29/11/2024

Nở rộ “hàng rởm” cuối năm

Đến hẹn lại lên, hàng loạt các mặt hàng không rõ nguồn gốc hoặc hàng Trung Quốc được “sale”, “xôn” đổ đống bày bán khắp nơi ở TP.HCM khi Tết sắp về.

 

Nở rộ “hàng rởm” cuối năm

Đến hẹn lại lên, hàng loạt các mặt hàng không rõ nguồn gốc hoặc hàng Trung Quốc được “sale”, “xôn” đổ đống bày bán khắp nơi ở TP.HCM khi Tết sắp về.
 
 


 
Nở rộ hàng rởm cuối năm - Ảnh 1.

Túi xách da được bán tại SaiGon Square, Q.1, TP.HCM    Ảnh: Q.ĐỊNH

Dọc các tuyến đường có mật độ lưu thông đông đúc, tập trung ở các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Hóc Môn… nhiều cửa hàng kinh doanh hàng thời trang túi xách, giày dép các loại bắt đầu chiến dịch “đẩy” hàng cuối năm với tốc độ chóng mặt. 

Không rõ nguồn gốc, hoặc nguồn gốc xuất xứ phần lớn từ Trung Quốc là đặc điểm chung của những sản phẩm nói trên, nhưng hầu hết được người bán “phù phép” là hàng “sản xuất” tại những nơi khác hòng mua sự yên tâm của người tiêu dùng.

Lập lờ “đánh lận con đen”

Hơn 21g nhưng một loạt cửa hàng kinh doanh giày dép trên đường Lý Chính Thắng (Q.3) vẫn đông đen khách tìm đến mua giày. Với giá bán rất  mềm, bình quân từ 200.000 – 400.000 đồng/đôi (tùy kiểu dáng), nên nơi đây là điểm đến lý tưởng cho thành phần khách hàng là học sinh, sinh viên.

 

“Tôi chọn đôi giày có quai chéo này, giá chưa tới 500.000 đồng vì đi thử thấy êm chân lắm. Hỏi giày của ai sản xuất anh chủ nói hàng xuất khẩu dư của nhà máy trong nước tuồn ra, còn bảo da thật. Nhưng tôi nghĩ đôi này chắc là giả da thôi, và của Trung Quốc sản xuất. Vì nếu thương hiệu này mà là hàng xịn mua trong cửa hàng chính hãng phải trên 3 triệu đồng một đôi lận”, bạn Minh Thảo, sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.HCM nhận xét.

Phía đối diện, cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo, túi xách “xuất khẩu” các loại. Khi được hỏi giá về túi xách hiệu C. (thương hiệu Mỹ) có giá 2,7 triệu đồng, nhưng tìm mãi chỉ thấy nhãn ghi “Made in Vietnam” nhỏ xíu, ngoài ra không có thêm thông tin gì khác thì người bán trả lời “túi xách này sản xuất ở nhà máy dưới Bình Dương đó. Nhưng do bị lỗi nên ngoài tem ghi nơi sản xuất thì các thông tin của cái giỏ này nhà máy họ bỏ, không gắn vô tiếp (!?)”.

Theo quan sát, đây là thương hiệu túi xách hiện rất được ưa chuộng tại thị trường VN ba năm gần đây. Tuy nhiên, với thông tin mà chủ shop  này cung cấp thì chiếc túi có giá 2,7 triệu đồng này không thể là hàng chính hãng. 

Vì theo ông D. – phụ trách giám sát sản xuất của thương hiệu C. có nhà máy đặt tại Bình Dương – xác nhận nhà máy của ông không sản xuất mốt túi nào có kiểu dáng như shop đang kinh doanh. Và quan trọng hơn “với chính sách kiểm soát sản phẩm lỗi nghiêm ngặt được áp dụng tại nhà máy thì không bao giờ có chuyện hàng lỗi được tuồn ra bán như thế cả”, ông D. khẳng định.

Tương tự,  mặt hàng quần áo cũng có tình trạng “người một nơi, hồn một nẻo”. Theo chị Kiều Khanh, khi vào một shop thời trang trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Tân Bình) tự rao chuyên doanh hàng xuất khẩu, chị cũng không tìm thấy mác sản xuất đính trên sản phẩm.

