11/01/2025

Hướng tới phát triển bền vững

Kết quả kinh tế năm 2017 thể hiện bước nhảy vọt so với các năm trước và mục tiêu đề ra từ đầu năm. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng VN vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Hướng tới phát triển bền vững

Kết quả kinh tế năm 2017 thể hiện bước nhảy vọt so với các năm trước và mục tiêu đề ra từ đầu năm. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng VN vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong đó, một số tồn tại chưa giải quyết được. Đặc biệt có những thách thức mới trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới diễn biến sẽ còn phức tạp khó dự báo nên VN không thể chủ quan.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), phân tích: Kinh tế VN năm 2017 đã vượt cạn và khởi sắc, nhưng đó chỉ là bước đầu trong cả một quá trình dài. VN vẫn phải tập trung tái cơ cấu kinh tế, hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả. Cụ thể, thu hút vốn FDI năm nay có kết quả cao nhờ có những cải cách bên trong, tạo ra môi trường kinh doanh đầu tư tại VN tốt hơn. Sự kiện APEC cũng giúp VN thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia. Có những tập đoàn lớn liên tục mở rộng đầu tư tại VN.
Tuy nhiên những điều đó không phải lúc nào cũng có được. Vì vậy bước sang năm mới 2018, việc thu hút vốn FDI không chỉ tập trung về số lượng mà cần chú ý hơn về chất lượng. Đó là làm thế nào để thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm an toàn môi trường và mang tính lan tỏa mạnh hơn. Quan trọng nhất là vấn đề thực hiện, không phải tập trung ở Chính phủ hay các bộ mà các địa phương phải làm tốt hơn. Bản thân những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… cần phát huy những điểm mạnh để tiếp tục thu hút vốn FDI gia tăng. Từ xem xét cấp phép dự án đến việc quản lý, kiểm tra giám sát cần phải được nâng tầm cao hơn, nhất là về đội ngũ cán bộ thực hiện. Trong đó, không để xảy ra tiêu cực. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, VN cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tăng năng suất và chất lượng. Bản thân ngành nông nghiệp nói chung và các DN nói riêng nên chú ý phát triển nông sản chế biến vì đây là ngành mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng cao và có nhiều cơ hội mở rộng thị trường XK. Bên cạnh đó, các lĩnh vực truyền thống như dệt may, da giày, chế biến gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ cũng phải dịch chuyển từ gia công sang chế biến nhiều hơn, tận dụng khai thác nguồn nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ như du lịch, bán lẻ, tài chính… cũng có thể tạo ra được những kỳ tích mới nếu như được quản lý, tổ chức bài bản.
Hướng tới phát triển bền vững - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

 
“Muốn xuất khẩu tốt hơn thì quan trọng nhất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế tốt hơn. Đồng thời trình độ, kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ chuyên trách và ở các DN phải được nâng tầm, nhất là trong một số lĩnh vực đặc thù như du lịch. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,7% cũng là khả thi. Nhưng để đạt được và nền kinh tế phát triển bền vững thì chúng ta không được chủ quan, phải cố gắng nhiều hơn nữa”, TS Lưu Bích Hồ nhận định.
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng nhấn mạnh, việc chọn lọc nhà đầu tư giúp chúng ta có những quyết sách mạnh dạn hơn, những thay đổi trong quản lý kết nối quản lý từ trung ương về địa phương cũng cần xúc tiến mạnh mẽ hơn, tránh chính sách trên đã có, nhưng dưới không ai làm.

Nguyên Nga – Mai Phương