Mỗi người Việt chi 1,3 triệu đồng tiền thuốc trong năm 2017
Trong năm 2017, trung bình mỗi người Việt chi 56 USD tiền thuốc. Con số này sẽ lên đến 85 USD vào năm 2020 và 163 USD 5 năm sau đó.
Mỗi người Việt chi 1,3 triệu đồng tiền thuốc trong năm 2017.
Trong năm 2017, trung bình mỗi người Việt chi 56 USD tiền thuốc. Con số này sẽ lên đến 85 USD vào năm 2020 và 163 USD 5 năm sau đó.
Năm 2017 doanh thu của thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính đạt 5,2 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước, theo báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 25-12.
Như vậy, mỗi người Việt Nam trong năm 2017 chi trung bình hơn 56 USD tiền thuốc, tương đương gần 1,3 triệu đồng.
Theo báo cáo này, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015l, với 37,97 USD.
Mức tăng trưởng trung bình về chi tiêu thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025.
Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.
Dược phẩm được đánh giá là một thị trường hết sức tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.
Năm 2018, bối cảnh ngành dược được Vietnam Report dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld và Nguyễn Kim.
Bên cạnh đó, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước.
Đánh giá về những khó khăn và thách thức trong ngành dược hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định “Quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện – kênh ETC” và vấn đề “Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài” đang là những rào cản lớn nhất.
Có khoảng 90% nguyên liệu dược phẩm ở Việt Nam phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ, khiến cho giá thành xuất khẩu thuốc Việt Nam cao hơn 20-15% so với hai quốc gia này.
Thiếu tiền và nhân lực chất lượng cao được cho là một nguyên nhân khiến cho hầu hết các công ty dược chỉ sản xuất thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, nên khả năng cạnh tranh kém.
Trong khi đó, theo ghi nhận từ các hiệu thuốc và dược sỹ, người Việt vẫn thích thuốc nhập hơn thuốc nội có dược chất tương đương.