11/01/2025

Năm của những kỷ lục kinh tế

Với hàng loạt kỷ lục, kinh tế VN 2017 đã viết nên kỳ tích cho một năm đột phá ấn tượng.

 

Năm của những kỷ lục kinh tế

Với hàng loạt kỷ lục, kinh tế VN 2017 đã viết nên kỳ tích cho một năm đột phá ấn tượng.

 

GDP đạt trên 6,8%
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 400 tỉ USD 
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên 36 tỉ USD 

GDP năm 2017 dự kiến 6,7% nay đạt trên 6,8%; thu hút vốn ngoại đột phá, đạt 36 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) lập mốc 400 tỉ USD; thu hút khách nước ngoài với 13 triệu lượt khách; dự trữ ngoại hối lập kỷ lục từ trước tới nay với xấp xỉ 52 tỉ USD…; tất cả đã vẽ nên một bức tranh kinh tế với quá nhiều kỷ lục.
Xuất nhập khẩu đạt 400 tỉ USD, thặng dư 2,7 tỉ USD
 
 
Năm của những kỷ lục kinh tế - ảnh 1
Đến hôm nay có thể khẳng định, hành trang để chúng ta bước sang năm 2018 là khá sáng sủa
Năm của những kỷ lục kinh tế - ảnh 2
 
GS-TS Nguyễn Mại
 

Năm 2017 ghi nhận một kỷ lục mới khi tổng kim ngạch XNK của VN vượt mốc 400 tỉ USD. Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu với 41,5 tỉ USD. Đặc biệt, năm nay đã chứng kiến sự đột phá mạnh mẽ của nông sản khi lập kỳ tích thu về 36 tỉ USD. Trong đó, rau quả đã vượt qua nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, dầu khí… để đạt 3,5 tỉ USD. Nhiều loại trái cây VN đã thâm nhập được các thị trường khó tính có yêu cầu cực cao như Mỹ, Nhật, châu Âu… Năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu vú sữa của VN sau gần 10 năm đàm phán. Quả thanh long tươi cũng lên máy bay sang Úc, quả xoài cũng đã được New Zealand chấp nhận.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex Group nhận định, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong ngành nông sản năm nay khá thuận lợi. Ngoại trừ sản lượng xuất khẩu (XK) cà phê giảm do VN bị mất mùa, hàng loạt sản phẩm khác đều tăng mạnh. “Nông nghiệp VN đang phát triển và có lợi thế rất lớn nên hoạt động xuất khẩu cũng khá thuận lợi. Nhiều DN, trong đó có Intimex đều dự báo lạc quan về tình hình XK năm 2018 do nhu cầu của thế giới vẫn gia tăng. Đặc biệt các DN lớn cũng đang có xu hướng đầu tư chế biến sâu và nâng cao chất lượng nông sản, nên dự báo lợi nhuận các năm tiếp theo cũng gia tăng nhiều hơn”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.
Dệt may ngay từ đầu năm có dấu hiệu chững lại trước thông tin Mỹ rút khỏi TPP; Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khiến sức mua sụt giảm. Tuy nhiên, ngành này đã về đích với kim ngạch XK khoảng 31 tỉ USD, trong đó thặng dư thương mại khoảng 15,51 tỉ USD. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, ngoài các thị trường XK chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, DN trong ngành đã làm tốt công tác đa dạng hóa thị trường XK mới, đột phá nhất là tại hai thị trường mới Nga, Campuchia và còn XK sang Trung Quốc. Các hiệp định thương mại (FTA) VN đã và đang đàm phán sẽ góp phần làm cơ hội gia tăng XK cho ngành. Các DN cũng chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh…
Năm của những kỷ lục kinh tế - ảnh 3

Thanh long VN đã được xuất sang ÚcẢNH: GIA KHIÊM

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định: Mặc dù VN chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng XK khoảng 10% nhưng kết quả đạt được lên hơn 21% là quá ấn tượng. Đặc biệt, thặng dư trong thương mại đạt 2,7 tỉ USD. Trong khi XK dầu thô không tăng, phần thặng dư đó có phần đóng góp lớn của hàng công nghiệp, chế biến chế tạo và nông lâm thủy sản. Đây là tín hiệu tốt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. “Hoạt động kinh tế và XK của VN trong năm 2018 sẽ tiếp tục tích cực hơn. Bởi hàng nông sản của VN đang có nhiều lợi thế. Các DN cũng đang hướng đến sản xuất lớn và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Những điều đó sẽ giúp ngành nông lâm thủy sản nói chung nâng cao hơn về sản lượng và chất lượng, thúc đẩy gia tăng các hoạt động thương mại trong và ngoài nước”, TS Ánh phân tích.
Năm của những kỷ lục kinh tế - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

