Giáo hoàng nói gì về Triều Tiên?
Trong dịp Giáng sinh, những thông điệp kêu gọi đối thoại và kềm chế lại hướng đến bán đảo Triều Tiên.
Giáo hoàng nói gì về Triều Tiên?
Trong dịp Giáng sinh, những thông điệp kêu gọi đối thoại và kềm chế lại hướng đến bán đảo Triều Tiên.
Trong bài phát biểu “urbi et orbi” (hướng đến thành phố và thế giới) từ Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày hôm nay 25-12, Giáo hoàng Francis cho biết Ngài cầu nguyện “cho bán đảo Triều Tiên vượt qua được những đối địch và sự tin cậy lẫn nhau có thể được phát triển vì lợi ích của toàn thế giới”.
Trước đó, vào hôm 29-4, Giáo hoàng Francis từng gây bất ngờ khi kêu gọi các bên đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trên máy bay trở về Vatican sau chuyến thăm Ai Cập hai ngày, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh tầm quan trọng của “đàm phán nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao” về tình hình Triều Tiên.
“Thế giới có rất nhiều quốc gia đóng vai trò hòa giải. Chẳng hạn Na Uy sẵn sàng hỗ trợ”, Giáo hoàng Francis nêu giải pháp, đồng thời lưu ý tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng.
Giáo hoàng Francis đưa ra tuyên bố trên sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo vào ngày 29-4, một động thái được cho là nhằm phản đối Mỹ nỗ lực đẩy mạnh biện pháp trừng phạt quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Còn nhớ vào ngày 14-8-2014, Bình Nhưỡng từng bắn 3 quả tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía đông, chỉ vài phút trước khi phi cơ chở Giáo hoàng Francis hạ cánh xuống Hàn Quốc, mang theo thông điệp hoà bình tới bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin AFP, vụ bắn thử còn xảy ra ngay trước khi Giáo hoàng Francis tới Hàn Quốc, bắt đầu chuyến thăm dài 5 ngày. Giáo hoàng dự kiến phát đi một thông điệp hoà bình tới Bình Nhưỡng khi ông thực hiện cuộc “hoà giải” liên Triều đặc biệt ở Seoul vào ngày cuối cùng của chuyến thăm.
Cũng trong ngày hôm nay 25-12, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các nước có những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm giảm căng thẳng sau khi Triều Tiên phản ứng mạnh trước các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc, xem đó là “hành động chiến tranh”.
Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng nghị quyết của HĐBA tăng cường thích đáng các biện pháp trừng phạt, nhưng không ảnh hưởng tới người dân cũng như các trao đổi và hợp tác kinh tế bình thường và trợ giúp nhân đạo.
Bà Hoa Xuân Oánh cũng nhấn mạnh trong tình hình hiện nay Trung Quốc kêu gọi sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề và tất cả các bên cần có các bước đi giảm căng thẳng.
Cùng ngày, hãng tin Reuters cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Mỹ và Triều Tiên bắt đầu đàm phán và Nga sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đàm phán này.
Nga từ lâu vẫn kêu gọi Washinton và Bình Nhưỡng đàm phán nhằm giảm căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hôm 22-12, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên liên quan đến vụ thử tên lửa liên lục địa mới đây của nước này, nhằm hạn chế Bình Nhưỡng tiếp cận các sản phẩm lọc dầu cũng như dầu thô và nguồn thu nhập từ người lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Nghị quyết do Mỹ soạn thảo cắt giảm nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên xuống còn 4 triệu thùng/năm và cảnh báo sẽ cắt giảm thêm nữa nếu nước này tiến hành một vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa nữa.