28/11/2024

Thế giới năm 2018 ra sao trong mắt chuyên gia Việt Nam?

Năm 2017, các nước lớn chủ yếu tập trung vào tình hình nội bộ, còn 2018 dự kiến là năm họ sẽ triển khai các chính sách đưa ra từ nửa cuối năm 2017 một cách quyết liệt và nhất quán hơn.

 

Thế giới năm 2018 ra sao trong mắt chuyên gia Việt Nam?

Năm 2017, các nước lớn chủ yếu tập trung vào tình hình nội bộ, còn 2018 dự kiến là năm họ sẽ triển khai các chính sách đưa ra từ nửa cuối năm 2017 một cách quyết liệt và nhất quán hơn.

Đó là nhận định của TS Trần Việt Thái – phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao – trong cuộc trao đổi đầu năm mới về cục diện thế giới, những điểm nóng toàn cầu trong năm 2018 cũng như những thách thức của Việt Nam trong việc thực hiện những trọng tâm đối ngoại.

Năm 2018, Việt Nam sẽ không có cú hích lớn như APEC. Thay vào đó, ngoại giao đa phương sẽ thầm lặng hơn nhưng là năm chạy đà cho các sự kiện đa phương quan trọng khác như Năm chủ tịch ASEAN 2020, vận động các nước ủng hộ Việt Nam là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021

Tiến sĩ Trần Việt Thái

Thế giới năm 2018 ra sao trong mắt chuyên gia Việt Nam? - Ảnh 3.

TS Trần Việt Thái – phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao – Ảnh: Q.TRUNG

* Với tư cách là nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao, ông nhận định như thế nào về cục diện thế giới trong năm 2018?

– Để nhận diện cục diện thế giới, chúng ta cần phân tích chiến lược của các nước lớn và quan hệ giữa các nước này.

Mỹ sẽ triển khai chiến lược an ninh quốc gia mới. Trung Quốc sẽ triển khai nghị quyết đại hội đảng, trong đó có sáng kiến Vành đai con đường, cộng đồng chung vận mệnh, quan hệ quốc tế kiểu mới, chiến lược cường quốc biển. Tháng 3-2018 sẽ có bầu cử tổng thống ở Nga. Cho nên Nga sẽ tập trung bầu cử cho xong và sẽ định hình chính sách mới vào giữa năm 2018.

 

Về quan hệ giữa các nước lớn, nửa đầu năm 2017 khi ông Trump mới lên nắm quyền, tưởng như quan hệ Nga – Mỹ sẽ cải thiện nhưng cuối cùng do sự chống đối của phe Dân chủ, các lực lượng chính trị khác nhau ở Mỹ, đồng thời có thông tin Nga can thiệp vào bầu cử, mối quan hệ này đã bị phá. Ông Trump chưa thực hiện được ý định cải thiện quan hệ Mỹ – Nga, thậm chí quan hệ hai nước có chiều hướng xấu hơn. Theo tôi, quan hệ Mỹ – Nga khó có bước đột phá trong năm tới.

Quan hệ Mỹ – Trung dần ổn định trở lại sau các cuộc gặp cấp cao, đặc biệt là chuyến đi thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình và gần đây là chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của ông Trump, khi hai bên ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 250 tỉ USD. Sang năm 2018, quan hệ Mỹ – Trung sẽ không đảo lộn nhưng vẫn tồn tại xu hướng Mỹ gây sức ép với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề thương mại.

Quan hệ Mỹ – Nhật, sau nhiều cuộc gặp song phương, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump đã xây dựng mối quan hệ rất thân thiết. Quan hệ hai nước không những được củng cố mà còn được tăng cường sâu rộng.

Trung Quốc tiếp tục gia tăng kiểm soát trên biển

Trung Quốc bắt đầu cuộc chơi với tầm nhìn toàn cầu về Biển Đông. Sau đại hội đảng 19, Trung Quốc cơ bản tạo dựng được thế chiến lược tương đối tốt ở Biển Đông. Họ đang có tầm nhìn toàn cầu hoặc ít nhất tầm nhìn khu vực rộng lớn, cho nên khó có khả năng xảy ra xung đột. Cũng có ít khả năng Trung Quốc lấn biển thêm, thay vào đó Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng khả năng kiểm soát của họ trên biển, trên không. Không loại trừ khả năng Trung Quốc hình thành thế cục hội nhập dân sự, quân sự trên Biển Đông sớm hơn so với dự kiến. Trong năm 2018, Biển Đông được dự báo là năm yên tĩnh, tiếp tục xu hướng của năm 2017.

