11/01/2025

Kinh tế Việt Nam 2017: chỉ tiêu và nỗi ưu tư nội lực

Theo báo cáo mới đây của Chính phủ tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, tất cả 13 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội của năm 2017 đều đạt và vượt. Mặc dù nhóm chỉ tiêu về kinh tế đã phản ánh được phần lớn bức tranh, một số chỉ số khác cũng cần được đánh giá để có được chính sách phù hợp, hướng đến phát triển bền vững, dựa vào nội lực là chính trong trung và dài hạn.

Kinh tế Việt Nam 2017: chỉ tiêu và nỗi ưu tư nội lực

 

 Theo báo cáo mới đây của Chính phủ tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, tất cả 13 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội của năm 2017 đều đạt và vượt. Mặc dù nhóm chỉ tiêu về kinh tế đã phản ánh được phần lớn bức tranh, một số chỉ số khác cũng cần được đánh giá để có được chính sách phù hợp, hướng đến phát triển bền vững, dựa vào nội lực là chính trong trung và dài hạn.

Mặc dù trong cả lý thuyết lẫn thực tiễn còn có những điểm chưa thống nhất, GDP vẫn được dùng là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển về kinh tế của một quốc gia hay khu vực.

Ngoạn mục GDP

Với mục tiêu đặt ra trong nghị quyết 23/2016/QH14 là GDP tăng 6,7% trong năm 2017, kết quả tăng trưởng chỉ đạt 5,15% của quý 1 đã tạo ra một thách thức rất lớn cho Chính phủ. Tuy nhiên, với những tích cực trong chính sách và điều hành, tăng trưởng của quý 2 và quý 3 đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt là quý 3 với mức tăng ngoạn mục 7,46%.

Tuy chưa có số liệu chính thức, quý cuối cùng của năm 2017 được dự báo khá khả quan, với mức tăng trưởng khoảng 7,5-7,7%, đưa tăng trưởng cả năm có thể vượt hơn chỉ tiêu 6,7% một chút (vì chỉ cần tăng trưởng quý 4 là 7,31% thì đạt được mục tiêu cả năm 6,7%). (Công bố của Tổng cục thống kê chiều 27-12, GDP tăng 6,81%)

 

Trong khi đó, theo đánh giá của Tổ chức OECD thì tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2017 là 6,3%, xếp hạng 6/10 trong các nước thành viên ASEAN và cao hơn mức trung bình của ASEAN là 5,1%. Nếu so với mức trung bình của giai đoạn 2011-2015 là 5,9% và năm 2016 là 6,2%, thì kết quả 6,3% là rất đáng khích lệ.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI của 11 tháng là 3,61% nên mục tiêu cả năm trong giới hạn 4% là có thể đạt được. Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), so với các nước ASEAN, tốc độ lạm phát năm 2017 của Việt Nam khá cao, chỉ sau Myanmar là 7%. Như vậy, nếu điều chỉnh lạm phát thì tốc độ tăng trưởng thực và lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng sẽ dao động quanh mức 3%.

Hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán là 3 điểm nổi bật khác của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017. Dự kiến, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2017 là 410 tỉ USD, gấp đôi năm 2011.

Nhãn là một trong số ít trái cây tươi vừa được chấp nhận tại thị trường Mỹ. Trong ảnh: thu hoạch nhãn Edor tại Châu Thành, Đồng Tháp. -Ảnh: Thành Nhơn
Nhãn là một trong số ít trái cây tươi vừa được chấp nhận tại thị trường Mỹ. Trong ảnh: thu hoạch nhãn Edor tại Châu Thành, Đồng Tháp. -Ảnh: Thành Nhơn

Tính đến hết tháng 11, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 3,17 tỉ USD. Riêng về xuất khẩu, các nhóm hàng chiếm ưu thế vẫn là điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép, nông nghiệp và thủy sản. Dự trữ ngoại hối năm 2017 dự kiến có thể đạt mức 48 tỉ USD (cập nhật đến ngày 28- 12 là 51, 5 tỉ USD), một phần do thặng dư thương mại, nhưng phần lớn là do đóng góp của cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp (FII) và kiều hối.

