28/11/2024

Cục diện Trung Đông thời Tổng thống Trump.

Gần một năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều chính sách tác động đáng kể đến Trung Đông – một trong những điểm nóng địa chính trị của thế giới.

  

Cục diện Trung Đông thời Tổng thống Trump.

Gần một năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều chính sách tác động đáng kể đến Trung Đông – một trong những điểm nóng địa chính trị của thế giới.





 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Jerusalem hồi tháng 5REUTERS.

 

Nhiều năm qua, Trung Đông là mối quan tâm và cũng là bài toán đòi hỏi Mỹ cân nhắc mọi chiến lược. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi tháng 1, công việc soạn thảo và thực thi chính sách của Mỹ tại khu vực này lại nằm trong tay con rể kiêm cố vấn 36 tuổi vốn không có nhiều kinh nghiệm trên chính trường. Trong khi đó, một loạt vị trí ngoại giao quan trọng của Mỹ tại Trung Đông lại bỏ trống, bao gồm các ghế đại sứ tại Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Ả Rập Xê Út. Theo CNN, chính quyền Tổng thống Trump đang bỏ qua lời khuyên của những nhà ngoại giao kỳ cựu về Trung Đông, dẫn đến nhiều chính sách gây bất ngờ.
Khủng hoảng vì Jerusalem
Khi đứng cạnh nhà lãnh đạo Mỹ tại Nhà Trắng hồi tháng 5, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng ông đặt hy vọng vào Tổng thống Trump. Thế nhưng 7 tháng sau, cũng chính ông Abbas lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ vì quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của các đồng minh thân cận trong thế giới Ả Rập như Jordan hay Ả Rập Xê Út. Ông Abbas lúc này nói rằng Mỹ đã chọn cách tự loại mình khỏi vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Israel – Palestine. Tuyên bố của Tổng thống Trump khơi ngòi cho những ngày cuồng nộ của người Hồi giáo. Các lãnh đạo Ả Rập cũng không thể khoanh tay đứng nhìn, phải triệu tập họp khẩn, thậm chí bàn tới những biện pháp trả đũa Mỹ.
Dù có rất nhiều đồng minh, nhưng chỉ một số ít nước nhỏ gật đầu với Mỹ trong phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ. Không chỉ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, nhiều chính trị gia Mỹ cũng không đồng tình với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Theo tờ The New York Times, 9 trong số 11 cựu đại sứ Mỹ tại Israel cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ không có ưu điểm nào, thay vào đó khiến nước này bị cô lập, đánh mất vai trò trong tiến trình hoà bình Trung Đông, đồng thời dẫn tới bạo lực ở khu vực. Kể từ sau tuyên bố của ông Trump, tình trạng bạo lực tại bờ Tây và Dải Gaza hầu như xảy ra mỗi ngày. Tính đến nay có 12 người Palestines thiệt mạng và hơn 3.700 người bị thương.
Nhường sân cho Nga
Trên bàn cờ Trung Đông, Mỹ dưới thời Tổng thống Trump được cho là đang cố gắng thiết lập liên minh với Israel và Ả Rập Xê Út để ngăn tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chính sách của Mỹ không những không hiệu quả mà còn khiến Iran trỗi dậy mạnh mẽ hơn, theo tờ Politico. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Nga và Iran ngày càng phát triển, kéo theo sự gia tăng ảnh hưởng của Moscow tại Trung Đông.
Tháng 9.2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai quân đội tới Syria hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố theo đề nghị của người đồng cấp Syria Bashar al-Assad. Đến đầu tháng 12, ông Putin tới thăm căn cứ quân sự Hmeimim, khẳng định lực lượng Nga đã “hoàn thành sứ mệnh” và bắt đầu rút quân. Theo các chuyên gia, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đẩy lùi, giờ đây vai trò của các nước sẽ tập trung vào dàn xếp hậu chiến với các kế hoạch tương lai tại khu vực. Trong cuộc chiến này, Nga đang dần bước lên vị trí lèo lái.
Nga cũng tiếp tục củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các thỏa thuận bán vũ khí và bắt tay chính trị. Theo CNN, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lúc này trở thành những nhân tố chính trong các cuộc đàm phán hoà bình về Syria. Nhận xét về cục diện tại Syria, ông Ilan Goldenberg, phụ trách vấn đề Trung Đông tại Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói: “Ông Putin đã thắng”.
Đồng minh mới
Người được coi là đồng minh thân thiết nhất của Tổng thống Trump thời gian qua là thái tử 32 tuổi của Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salman.
Theo CNN, ngoài những cải cách lớn trong nước, thái tử cũng đứng sau quyết định can thiệp quân sự vào Yemen, cấm vận Qatar, hay tuyên bố từ chức đột ngột của Thủ tướng Li Băng Saad al-Hariri và gần đây nhất là việc bắt giam tỉ phú Sabih al-Masri – nhà tài trợ lớn của chính phủ Jordan, đồng thời là nhà đầu tư chính tại Palestine. Những bước đi của thái tử trẻ cũng tạo ra làn sóng phản đối Ả Rập Xê Út khắp khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely hôm qua cho biết nước này đang liên lạc với ít nhất 10 nước, bao gồm một số nước châu Âu, để bàn về khả năng dời đại sứ quán tới Jerusalem. Theo AFP, bà Hotovely không nêu rõ tên nước nào, tuy nhiên các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Honduras, Philippines, Romania và Nam Sudan nằm trong số các quốc gia đang cân nhắc dời sứ quán.

 

Ngọc Mai