28/11/2024

Hàng triệu người ảnh hưởng vì cách tính thuế mới

Hai kịch bản, hai cách đánh thuế của Bộ Tài chính trong dự thảo mới nhất theo các chuyên gia và một số bộ, ngành là chưa hợp lý. Cần tính toán kỹ hơn để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Hàng triệu người ảnh hưởng vì cách tính thuế mới.

Hai kịch bản, hai cách đánh thuế của Bộ Tài chính trong dự thảo mới nhất theo các chuyên gia và một số bộ, ngành là chưa hợp lý. Cần tính toán kỹ hơn để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu.

 

 

 

 

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại TP.HCM /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại TP.HCMẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH.

 

 

 

 

Chọn phương án tăng thu ngân sách
Dự thảo mới nhất sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cùng với 4 luật thuế khác đã được Bộ Tài chính hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong năm 2018 sẽ trình Chính phủ và Quốc hội cho ý kiến thông qua.
Trong lần sửa đổi gần nhất vào tháng 8.2017, Bộ Tài chính chỉ đưa ra một phương án tính thuế. Cụ thể, biểu thuế suất lũy tiến từng phần giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Nhiều ý kiến cho rằng bậc thuế hợp lý, song mức thuế suất quá lẻ và còn cao, vẫn tạo gánh nặng cho người nộp thuế. Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản.
Ở kịch bản thứ nhất, vẫn giữ nguyên 5 bậc, nhưng mức thuế suất và phần thu nhập tính thuế có điều chỉnh. Cụ thể, bậc 1 (đến 10 triệu đồng, thuế 5%), bậc 2 (10 – 30 triệu đồng, thuế 15%), bậc 3 (30 – 50 triệu đồng, thuế 25%), bậc 4 (50 – 80 triệu đồng, thuế 30%), bậc 5 (trên 80 triệu đồng, thuế 35%).
Phương án này theo cơ quan soạn thảo, mặc dù đáp ứng được mục tiêu giảm bậc thuế, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc ở số chẵn, nhưng số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.300 tỉ đồng (tính tác động trên số thu của năm 2015). Đồng thời, có ý kiến cho rằng việc sửa biểu thuế này sẽ có lợi cho người giàu, cá nhân có thu nhập thấp không có lợi.
Cụ thể, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay (ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng…).
Ở kịch bản thứ 2, gồm 5 bậc thuế, thuế suất được điều tiết như sau: bậc 1 (đến 5 triệu đồng, thuế 5%), bậc 2 (trên 5 – 10 triệu đồng, thuế 10%), bậc 3 (trên 10 – 40 triệu đồng, thuế 20%), bậc 4 (trên 40 – 80 triệu đồng, thuế 30%), bậc 5 (trên 80 triệu đồng, thuế 35%).
Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng, cá nhân hiện đang có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 sẽ không bị ảnh hưởng, cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại. Tuy nhiên, mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn (ví dụ: cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng).
Tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỉ đồng. Sau khi nghiên cứu tác động của các giải pháp trên cơ sở đánh giá tác động tích cực và tiêu cực, Bộ Tài chính đề nghị chọn giải pháp 2.
Hàng triệu người ảnh hưởng vì cách tính thuế mới - ảnh 2


Khoảng cách bậc thuế chưa hợp lý
Góp ý cho dự thảo lần này, Bộ VH-TT-DL cho rằng, dự thảo đang đề xuất sửa đổi biểu thuế rút ngắn khoảng cách giữa các bậc. Tuy nhiên, tại bậc 2, gộp thu nhập tính thuế trong khoảng từ trên 10 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng (cách nhau 20 triệu đồng) cùng chịu chung mức thuế suất 15% là bất hợp lý. Bộ này đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc giảm số bậc thuế và điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn cho dễ áp dụng, có tính khả thi cao và có điều chỉnh hợp lý mức sàn tính thuế ở mỗi bậc. Tại bậc 2, đề nghị mức sàn từ trên 10 triệu đồng/tháng đến 20 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; bậc 3 từ trên 20 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng thuế suất 15%.
Còn Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự thảo giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc làm cho chênh lệch phần thu nhập tính thuế rất lớn, ví dụ bậc 4 từ 50 – 80 triệu đồng cùng chịu thuế suất 30% là chưa hợp lý. “Bộ Tài chính nêu lý do giảm bậc thuế là để đơn giản trong kê khai, kiểm tra thu là chưa thuyết phục”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Nhận xét về thay đổi biểu thuế trong tính thuế TNCN của Bộ Tài chính, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng với cách tính mới này, những người có thu nhập trên 10 triệu đồng trở lên (sau khi đã được chiết trừ gia cảnh) sẽ phải nộp ngay mức thuế 20% thay cho thuế suất 15% như quy định hiện hành. Hay như người có thu nhập chịu thuế trên 40 triệu đồng phải đóng mức thuế 30% thay vì mức 25% như hiện nay… Luật sư Đức phân tích, việc Bộ Tài chính gom lại từ 7 bậc thuế theo quy định hiện hành xuống còn 5 bậc thuế chỉ là đơn giản, gọn nhẹ cho ngành thuế thực hiện mà không có tác động lợi ích gì cho người nộp thuế.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, phân tích nguyên tắc của việc xây dựng luật thuế nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả là nên giãn các bậc thuế đầu tiên với mức thuế suất thấp để người thu nhập thấp bị tổn thất ít. Trong khi đó, với biểu thuế mới, Bộ Tài chính lại tập trung giãn các bậc thuế ở những bậc thuế sau nên chưa hợp lý. Ví dụ, mức chịu thuế từ 5 triệu đồng hiện nay cần phải giãn lên mức từ 10 triệu đồng mới phù hợp với đời sống của đa số người dân. Nhưng quan trọng nhất là Bộ Tài chính chỉ đang chỉnh sửa ở phần đuôi là thay đổi biểu thuế mà lại không đề cập chỉnh sửa đến phần đầu là chi phí được khấu trừ trước khi tính thuế. Hiện, mỗi cá nhân người VN chỉ được khấu trừ chi phí hằng tháng cho bản thân là 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc đã được áp dụng 5 năm qua mà không thay đổi là quá lạc hậu. Nếu tính bình quân, lạm phát tại VN hằng năm đều ở mức 5 – 6% thì sau 5 năm lạm phát đã tăng lên tới 25 – 30%. Nhưng mức khấu trừ không tính phần trượt giá này nên tính ra thu nhập của người dân càng giảm đi.

Anh Vũ – Thanh Xuân – Mai Phương