“Cô bán hàng nói cái áo đầm ren đỏ tôi tính mua hàng từ Hàng Châu (Trung Quốc). Nói là nói vậy nhưng cũng không thấy nhãn mác nào đâu cả, trong khi khả năng cao là hàng được “lên” tại VN. Rõ ràng, vẫn có xu hướng người tiêu dùng chuộng hàng Trung Quốc nên người bán vẫn rao hàng trong nước là hàng Trung Quốc cho dễ bán. Hoặc, đích thực là hàng Trung Quốc, nhưng không gắn nhãn mác Trung Quốc để trà trộn vào hàng “made in Vietnam” cho dễ bán”, chị Kiều Khanh nhận xét.

“Sống” khỏe nhờ giá rẻ

Theo ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), dù trào lưu kinh doanh bán hàng trên mạng phần nào chia bớt thị phần mua sắm các sản phẩm có mức giá trung bình trở xuống, nhưng với các sản phẩm thời trang tập trung ở các shop nhỏ, lề đường, hoặc tập trung tại các chợ đêm, phần lớn đều là hàng Trung Quốc, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên mẫu mã lẫn giá cả vô cùng hấp dẫn, vẫn có phân khúc khách hàng ổn định.

“Do hàng được đánh theo đường tiểu ngạch, được các thương lái buôn sỉ đặt tận gốc nên giá rất rẻ. Vẫn biết chất lượng theo kiểu tiền nào của đó nhưng dù gì loại sản phẩm này phù hợp với túi tiền của người có mức thu nhập thấp nên nó được đón nhận nồng nhiệt”, ông Hồng nhận định.

Trong khi đó, một cán bộ có thẩm quyền của Hiệp hội da giày túi xách VN (Lefaso) lại cho rằng việc một số chủng loại giày dép, túi xách được chào bán trên các shop online, hoặc các cửa tiệm tự nhận nguồn hàng có được “hàng xuất khẩu dư, hàng lỗi chút xíu” đều là những thông tin chưa chính xác.

Nở rộ hàng rởm cuối năm - Ảnh 2.

Phân biệt hàng da thật và hàng nhái – Đồ hoạ: TUẤN ANH

“Với chính sách kiểm soát hàng lỗi tại các thương hiệu lớn có nhà máy sản xuất đặt tại VN ngày một nghiêm ngặt thì nguồn hàng được cho là tuồn ra từ các nhà máy này gần như rất hiếm. Thay vào đó, người tiêu dùng cần nghĩ đến việc nguồn hàng thực chất được thương buôn đặt làm trực tiếp từ Trung Quốc thì đúng hơn vì Trung Quốc không hề thiếu nguồn nguyên liệu. Những sản phẩm “xuất khẩu” có giá trị cao có thể được gọi là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, nhưng không thể gọi là hàng giả vì có khi chúng cũng được sản xuất cùng với nguyên liệu của hàng đắt tiền, nổi tiếng kia”, vị đại diện Lefaso phân tích.

Tuy nhiên, việc phân biệt hàng da thật chất lượng cao với hàng nhái chất lượng thấp cũng không khó. Theo các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất cho những thương hiệu nước ngoài lâu năm, phần lớn các nguyên liệu của nhà đặt hàng đều đã được kiểm tra các tính chất hoá học nghiêm ngặt. Sản phẩm càng có giá trị thương hiệu lớn càng được bảo đảm an toàn cho người sử dụng thông qua các cam kết nguyên liệu đưa vào sản xuất không bị nhiễm độc tố, không gây tác hại đến sức khoẻ.

Nhưng với các sản phẩm giả, hoặc nhái thương hiệu, các yếu tố “bảo đảm” nói trên gần như không có vì phần lớn đều sử dụng nguyên liệu thấp cấp nhằm hạ giá thành sản xuất nên chỉ cần sau một thời gian ngắn sử dụng, các tiêu chuẩn kiểm tra mà thương hiệu “xịn” áp dụng như độ xé rách, độ mài mòn, độ dính  keo, độ giữ màu sắc… đều không tồn tại trên hàng giả, hàng nhái.

Cẩn trọng trước hàng “trộn”

Tình trạng một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang sang trọng, bắt mắt đem “trộn” các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng với hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn rất phổ biến. Các sản phẩm bị “độn” này thường được người bán giới thiệu là hàng dư xuất khẩu, hoặc hàng bị lỗi không xuất được.

 

Tuy nhiên, với trình độ “sản xuất” của hàng loạt những cơ sở “không tên” trong và ngoài nước hiện nay, kể cả được đặt trực tiếp từ Trung Quốc, các sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng ngày một tinh vi, khó phân biệt, chủ yếu tập trung vào những sản phẩm giày dép, quần áo, túi xách, mắt kiếng… với giá bán chỉ bằng 30-35% so với hàng thật chính hãng.