27/01/2025

Khó tuyển lập trình viên

Nhiều công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất phần mềm tại VN than phiền về việc tuyển lập trình viên làm được việc quá khó, đến mức có doanh nghiệp quyết định thuê công ty nước ngoài gia công toàn bộ sản phẩm.

 

Khó tuyển lập trình viên.

Nhiều công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất phần mềm tại VN than phiền về việc tuyển lập trình viên làm được việc quá khó, đến mức có doanh nghiệp quyết định thuê công ty nước ngoài gia công toàn bộ sản phẩm.




Sinh viên khoa công nghệ máy tính một trường ĐH tại TP.HCM  /// Đào Ngọc Thạch

Sinh viên khoa công nghệ máy tính một trường ĐH tại TP.HCMĐÀO NGỌC THẠCH.

“Giành giật” nguồn nhân lực của nhau
Ông Khúc Trung Kiên, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phần mềm, hiện là Giám đốc chương trình Fast Track SE, Trường ĐH FPT, cho biết: “Để tuyển được một lập trình viên biết nghề, có thể làm được việc hiện nay là cực kỳ khó. Các công ty phần mềm VN đang phải giành giật nguồn nhân lực của nhau. Công ty phần mềm FPT mỗi năm mất khoảng 2.000 – 3.000 lập trình viên do các công ty khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, giành giật theo cách “bắn tỉa”. Có thể nói, việc đào tạo nhân lực phần mềm hiện nay đang yếu số lượng và chất lượng”.
Theo ông Kiên, ngành công nghiệp phần mềm cần lực lượng lao động rất lớn. Năm 2018, các doanh nghiệp thiếu tới 70.000 lập trình viên. Các công ty công nghệ và xuất khẩu phần mềm của VN như FPT, Vinagame, Viettel và hàng ngàn công ty nhỏ khác có quy mô từ 100 – 500 lập trình viên, mỗi năm tuyển từ hàng trăm đến hàng ngàn nhân viên.
Do việc tuyển lập trình viên và các vị trí trung, cao cấp (quản lý dự án, kiến trúc hệ thống) quá khó, nên gần đây một số doanh nghiệp tại TP.HCM đã thuê công ty gia công của Ấn Độ thực hiện các dự án phần mềm.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group VN, nhìn nhận: “Nhân lực trong lĩnh vực sản xuất phần mềm hiện nay “cầu” đang lớn hơn “cung”. Doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tìm được người đạt chất lượng theo yêu cầu. Ngoài ra, do quá cần người, các công ty sẵn sàng trả lương cao để thu hút ứng viên về doanh nghiệp mình, vô hình trung tạo ra “bong bóng IT” trên thị trường, dẫn đến việc trình độ của ứng viên chưa tương xứng với mức lương đề ra”.
Chính vì thế, các công ty có xu hướng lấy nguồn ứng viên từ ngay trong trường ĐH. Họ thu hút những ứng viên có tố chất và xây dựng chương trình đào tạo, phát triển và giữ chân những ứng viên này với doanh nghiệp. “Một số lập trình viên có chuyên môn giỏi, đồng thời có khả năng tiếng Anh tốt có cơ hội được tuyển dụng tại các công ty lớn ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng ứng viên đạt được chất lượng theo yêu cầu của các công ty này không nhiều. Trung bình, các công ty chỉ lấy 3 trong số 100 lập trình viên giỏi nhất hoặc những ứng viên đã có thành tích và giải thưởng lớn. Với những vị trí đó, nhà tuyển dụng sẵn sàng trả gấp đôi hoặc gấp ba mức lương so với những công ty khác”, bà Mai thông tin thêm.
Lập trình viên không biết… lập trình !
Lý giải về việc lập trình viên không biết lập trình, ông Khúc Trung Kiên cho rằng: “Các cơ sở đào tạo vẫn nặng tính hàn lâm, quá nhiều lý thuyết, trong khi thực hành không đủ hoặc gần như không có. Lập trình là môn học đòi hỏi kỹ năng thực hành, không thể trở thành lập trình viên nếu bạn không có hàng ngàn giờ miệt mài lập trình trên máy tính”. Hơn nữa, theo ông Kiên, những yêu cầu căn bản của tính chuyên nghiệp như cam kết với công việc, tính đúng giờ, tính đúng hạn, theo sát yêu cầu… hầu như chưa được đào tạo.
Trong khi đó, ông Lê Hải Bình, sáng lập Công ty cổ phần Mắt Bão, nhấn mạnh những kiến thức trường ĐH đào tạo quá dàn trải khiến sinh viên mới tốt nghiệp không biết làm việc. Ông Bình nhận định: “Để lập trình tốt, sinh viên phải thông thạo một hoặc vài ngôn ngữ lập trình, chứ không cần phải học tất cả để rồi cái gì cũng biết, nhưng rốt cuộc không chuyên sâu một cái gì”.
Theo ông Bình, người giỏi lập trình không nhất thiết phải tốt nghiệp trình độ ĐH, quan trọng là có tư duy logic và ngoại ngữ tốt thì chỉ cần một khóa học hoặc trung cấp, CĐ cũng có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Thạc sĩ Văn Chí Nam, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng cho rằng trên thực tế nhiều người tự học vẫn có thể lập trình được nhờ vào các ngôn ngữ lập trình hiện đại, đơn giản, dễ sử dụng. “Tuy nhiên trình độ ĐH sẽ cung cấp nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể giải quyết bài toán tốt hơn. Ở các cơ sở đào tạo có uy tín hiện nay, gần như 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm trước và ngay khi tốt nghiệp, chủ yếu là do nền tảng kiến thức và kỹ năng tốt”, ông Nam cho biết.


Mỹ Quyên