi hai năm và trong thời gian ấy, người hưởng chính sách DACA phải chứng minh mình đáp ứng các tiêu chí để có thể gia hạn nhằm sinh sống và làm việc tại Mỹ lâu hơn. Người đưa đơn cũng phải đang học tập hoặc tốt nghiệp cấp ba cũng như các văn bằng tương đương, ngoài ra phải đáp ứng tiêu chí đạo đức và pháp luật khi không phạm bất kỳ tội danh nào được quy định cụ thể trong chương trình.

NHẬT ĐĂNG