Thủ tướng: ngân hàng ‘chủ động tính toán’ quản lý Bitcoin
“Cuộc cách mạng 4.0 nảy sinh nhiều vấn đề như tiền ảo… đặt ra nhiều thách thức cho quản lý tiền tệ. Do đó, ngành ngân hàng cần phải chủ động tính toán”.
Thủ tướng: ngân hàng ‘chủ động tính toán’ quản lý Bitcoin
“Cuộc cách mạng 4.0 nảy sinh nhiều vấn đề như tiền ảo… đặt ra nhiều thách thức cho quản lý tiền tệ. Do đó, ngành ngân hàng cần phải chủ động tính toán”.
Phát biểu trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018 vào chiều 9-1, theo đó ngành ngân hàng sớm có giải pháp về quản lý Bitcoin và các loại tiền điện tử, tài sản ảo.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ thúc giục các ngân hàng đẩy mạnh phát triển ứng dụng các dịch vụ hiện đại để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh chú trọng đảm bảo an ninh an toàn, hạn chế rủi ro mặt trái của công nghệ số.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung xử lý nợ xấu, giảm lãi suất cho vay nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn làm ăn.
Thủ tướng khẳng định lạm phát kiểm soát tốt ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn mục tiêu đặt ra cho thấy sự đóng góp rất lớn của hệ thống ngân hàng, là ”thành công rất lớn của chính sách tiền tệ”.
Đặc biệt, dự trữ ngoại hối lần đầu tiên tăng kỷ lục khi đạt 53 tỉ USD, vượt qua kỳ vọng của Chính phủ là đến năm 2020 phải đạt khoảng 50 tỉ USD.
“Chính sách lãi suất điều chỉnh hợp lý trong năm qua, giảm 0,5-1%/năm, đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn. Tuy nhiên, ngân hàng cần phải tính toán để tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,5%/năm vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều yếu kém như chất lượng tín dụng được cải thiện nhưng chưa bền vững trong đó cho vay bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ phát sinh nợ xấu.
“Cơ cấu tín dụng chưa theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Vẫn còn số ít tổ chức tín dụng yếu kém, nợ xấu cao trong khi quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm”, Thủ tướng nói.
Năm 2018, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Đặc biệt, các ngân hàng cần tính toán giảm lãi suất cho vay đồng loạt chứ không chỉ một số ngân hàng.
Khẳng định tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 18% hay 19-20% tùy theo tình hình, nhưng Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiếp tục xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường.
Thủ tướng cũng nhắc nhở Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý thanh tra giám sát để kịp thời phát hiện, hạn chế tối đa những sai phạm, quan quan tâm hơn đến chất lượng cán bộ, đạo đức đội ngũ hệ thống, hạn chế tối đa những sai phạm.
“Sai phạm phải gánh chịu hết sức đớn đau nên phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Tôi tin rằng với sự giám sát tốt, sẽ không để sai phạm xảy ra trong năm 2018”, Thủ tướng nói.
Giám sát chặt hoạt động cho vay tiêu dùng
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cam kết trong năm 2018 sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để hạ lãi suất cho vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chất lượng tín dụng có xu hướng tốt hơn nhưng nợ xấu và nợ có tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.
Cho vay tiêu dùng tăng nhanh là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt sẽ tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là đối với một số tổ chức tín dụng hiện có tỉ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng cao trên 3%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền xem xét triển khai thực hiện phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng mua lại 0 đồng.