11/01/2025

Xếp hạng các trường đại học: vì sao Nhật bị văng ra ngoài?

Chính phủ Nhật bị cho là mâu thuẫn khi nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục nhưng lại không chi mạnh cho lĩnh vực này.

 

Xếp hạng các trường đại học: vì sao Nhật bị văng ra ngoài?

 

Chính phủ Nhật bị cho là mâu thuẫn khi nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục nhưng lại không chi mạnh cho lĩnh vực này.



Xếp hạng các trường đại học: vì sao Nhật bị văng ra ngoài? - Ảnh 1.

ĐH Tokyo là trường hiếm hoi của Nhật Bản vào danh sách 200 trường ĐH hàng đầu thế giới – Ảnh: REUTERs

Bảng xếp hạng 200 trường đại học (ĐH) hàng đầu thế giới năm 2018 của tạp chí Times Higer Education (THE) chỉ ghi nhận vỏn vẹn hai đại diện của Nhật Bản là ĐH Tokyo (xếp thứ 43) và ĐH Kyoto (74). 

Câu chuyện này không chỉ khiến người làm giáo dục ở Nhật đau đầu mà còn ngầm chứa mối lo cho nền kinh tế.

Khổ vì ngôn ngữ

Năm 2014, Nhật Bản có 5 trường vào top 200 của thế giới. Nhưng chỉ hai năm sau, ba đại diện là Viện Công nghệ Tokyo, ĐH Osaka và ĐH Tohoku đều vắng bóng.

 

 

Thậm chí “ngọn cờ đầu” của đại học Nhật Bản là ĐH Tokyo, từng nhiều năm đứng đầu châu Á, cũng rơi xuống vị trí thứ ba trong xếp hạng năm 2016 (sau ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Bắc Kinh của Trung Quốc) và giờ tụt hẳn xuống thứ sáu, xếp sau ĐH Thanh Hoa, ĐH Hong Kong và ĐH Khoa học công nghệ Hong Kong.

Tiêu chí xếp hạng của THE trên thang điểm 100 dựa trên chỉ số tổng hòa của năm tiêu chí gồm: dạy học (30%), nghiên cứu (30%), trích dẫn (30%), triển vọng quốc tế (7,5%) và lợi nhuận (2,5%). Các trường ĐH Nhật Bản đặc biệt thua kém những nơi khác ở khâu trích dẫn.

Khi xếp hạng chất lượng và danh tiếng, việc tên các trường ĐH xuất hiện trong những trích dẫn khoa học hoặc báo chí đóng vai trò quan trọng để đánh giá tầm ảnh hưởng và chất lượng của các nghiên cứu. Về mặt này, điểm số thấp chứng tỏ hiếm khi nhà nghiên cứu tại các ĐH Nhật Bản công bố luận văn, luận án được trích dẫn.

Điều đáng chú ý là điểm số tính trong mục trích dẫn này chỉ xét các văn bản viết bằng tiếng Anh, đo trên số lượng trích dẫn/giảng viên. Nhưng trong khi số lượng giảng viên ĐH Nhật Bản đóng góp bài luận ở lĩnh vực khoa học tự nhiên khá phổ biến, thì phần lớn ở lĩnh vực khoa học xã hội họ chỉ viết bằng tiếng Nhật rồi gửi tới các ấn bản học thuật quốc tế. 

Đây là điểm mấu chốt khiến mục trích dẫn của Nhật Bản kém hơn các ĐH ở Singapore và Trung Quốc.

Ngân sách giáo dục thấp

Trong đề xuất gửi Thủ tướng Shinzo Abe năm 2013, hội đồng chính phủ Nhật Bản phụ trách “hồi sinh” giáo dục nước này muốn ít nhất 10 trường ĐH Nhật Bản nằm top 100 thế giới trong vòng một thập kỷ. Mong muốn này đang có vẻ khó đạt được.

Có nhiều lý do khách quan dẫn tới sự sa sút của giáo dục ĐH Nhật Bản về mặt danh tiếng. Đơn cử khi xét tới ngân sách cho giáo dục dựa trên tổng sản phẩm quốc nội, Nhật Bản xếp chót trong 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). 

Chính phủ Nhật bị cho là mâu thuẫn khi không chi mạnh cho giáo dục nhưng lại nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, còn các nước láng giềng Đông Á thì lại đầu tư rất đáng kể, báo Japan Times viết ngày 24-12.

Nhưng bất kể báo chí Nhật có vẻ đổ lỗi cho ngôn ngữ, dường như họ cũng cảm nhận được rằng chính quan điểm cứng nhắc của người Nhật về ngôn ngữ – văn hóa đã làm hại sự phát triển của không chỉ giáo dục mà còn là kinh tế.

Hồi đầu tháng này, một hội thảo về lựa chọn nghề nghiệp cho du học sinh tốt nghiệp diễn ra ở SOAS University of London (London, Anh). Các đại biểu thống nhất rằng các chương trình nghiên cứu tại Nhật Bản rơi vào tình trạng không cung cấp đủ nhu cầu lựa chọn sự nghiệp cho du học sinh. 

Họ cho rằng các cơ quan học tập và nghiên cứu ở Nhật cần phải mở rộng lĩnh vực đào tạo cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu của công ty Nhật, bên cạnh nhấn mạnh việc bản thân sinh viên phải trang bị đầy đủ kiến thức khi muốn làm việc ở đất nước này.

Lâu nay, lao động nước ngoài và du học sinh tốt nghiệp ở Nhật nói riêng đều hiểu rằng tiếng Nhật luôn là ưu tiên khi đi xin việc tại đây. Điều này phản ánh thực tế các công ty Nhật chỉ chú trọng ngôn ngữ, trong khi ít quan tâm tới việc hướng nghiệp, tạo điều kiện cho người mới vào làm. 

Các ý kiến tại hội nghị ở SOAS nói rằng công ty Nhật nên thay đổi cách tiếp cận nếu muốn thu hút và quan trọng hơn là giữ chân du học sinh tốt nghiệp.

Ít sinh viên quốc tế

Nhật Bản đang muốn đa dạng hoá lực lượng lao động và đòi hỏi tay nghề cao, kiến thức rộng nhưng tỉ lệ sinh viên quốc tế của họ trong báo cáo của THE lại cực thấp.

ĐH Tokyo chỉ có 10% du học sinh so với 55% tại Imperial College London (Anh), 26% ở Harvard (Mỹ). Trong khi đó ĐH Khoa học công nghệ Hong Kong có tới 42% sinh viên nước ngoài, còn ĐH Bắc Kinh có 16%.

Về điểm trích dẫn, trong sáu ĐH hàng đầu châu Á, ĐH Quốc gia Singapore có điểm trích dẫn 81,3; ĐH Bắc Kinh 74,2; ĐH Thanh Hoa 71,4; ĐH Khoa học công nghệ Hong Kong 93,1; còn ĐH Tokyo chỉ 63,7.

Báo Japan Times nhận xét rằng điểm trích dẫn đã ảnh hưởng cực lớn tới xếp hạng chung cuộc khi ĐH Quốc gia Singapore có 82,8 điểm, còn ĐH Tokyo chỉ 72,2 điểm.

NHẬT ĐĂNG