* Liệu vấn đề Triều Tiên, Trung Đông sẽ tiếp tục là những điểm nóng của thế giới trong năm tới?

– Đúng vậy. Về tình hình Trung Đông, khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại. Hiện nay IS không còn tồn tại với tư cách nhà nước nữa mà nó bị tan rã, phân tán ra khắp nhiều nơi, đặc biệt là Nam Á, châu Phi, Đông Nam Á. Kế đến là cạnh tranh Nga – Mỹ. 

Vì Nga chống được IS và giúp Syria nên Nga khẳng định được vị thế, đồng thời khiến vai trò của Mỹ bị suy giảm cũng như làm Washington bị bẽ mặt. Trong năm 2018, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tìm cách khôi phục ảnh hưởng.

Hiện nay ở Trung Đông, ngoài “con bài” người Kurd, Saudi Arabia, Mỹ chỉ còn mỗi Israel. Cho nên vừa rồi, ông Trump “thổi” vấn đề Israel theo tôi có những động cơ đằng sau như chính trị, kinh doanh và Do Thái. Không loại trừ tác động của cậu con rể gốc Do Thái Jared Kushner và sự vận động hành lang của phe Do Thái trong chính quyền Trump. 

Một khả năng khác là ông Trump muốn tiếp tục khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, ông Trump có thể muốn kích vấn đề Palestine và Israel để bán vũ khí.

Liệu Mỹ chơi con bài công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel giúp ổn định hay khuấy động tình hình Trung Đông? Theo tôi là khuấy động nhiều hơn. Dù động cơ thực sự chưa nhận diện được nhưng bản đồ chính trị Trung Đông sẽ được vẽ lại. 

Cho đến năm 2018, tập hợp lực lượng thay đổi, vị thế của các nước lớn thay đổi và điểm nóng cũng có thể thay đổi. Vấn đề Syria có thể giảm sức nóng, thay vào đó là Palestine và Israel.

Vấn đề Triều Tiên không còn là vấn đề an ninh khu vực mà trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa đến trật tự thế giới, các cơ chế về giải trừ quân bị, đặc biệt là giải trừ vũ khí hạt nhân. Nó còn ảnh hưởng đến vai trò của Liên Hiệp Quốc.

Vì sao Triều Tiên tìm mọi cách phát triển vũ khí hạt nhân? Có thể nước này cho rằng vũ khí hạt nhân chính là vũ khí duy nhất giúp bảo vệ chế độ. Hai là, họ cho rằng vũ khí hạt nhân có thể dùng để làm công cụ răn đe, đàm phán, mặc cả với các nước lớn, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc.

Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ mục đích. Do đó trong năm 2018, căng thẳng vẫn sẽ kéo dài. Căng thẳng ở mức độ nào còn tùy thuộc vào mục đích và chính sách của các nước lớn.

Cơ hội và thách thức của Việt Nam

* Trong năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc 3 trọng tâm đối ngoại đặt ra, đó là Cân bằng quan hệ với các nước lớn, Thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao đa phương (nổi bật nhất là tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC) và Xử lý hài hòa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực (biên giới, tranh chấp Biển Đông). Đâu là thách thức thực hiện 3 trọng tâm này trong năm 2018?

– Về quan hệ với các nước lớn, các nước đã bắt tay vào triển khai chính sách rồi, Việt Nam sẽ không còn lợi thế của APEC nữa.

Thách thức của Việt Nam chính là nhận diện Trung Quốc sau đại hội như thế nào, chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ ra sao. Bắc Kinh đã bắt tay vào triển khai Vành đai con đường, cộng đồng chung vận mệnh. Họ có nhu cầu tập hợp lực lượng và lôi kéo các nước. Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng cho thấy quan hệ Việt – Trung có nhiều cơ hội phát triển.

Quan hệ Việt – Mỹ, lòng tin ngày càng được củng cố, hợp tác ngày càng được mở rộng, khuôn khổ quan hệ ngày càng vững chắc, giao lưu các cấp, đặc biệt là giao lưu nhân dân, ngày càng tăng cường, chỉ có khắc phục hậu quả chiến tranh chưa được như mong muốn, lòng tin cũng cần được củng cố thêm.

Trong chiến lược an ninh quốc gia mới, Mỹ cũng có cái nhìn rõ ràng về Biển Đông. Trong năm 2018, chúng ta có cơ hội để định vị tốt Việt Nam trong chiến lược của hai cường quốc Mỹ – Trung. Chúng ta phải nhận diện cách chơi, ưu tiên của các nước lớn. Điều này đóng vai trò rất quan trọng để Việt Nam xây dựng các chính sách, chiến lược phù hợp.

QUỲNH TRUNG thực hiện