23/01/2025

10 chuyện nóng của năm 2018

2017 là năm của những sự chuyển tiếp và những xung đột chưa được giải quyết. Dưới đây là 10 câu chuyện được đánh giá là nóng nhất mà năm 2017 “chuyển giao” cho 2018.

 

10 chuyện nóng của năm 2018

 

 2017 là năm của những sự chuyển tiếp và những xung đột chưa được giải quyết. Dưới đây là 10 câu chuyện được đánh giá là nóng nhất mà năm 2017 “chuyển giao” cho 2018.

Tổng hợp của Tuổi Trẻ từ các nhà bình luận thời sự thế giới của CNN, The Independent, NBC News…

1. Thách thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc năm 2017 – năm đầu tiên của nhiệm kỳ – với tỉ lệ ủng hộ thấp nhất so với bất kỳ vị tổng thống nào trong lịch sử hiện đại nước Mỹ. Ông Trump và phe Cộng hòa đã thành công trong việc ban hành luật cải cách thuế ở Mỹ, bổ nhiệm nhiều thẩm phán bảo thủ cho tòa án liên bang, nhưng năm 2018 của ông Trump vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn. Các ủy ban của Quốc hội vẫn đang điều tra những mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.

Nếu tỉ lệ ủng hộ ông Trump giảm xuống nữa, hoặc nếu Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, các mục tiêu lập pháp khác của ông có thể bị trật bánh. Dự báo năm 2018 sẽ là một năm đầy thách thức của ông Trump.

 

2. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên

Cuộc đấu võ mồm giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tiến bộ quân sự của Triều Tiên thể hiện qua các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo và lệnh trừng phạt Triều Tiên của Mỹ, Liên Hiệp Quốc khiến vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên mong manh. Các chuyên gia dự báo nếu có chiến tranh với Triều Tiên sẽ làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Washington đã thành công trong việc đảm bảo các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng, nhưng đường đi đến một giải pháp hòa bình ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân ngày càng trở nên khó nắm bắt.

3. Thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc

Ông Trump gọi thỏa thuận hạt nhân với Iran là “một trong những giao dịch thất bại và đơn phương nhất mà Mỹ từng thực hiện”, và cáo buộc Iran “vi phạm nhiều điều trong thỏa thuận”. Quốc hội Mỹ đã có thời gian đến giữa tháng 12-2017 để đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có áp đặt lại lệnh cấm vận đối với Iran hay không. Nay đã sang đầu năm mới nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

4. Khủng hoảng nhân đạo ở Yemen

Yemen, đất nước đang bị cô lập trong vấn đề xung đột với liên minh do Saudi Arabia đứng đầu khiến người dân nước này lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Trẻ em là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, vấn đề Yemen lại ít thu hút sự chú ý và sự phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế, dù các quan chức Liên Hiệp Quốc thừa nhận Yemen đang trên bờ vực của một “nạn đói lớn nhất mà thế giới chứng kiến trong nhiều thập kỷ”. Nước này cũng đã trải qua trận bệnh tả tồi tệ nhất lịch sử – một hậu quả của khủng hoảng do chính con người gây ra.

5. Chủ nghĩa dân túy có tiếp tục lây lan?

Các lý do liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa và bản sắc có thể là lý giải cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và các nước châu Âu. Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này đã đạt đến đỉnh hay sẽ còn tiếp tục trở thành một trào lưu? 

Những tuyên bố như “Nước Mỹ trên hết” hay “giành lại đất nước của chúng ta” và những chính sách đi kèm từ các nhà lãnh đạo cầm quyền như đang mang đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa này.

6. Tương lai nào cho Venezuela?

Vấn đề Venezuela đã biến thành thảm họa trong năm 2017 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Mặc dù có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, từng là một nền kinh tế mạnh mẽ ở châu Mỹ Latin, ngày nay Venezuela đang có đầy trẻ em bị đói nghèo, thiếu hụt mọi loại nhu yếu phẩm, lạm phát bốn chữ số và không thể kiểm soát tội phạm.

7. Khi nào Jerusalem thôi đổ máu?

Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làn sóng phản đối, ủng hộ Palestine vẫn nổ ra ở nhiều nơi tại điểm nóng Israel, Palestine và thế giới Ả Rập. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tổ chức họp bất thường phản đối quyết định của ông Trump với kết quả thể hiện sự đơn độc nước Mỹ khi đa số (128 nước) phản đối quyết định của ông Trump, trong đó có các đồng minh truyền thống của Mỹ. Tuy nhiên, với tính chất không ràng buộc của nghị quyết trên và lịch sử tranh chấp hàng ngàn năm, năm 2018 vùng đất thánh Jerusalem được dự báo sẽ không yên tĩnh.

8. Cơn ác mộng IS có thật sự chấm dứt?

Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã mất những thành lũy cuối cùng và các bên như Iraq, Nga tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống IS. Tuy nhiên, những con sói đơn độc thề trung thành với lực lượng IS đã tiếp tục gây ra những vụ thảm sát nhỏ lẻ trên toàn cầu. Có thể nói bóng ma IS chưa chết hẳn.

9. An ninh cho Thế vận hội mùa đông 2018

Diễn ra tại PyeongChang, Hàn Quốc, chỉ cách biên giới Triều Tiên khoảng 80km, trong tình hình căng thẳng liên quan đến việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa đạn đạo, Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 khiến ban tổ chức và cộng đồng quốc tế lo lắng. Tổng thống Hàn Quốc mong muốn có sự tham gia của đoàn vận động viên Triều Tiên để đảm bảo an ninh cho thế vận hội. Triều Tiên cũng ngỏ ý sẽ tham gia sự kiện thể thao này nhưng chưa tiến hành đàm phán.

10. Ám ảnh tại các điểm du lịch

Các phần tử khủng bố lao xe vào đám đông ở những điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại châu Âu cũng như tại Mỹ trong năm qua không khỏi khiến người ta lo lắng về khả năng thủ đoạn này được sử dụng trong tương lai bởi những phần tử cực đoan. Trong năm 2017, 3 người đã thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương khi một kẻ tấn công đâm vào người đi bộ trên cầu Westminster ở London. Khoảng hai tuần sau đó, một kẻ tấn công đã giết 4 người và làm 15 người bị thương sau khi cố tình lái xe vào một cửa hàng bách hóa ở Stockholm, Thụy Điển. Đầu tháng 12, lại một vụ lao xe tải vào đám đông ở New York làm 1 người chết và 3 người bị thương.

 

HỒNG VÂN tổng hợp