Cụ thể, các dự án FDI giải ngân khoảng 16 tỉ USD, lượng đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng 50%, chảy nhiều vào thị trường chứng khoán nên chỉ số VN-Index liên tục lập kỷ lục, cao nhất là 970,02 điểm vào ngày 4-12, và lượng kiều hối dự kiến chỉ riêng của TP.HCM ước đạt 5,2 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối dồi dào đã giúp cho biên độ dao động tỉ giá USD/VND được ổn định, xoay quanh 1-2%.

Cho dù đã được phục hồi theo chu kỳ, xu hướng tăng trưởng vẫn nằm dưới đường xu hướng dài hạn và có lẽ quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng hiện vẫn quá thấp để thực hiện nguyện vọng của Việt Nam muốn đạt tình trạng quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng trên vào năm 2035.

(Nguồn: Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Chuyên đề đặc biệt: Cải thiện hiệu suất và công bằng trong chi tiêu công – 2017, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)

Những ưu tư về nội lực

Cơ cấu ngành kinh tế hiện nay của Việt Nam khá hợp lý, với tỉ lệ từ cao xuống thấp là dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông lâm thủy sản. Tuy vậy, cấu thành chi tiết của các nhóm ngành này cần có sự điều chỉnh để tăng trưởng kinh tế không chỉ về lượng mà còn về chất.

Ưu tư thứ nhất là năng suất lao động. So với các nước lân cận, với số liệu mới nhất (2016) thì năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 7% của Singapore. Năng suất lao động thấp là bởi lao động có kỹ năng và qua đào tạo thấp.

Các ngành thâm dụng lao động giản đơn như gia công, lắp ráp, may mặc còn chiếm tỉ trọng lớn, trong khi các ngành đòi hỏi nhiều kỹ năng STEM, có giá trị gia tăng nhiều hơn thì chưa có sự phát triển xứng với tiềm năng.

Thứ hai là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm qua, lần đầu tiên khu vực này được nhìn nhận là động lực của sự phát triển đối với hệ thống chính trị.

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tư nhân vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, hiện có quá ít các tập đoàn tư nhân có thế mạnh về sản xuất hay công nghệ riêng làm đòn bẩy cho nền kinh tế (các tập đoàn tư nhân lớn đều ít nhiều có liên quan đến bất động sản).

Không những thế, trong xu hướng thoái vốn của các tập đoàn kinh tế nhà nước, phần sở hữu lại rơi vào hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế không thuộc sở hữu trong nước, cùng với việc hội nhập sâu rộng các hiệp định thương mại tự do thì khả năng bị động trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới là rất cao. Một ví dụ mới đây nhất là các nhà đầu tư Thái Lan đã là cổ đông lớn của một số doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Cuối cùng, tăng trưởng và phát triển kinh tế cần tính toán đủ và đúng các chi phí, nhất là chi phí môi trường. Khái niệm tăng trưởng xanh, phát triển bền vững không còn là mới nữa, vì vậy trong các chỉ tiêu đánh giá cần có thêm nhiều chỉ tiêu có liên quan đến môi trường.

Một nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức (dựa trên nền tảng kinh tế số hóa) sẽ là mô hình mà một quốc gia đang trên đà phát triển nhanh như Việt Nam cần hướng đến và xây dựng lộ trình cụ thể.■

Cho dù triển vọng trước mắt đã khả quan hơn, rủi ro trong trung hạn vẫn lớn. Nhìn theo hướng tích cực, nhu cầu trên toàn cầu tiếp tục khôi phục dẫn đến tăng trưởng tốt hơn ở các ngành chế tạo chế biến.

Qua đó tăng trưởng GDP có thể tăng cao hơn so với dự báo ban đầu. Nhìn theo hướng ngược lại, một thách thức lớn có thể phát sinh khi các yếu tố kết hợp như năng suất giảm xuống, tốc độ tăng lực lượng lao động và tăng trưởng đầu tư chững lại, có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam yếu đi.

(Nguồn: Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Chuyên đề đặc biệt: Cải thiện hiệu suất và công bằng trong chi tiêu công – 2017, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)

 

(*): ĐH Kinh tế TP.HCM, AVSE Global.

VÕ ĐÌNH TRÍ (*)