 

Triển vọng có thật chứ không “tô vẽ”
 
 

 

10 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 4 lần
Năm 2017, kim ngạch XNK của VN cán mốc 400 tỉ USD, tăng gấp 4 lần so với mức 100 tỉ USD vào năm 2007 sau khi VN chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng với đó, cán cân thương mại cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu giai đoạn 2007 – 2015 VN hầu như rơi vào trạng thái nhập siêu (trừ năm 2012 – 2013) thì năm 2016 VN đã thặng dư thương mại khi xuất siêu 1,78 tỉ USD và cả năm nay là 2,7 tỉ USD.
 

Cho rằng triển vọng kinh tế của VN năm 2017 là “có thể sờ thấy được”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, những chỉ số tăng trưởng chứng tỏ nền kinh tế VN đang phát triển và khẳng định với giới đầu tư nước ngoài rằng VN là quốc gia có nhiều triển vọng có thật chứ không phải chỉ được “tô vẽ” bằng con số. Sự quay lại dồn dập của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tỉ USD phần nào nói lên điều đó. “Tuy nhiên, chúng ta không nên để niềm hân hoan kéo dài. Hãy nói chuyện mới hơn, triển vọng hay kỳ vọng từ kết quả này nên được đề cập đến nhiều hơn. Sự bùng nổ cần được gắn với sự thay đổi về đẳng cấp”, ông Thiên nêu quan điểm và cho rằng, tăng trưởng về lượng vậy là “khá yên tâm”, song nếu phát triển đúng tầm và tuổi của một nền kinh tế mở cửa như VN thì đây là thời điểm chúng ta khẳng định đẳng cấp của mình, khẳng định “chất” chứ không nên chạy theo số lượng nữa.

Ông Thiên nói: “Gia tăng trình độ lao động, giảm dần lao động giá rẻ là chiến lược phải nghĩ tới. Bởi trong tương lai, đầu tư FDI vào VN đòi hỏi cung cấp lao động có trình độ nhiều hơn là lao động phổ thông. Chúng ta nay có thể chọn lọc nhà đầu tư, cẩn trọng hơn với các dự án ảnh hưởng môi trường. Chúng ta lạc quan với kết quả thu hút đầu tư, nhưng không nên quên bài học trả giá bằng môi trường đã gặp phải trong mấy năm qua. Nên muốn có đầu tư FDI chất lượng cao, phải có cải cách thể chế để cạnh tranh, như việc xây dựng vùng đặc khu kinh tế là một trong những tư duy tiến bộ rất đáng ghi nhận. Điều này chúng ta đã ghi điểm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”.
Dẫn báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), GS-TS Nguyễn Mại cho rằng, XK hàng hóa của VN đã tăng lên 1 bậc và xếp vị trí thứ 26 trên thế giới. Trong khi đó, cách đây 10 năm, thời điểm VN gia nhập WTO, XK của VN xếp thứ 50. GS-TS Nguyễn Mại cũng dẫn lời của Thủ tướng phát biểu gần đây cho rằng, các chỉ số tăng trưởng khiến chúng ta phấn khởi thật, nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa khi thu nhập bình quân đầu người chưa tới 2.400 USD. “So với cuối năm 2016 thì cuối năm 2017 này tình hình sáng sủa hơn nhiều. Hai quý đầu năm 2017 tăng trưởng vẫn thấp, sang quý 3 bắt đầu tăng trưởng tốt và đến hôm nay có thể khẳng định, hành trang để chúng ta bước sang năm 2018 là khá sáng sủa”, GS-TS Nguyễn Mại nhận xét và dẫn chứng thêm đánh giá của Bloomberg về đồng tiền VN năm 2018 sẽ không có biến động, giúp cho việc hoạch định kinh tế tốt, Hãng Moody’s nhận xét đồng VN đang chuyển từ ổn định sang tích cực. “Như vậy, giả sử nếu phát hành trái phiếu ra nước ngoài trong năm tới, lãi suất sẽ thấp hơn”, ông Mại dự báo.
 


Nguyên Nga – Mai Phương