28/11/2024

ASEAN bất ổn vì tin giả

Trong năm 2017, tại nhiều nước ASEAN bùng phát các loại “tin vịt” gây bất ổn, thậm chí chia rẽ xã hội.

 

ASEAN bất ổn vì tin giả.

Trong năm 2017, tại nhiều nước ASEAN bùng phát các loại “tin vịt” gây bất ổn, thậm chí chia rẽ xã hội.




Cảnh sát Indonesia thông báo bắt giữ các nghi phạm thuộc nhóm Saracen (bị còng tay) /// Chụp màn hình Nikkei Asian Review

Cảnh sát Indonesia thông báo bắt giữ các nghi phạm thuộc nhóm Saracen (bị còng tay)CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIAN REVIEW.

Theo Đài CNBC, 2017 là năm bùng phát dữ dội tin tức sai sự thật và bịa đặt được tung lên mạng nhằm phục vụ mục đích chính trị hay mưu đồ khác, gieo rắc thù địch và gây bất ổn xã hội. Tiến sĩ Aim Sinpeng thuộc Đại học Sydney (Úc) nhận định: “Nhiều người hiện xem Facebook là nguồn thông tin chính hằng ngày. Trong khi đó, Facebook dùng thuật toán đề xuất thông tin theo thị hiếu người dùng và mạng lưới kết nối bạn bè của họ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thông tin bịa đặt sinh sôi nảy nở”.

Thời gian qua, Indonesia đã phải vất vả xử lý nhiều tin đồn thất thiệt có độ lan truyền cao. Đơn cử như “tin vịt” nói Trung Quốc âm mưu sử dụng “vũ khí sinh học” chống Indonesia. Thông tin này xuất phát từ vụ 4 công dân Trung Quốc bị bắt vì sử dụng hạt giống ớt nhiễm khuẩn tại một nông trại ở phía nam Jakarta.

Nghiêm trọng hơn là vụ hàng loạt bài viết sai sự thật được tung lên mạng nhằm vào cựu Thị trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama (còn gọi là Ahok) hồi đầu năm.
Ông Ahok, vốn là người gốc Hoa, bị đưa ra xét xử về cáo buộc có những phát biểu bôi nhọ người Hồi giáo. Giữa lúc cộng đồng Hồi giáo sôi sục biểu tình trên khắp nước, đã xuất hiện hàng loạt thông tin nói Ahok “là gián điệp phục vụ cho âm mưu xâm lược của Trung Quốc”. Đến tháng 5, cựu thị trưởng bị tuyên 2 năm tù giam về tội phỉ báng đạo Hồi và kích động bạo lực dù ông bác bỏ mọi cáo buộc. Một số nhà quan sát cho rằng những “tin vịt” nói trên đã góp phần tạo áp lực dư luận và có thể đã ảnh hưởng đến phán quyết của tòa.
Đến tháng 8.2017, cảnh sát Indonesia xác nhận tất cả bài viết bịa đặt xuất phát từ một nhóm chuyên sản xuất tin giả trên mạng mang tên Saracen. Với gần 1 triệu người theo dõi trên Facebook, nhóm này thu khoảng 7.500 USD (170 triệu đồng) cho mỗi bình luận/bài viết theo yêu cầu.
Cảnh sát Indonesia thông báo đã bắt giữ 3 nghi phạm là thành viên Saracen, đóng tài khoản Facebook và đang điều tra những người đặt hàng nhóm này bôi nhọ ông Ahok.
Ở Myanmar, người dân cũng hoang mang vì có quá nhiều thông tin trái chiều hoặc sai lệch về cuộc khủng hoảng liên quan đến cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine. Đến nay, tình trạng bạo lực kể từ tháng 8 tại đây đã khiến hàng trăm ngàn người Rohingya phải chạy sang Bangladesh tị nạn.
Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi khẳng định những thông tin cáo buộc quân đội “đàn áp, đốt nhà, sát hại người Rohingya” là tin giả mạo “phục vụ mưu đồ và lợi ích của các phần tử khủng bố”.
Ngược lại, theo tờ South China Morning Post, trên mạng xã hội cũng đầy rẫy tin đồn nói người Rohingya “tự đốt nhà và giết chết nhiều tín đồ Phật giáo”. Điều này làm cuộc khủng hoảng càng thêm phức tạp và khiến chia rẽ ngày càng trầm trọng.

Tình hình ở Philippines cũng tương tự khi nhà chức trách chưa thể “dẹp loạn thông tin” trên mạng xã hội liên quan đến cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Hiện chính phủ nhiều nước như Indonesia, Malaysia và Singapore đều phải tăng cường các quy định siết chặt kiểm soát tin giả.
Trong thông báo thành lập cơ quan chuyên trách chống “tin vịt”, Bộ trưởng An ninh Indonesia, ông Wiranto cho biết đây là động thái cần thiết nhằm đối phó sự nhiễu loạn thông tin mang tính “vu khống, giả mạo, gây hiểu lầm và lan truyền hận thù” từ không gian mạng.
“Tự do ngôn luận là một quyền trong nền dân chủ, nhưng người dân phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp”, AFP dẫn lời ông Wiranto nói.

 

Phúc Duy