Dạy, học tự do như đại học Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, giảng viên được tự chọn giáo trình, bài giảng, tự quyết định về chuyên môn. Còn sinh viên tự do chọn môn học, chọn giảng viên và có quyền huỷ môn học.
Dạy, học tự do như đại học Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, giảng viên được tự chọn giáo trình, bài giảng, tự quyết định về chuyên môn. Còn sinh viên tự do chọn môn học, chọn giảng viên và có quyền huỷ môn học.Việc huỷ môn học có thể thực hiện sau khi bắt đầu môn học khoảng một tháng, nếu sinh viên cảm thấy môn đó không phù hợp hoặc mình không theo kịp.
Thi nhẹ nhàng, xếp loại chặt chẽ
Việc tổ chức thi ở các trường ĐH hết sức nhẹ nhàng. Giảng viên ra đề và giám sát sinh viên lớp mình trong ngày thi. Giảng viên không cần điểm danh số thí sinh dự thi, sinh viên cũng không cần phải ký tên vào danh sách thi khi nộp bài.
Vì thi cuối kỳ là nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên, mọi người phải tự giác đi thi. Trường hợp sinh viên vắng thi, nếu có nguyện vọng được thi, các giảng viên phụ trách môn học sẽ tạo điều kiện tối đa để sinh viên được thi bổ sung.
Tuy nhiên, tại các trường ĐH ở Hàn Quốc, tiêu chuẩn đánh giá kết quả học tập của sinh viên rất chặt chẽ. Mỗi học kỳ, sinh viên phải trải qua hai kỳ thi: giữa kỳ (GK) và cuối kỳ (CK). Điểm đánh giá cuối kỳ (ĐGCK) được quy định như sau:
ĐGCK = Chuyên cần (10%) + Bài tập (20%) + GK (30%) + CK (40%)
Dựa trên số điểm đánh giá, sinh viên sẽ được xếp loại học tập rất nghiêm ngặt, vì điều này liên quan đến việc xét cấp học bổng cho học kỳ sau và năm sau. Điểm số tính theo hệ số 100 và sinh viên được xếp loại như sau (xem bảng):
Những sinh viên đạt loại D có thể được thi cải thiện điểm, nhưng kết quả thi cải thiện không vượt quá xếp loại A+ và B+. Cuối học kỳ, sinh viên đăng nhập vào hệ thống website của trường để đánh giá giáo viên. Nhưng những sinh viên chỉ đạt loại C và D sẽ không có quyền đánh giá này.
Điểm đặc biệt là không phải tất cả sinh viên đạt điểm tốt đều đương nhiên được xếp loại A hay A+, mà có sự khống chế tỉ lệ rất chặt chẽ: loại A và A+ chỉ có 30% sinh viên/tổng số sinh viên của lớp. Loại B và B+ chỉ có 65% sinh viên/tổng số sinh viên.
Còn lại là loại C, D, E, F. Nếu vượt quá tỉ lệ quy định này thì khi nhập điểm vào máy, hệ thống sẽ báo lỗi. Đây là điều gây “đau đầu” cho các giảng viên khi đánh giá, xếp loại sinh viên, nhất là với những lớp có số sinh viên khá, giỏi chiếm tỉ lệ cao.
Xếp loại
|
Điểm số
|
Tỉ lệ
|
A+ A
|
95 – 100 90 – 94
|
30%
|
B+ B
|
85 – 89 80 – 84
|
65%
|
C+ C
|
75 – 79 70 – 74
|
|
D+ D
|
65 – 69 60 – 64
|
|
E, F
|
Không đạt
|
|
Điểm danh từng tiết và bằng smartphone
Một học kỳ kéo dài 15 tuần, trong học kỳ sẽ có một số ngày nghỉ lễ, đại hội thể dục thể thao, lễ hội sinh viên, hoạt động cho sinh viên năm thứ nhất… vì vậy những ngày nghỉ sẽ được học bù vào tuần thứ 15. Thời gian thi giữa kỳ, cuối kỳ và tổng kết điểm trên Internet đều được ấn định sẵn từ đầu năm học.
Trong đánh giá cuối kỳ, điểm chuyên cần được tính 10% trên tổng số điểm. Nếu sinh viên vắng từ 1/4 thời lượng môn học trở lên sẽ bị điểm F. Do đó, nhà trường yêu cầu các giảng viên điểm danh sinh viên rất chặt chẽ, không phải điểm danh từng buổi học, mà từng tiết học. Buổi học có bao nhiêu tiết, giảng viên phải điểm danh bấy nhiêu lần.
Từ năm 2016, Trường ĐH Chungwoon đã áp dụng điểm danh sinh viên bằng phần mềm tự động: điểm danh trên smartphone. Mỗi giảng viên và sinh viên được cấp một ID và password để truy cập vào website của nhà trường.
Bước vào lớp, việc đầu tiên là giảng viên đăng nhập vào hệ thống lớp học (e-class system) rồi chọn mã số lớp học. Trên màn hình sẽ hiện ra danh sách sinh viên. Sau khi giảng viên ấn nút điểm danh, một mã số dành riêng cho tiết học đó sẽ xuất hiện, sinh viên đăng nhập vào hệ thống bằng smartphone cá nhân và nhập mã số đó để đánh dấu sự hiện diện của mình.
Trên bảng điện tử, các thông tin về sĩ số sinh viên của lớp, họ tên sinh viên, mã số sinh viên kèm hình ảnh sinh viên, số sinh viên có mặt (đã điểm danh), số sinh viên vắng mặt… đều hiện ra.
Khi sinh viên điểm danh xong, nơi tên và mã số sinh viên của họ sẽ xuất hiện một con dấu màu đỏ (xác nhận sự hiện diện). Giảng viên sẽ kiểm tra số sinh viên có mặt trong lớp tương ứng với số dấu đỏ đã hiển thị và ấn nút kết thúc điểm danh.
Sinh viên đến trễ có thể yêu cầu giáo sư phụ trách môn học điểm danh lại, tất nhiên trong hệ thống sẽ ghi nhận là đi trễ. Khi điểm danh bằng smartphone, sinh viên không thể nhờ bạn điểm danh thay. Đó cũng là cách buộc sinh viên phải có mặt trên lớp, nếu không muốn bị ảnh hưởng đến kết quả chung.
Cơ sở vật chất trường ĐH hiện đại
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến và hiện đại. Đặc biệt, cơ sở vật chất ở các trường ĐH rất tốt. Trong mỗi phòng học đều được trang bị bảng từ và một bục giảng hiện đại, trên đó có lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ giảng dạy như: máy vi tính kết nối sẵn với máy chiếu (projector) và mạng Internet, có hệ thống âm thanh (loa, micro) chất lượng tốt…
Ở mỗi khoa, ngoài văn phòng khoa còn có phòng sinh hoạt chuyên môn riêng cho giảng viên, phòng tư liệu, phòng sinh hoạt cho sinh viên theo đặc thù ngành học. Mỗi giảng viên đều được bố trí một phòng làm việc riêng với đầy đủ các trang thiết bị: bàn ghế, máy tính, tủ sách, điện thoại, mạng Internet…