Cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên sau hơn 2 năm gián đoạn giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên được đánh giá là thân thiện hơn và mang nhiều tín hiệu tích cực.
Bước tiến quan hệ liên Triều
Cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên sau hơn 2 năm gián đoạn giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên được đánh giá là thân thiện hơn và mang nhiều tín hiệu tích cực.
Đúng như kế hoạch, phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc và Triều Tiên hôm qua đã gặp nhau tại khu nhà Hoà bình ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Dẫn đầu đoàn Hàn Quốc là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon, còn bên phía Triều Tiên là Chủ tịch Uỷ ban Thống nhất hoà bình tổ quốc Ri Son-gwon. Ngay khi bước vào bàn đối thoại, hai bên đều tỏ thiện chí và mong muốn cải thiện quan hệ. Reuters dẫn lời trưởng đoàn Triều Tiên nói: “Tôi đến đây với hy vọng hai miền Triều Tiên tổ chức đàm phán bằng thái độ chân thành và trung thực để mang lại kết quả quý giá như món quà năm mới cho người dân”. Đáp lại, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ lạc quan về bước khởi đầu tốt đẹp, đồng thời mong muốn hai bên có thể đối thoại với tinh thần quyết tâm và kiên trì.
Với nội dung chính về kỳ Thế vận hội Mùa đông tại Pyeongchang vào tháng 2 tới, phái đoàn Triều Tiên cho biết ngoài cử vận động viên tham gia, các quan chức cấp cao cùng cổ động viên, hoạt náo viên, đội biểu diễn nghệ thuật và các phóng viên nước này cũng sẽ tới Hàn Quốc. Về phía Hàn Quốc, ông Cho hy vọng Pyeongchang sẽ trở thành nơi thúc đẩy hoà bình của hai nước. Seoul cũng đề xuất vận động viên hai miền cùng nhau tham gia diễu hành chung tại lễ khai mạc và các hoạt động phối hợp khác tại Thế vận hội. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm qua cho biết sẽ xem xét tạm thời gỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm tạo điều kiện cho quan chức Triều Tiên tới Hàn Quốc.
Cũng trong cuộc đàm phán, Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên cùng tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán sau chiến tranh 1950 – 1953 vào dịp Tết Nguyên đán, đồng thời đề xuất đối thoại quân sự liên Triều để giảm căng thẳng trên bán đảo. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, hai bên nhất trí giải quyết các vấn đề giữa hai miền Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán. Cụ thể, hai bên đồng ý tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao nhằm cải thiện quan hệ, đàm phán quân sự nhằm giảm căng thẳng biên giới… Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ cũng đề nghị Triều Tiên ngưng các hành động thù địch gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên thừa nhận cần phải bảo đảm môi trường hòa bình trên bán đảo.
Triều Tiên cũng đồng ý nối lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc. Dự kiến kênh liên lạc này sẽ hoạt động lại bình thường vào ngày 10.1. Đường dây nóng quân sự hai miền trước đây được dùng để thông báo về các hoạt động ra vào của phía Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong, phía bắc biên giới. Tuy nhiên, Triều Tiên đã cắt kênh liên lạc vào tháng 2.2016 để phản đối việc Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp trên.
Cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên của Hàn Quốc và Triều Tiên sau 2 năm gián đoạn được đánh giá là thân thiện và ấm áp hơn những cuộc gặp trước đây, dù cả hai thừa nhận quan hệ song phương hiện không mấy tốt đẹp. Khác với những suy đoán về không khí “căng như dây đàn”, các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên bắt tay, thậm chí cười đùa với nhau.
Hàn Quốc đã đề xuất cuộc gặp này sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố muốn cải thiện quan hệ trong bài phát biểu đầu năm. Triều Tiên sau đó quyết định mở lại đường dây nóng biên giới và đồng ý tham gia đối thoại. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định một trong những lý do khiến Triều Tiên nhận lời là vì Mỹ và Hàn Quốc nhất trí tạm ngừng tập trận chung đến hết kỳ Thế vận hội Mùa đông.
Cùng đối thoại nhưng ăn riêng
Cuộc gặp hiếm hoi giữa quan chức cấp cao liên Triều được tổ chức ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm, tại tòa nhà nằm bên phía Hàn Quốc. Mặc dù trưởng đoàn Triều Tiên nhấn mạnh “hành trình của hai người sẽ dài hơn người đi một mình”, thế nhưng sau phiên thảo luận buổi sáng, hai phái đoàn nghỉ và ăn trưa riêng. Theo Reuters, ông Ri Son-gwon cùng các quan chức Triều Tiên trở về bên kia biên giới để ăn trưa tại tòa nhà Tongilgak, cũng nằm trong khu vực Bàn Môn Điếm. Trong các cuộc đàm phán trước đây, hai bên cũng không ngồi ăn chung. Những thời gian nghỉ ngắn như vậy thường là cơ hội để quan chức mỗi bên bàn bạc và tham vấn riêng với chính phủ tại Seoul và Bình Nhưỡng liên quan đến nội dung cuộc họp.