Quan hệ liên Triều xoay chiều nhanh như tên lửa
Tình hình hoà dịu trên bán đảo Triều Tiên khiến không ít người ngỡ ngàng bởi diễn tiến đi đến đàm phán cấp cao quá nhanh, xét theo những gì được cho là “căng thẳng như ở bên bờ vực chiến tranh” chừng hơn tháng trước.
Quan hệ liên Triều xoay chiều nhanh như tên lửa.
Tình hình hoà dịu trên bán đảo Triều Tiên khiến không ít người ngỡ ngàng bởi diễn tiến đi đến đàm phán cấp cao quá nhanh, xét theo những gì được cho là “căng thẳng như ở bên bờ vực chiến tranh” chừng hơn tháng trước.
Hình ảnh Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong Un trên màn hình trong thời điểm căng thẳng. Cả thế giới đang trông ngóng khả năng hòa giải – Ảnh: AFP
Tôi luôn tin vào đối thoại. Tôi sẽ làm điều đó. Tôi chẳng có vấn đề gì với việc đó. Nếu các cuộc đàm phán đạt một kết quả nào đó thì sẽ tốt cho toàn nhân loại
Tổng thống Donald Trump nói về khả năng nói chuyện với nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong ngày 6-1
Ngày 7-1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định Bình Nhưỡng đã gửi danh sách phái đoàn dự kiến của nước này sẽ tham gia cuộc đàm phán liên Triều cấp cao hiếm hoi tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều vào ngày 9-1. Theo danh sách trên, phái đoàn của Triều Tiên sẽ do ông Ri Son Gwon – người phụ trách Cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều – dẫn đầu. Trong số 4 quan chức tháp tùng ông Ri có 1 quan chức phụ trách thể thao của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng công bố danh sách trên sau khi phía Hàn Quốc đề xuất Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung Gyon sẽ dẫn đầu phái đoàn của Hàn Quốc tham dự cuộc gặp tới đây. Như vậy đã rõ, cuộc gặp ngày 9-1 sẽ bàn việc phái đoàn thể thao của Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang, diễn ra từ ngày 9 đến 25-2. Dĩ nhiên ai cũng trông mong hai bên sẽ bàn thêm nhiều vấn đề khác trong cuộc gặp được tổ chức như thể chạy đua với thời gian này.
Có thể thấy tình thế xoay chiều nhanh chóng giữa hai miền Triều Tiên từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để ngỏ khả năng cử một phái đoàn tham dự Thế vận hội PyeongChang. Trong bài phát biểu ngày đầu năm mới trên truyền hình hôm 1-1, ông Kim Jong Un còn gợi mở thêm khả năng đối thoại mà Hàn Quốc rất trông chờ: “Về quan hệ Bắc – Nam, chúng ta nên giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên để tạo ra một môi trường hoà bình, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều nên cùng nỗ lực”.
Đương nhiên thiện chí đó đã được Seoul nhanh chóng nắm lấy và đáp lại bằng đề xuất tiến hành đàm phán vào ngày 9-1 và nối lại đường dây nóng giữa hai miền lần đầu tiên sau gần hai năm. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết các chi tiết của cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm sẽ được thảo luận qua đường dây nóng liên Triều, trong đó việc chuẩn bị cho đoàn vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội PyeongChang sẽ là chủ đề thảo luận chính.
Thiện chí tăng cường quan hệ liên Triều cần được ủng hộ không chỉ bằng lời nói mà phải bằng các hành động thực tế, nhằm thúc đẩy tinh thần hoà giải và đoàn kết liên Triều, cũng như tái thống nhất
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi ngày 7-1
Dù trong thời gian qua tình hình bán đảo Triều Tiên nóng rừng rực với những phát ngôn đầy tính đe doạ vào một số lúc nhưng có thể thấy chính quyền Seoul luôn một mực khẳng định tìm kiếm con đường đối thoại trên bàn ngoại giao và Mỹ nếu muốn hành động kiểu đánh phủ đầu thì phải thông qua sự đồng ý của Seoul. Ai cũng có thể hiểu thái độ của Seoul bởi nếu có chiến tranh xảy ra thì phần thiệt hại dân sinh bên Hàn Quốc sẽ không hề nhỏ.
Các nỗ lực hoà giải giữa hai miền Triều Tiên, có thể thấy đạt tốc độ tên lửa khi nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Đến cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có phát ngôn ăn miếng trả miếng mạnh mẽ với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cũng nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ – Hàn theo đề nghị của người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In, đồng thời bày tỏ hi vọng đàm phán liên Triều sẽ đạt kết quả.
Cuộc gặp ngày 9-1 sẽ là cuộc đối thoại liên Triều chính thức đầu tiên kể từ hơn 2 năm qua. Nếu nó diễn ra suôn sẻ sẽ là “chiến công” của tất cả các bên. Hai bên đối đầu trực tiếp sẽ có thể tìm kiếm thêm những cuộc gặp mới (có thể mở rộng hơn với các bên liên quan tham gia), những giải pháp mới. Khu vực và toàn thế giới có thể tin vào khả năng lò đã được rút bớt củi.
Đương nhiên ông Trump cũng có thể ghi nhận điều đó như một chiến công cá nhân của mình: đã gây đủ sức ép để Bình Nhưỡng chịu ngồi vào bàn đàm phán. Mà hình như ông đã nói điều này từ hôm 2-1 rồi kia!