Châu Âu bực dọc ‘chính quyền Brussels’
2017 là một năm có rất nhiều sự kiện đáng nhớ đối với châu Âu, nhưng với 500 triệu dân trong khối thì đây là năm bộc lộ nhiều bất đồng.
Châu Âu bực dọc ‘chính quyền Brussels’.
2017 là một năm có rất nhiều sự kiện đáng nhớ đối với châu Âu, nhưng với 500 triệu dân trong khối thì đây là năm bộc lộ nhiều bất đồng.
Tuy Brexit và những vấn đề phức tạp thời kỳ “hậu Brexit” khiến các phong trào đòi ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) tạm lắng xuống nhưng sự bất đồng giữa các nước trong khối và giữa các nước với cái người ta gọi là “Chính quyền Brussels” ngày càng sâu thêm. Không phải ngẫu nhiên mà trong phiên họp thượng đỉnh cuối năm, trong 2 ngày 14 và 15-12 tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Đức Angela Merkel phải cảnh báo rằng EU cần có “sự đoàn kết nội bộ”.
Từ sự kiện Ba Lan
Sự kiện mới nhất phản ánh nguy cơ chia rẽ là việc Brussels tuyên bố sẽ kích hoạt điều 7 trong Hiệp ước Lisbon để trừng phạt Ba Lan, bị xem là không tôn trọng các điều luật chung của khối về tư pháp khi chính phủ của Thủ tướng Mateusz Morawiecki và đảng cầm quyền “luật và công lý” tiến hành một cuộc cải cách toàn diện hệ thống tư pháp.
Nếu Brussels vận dụng điều 7.1 thì Ba Lan sẽ bị tước quyền bầu cử trong khối, một quyết định mà phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans nói là “rất đau lòng”. Tuy nhiên theo điều 7.2 thì một quốc gia thành viên chỉ có thể bị tước quyền bầu cử khi biện pháp này được sự đồng thuận của tất cả các thành viên và Hungary đã ngay lập tức tuyên bố sẽ ủng hộ Ba Lan. Phó thủ tướng Hungary Zsolt Semijen đã gọi quyết định của Brussels là “xâm phạm chủ quyền của Ba Lan”.
Và tuy các nước khác không lên tiếng nhưng mọi người đều hiểu rằng khó có được sự nhất trí của cả khối vì đây không phải là lần đầu tiên mà Brussels bị kêu ca là can thiệp quá sâu vào chuyện nội bộ của các nước.
Đến đưa nhau ra tòa
Một vấn đề quan trọng mà EU phải giải quyết để tránh tình trạng chia rẽ trong khối là người tị nạn. Tháng 9-2015, Brussels đưa ra quyết định áp dụng hạn ngạch tạm thời để phân bổ 120.000 người tị nạn đến các nước hầu giảm áp lực cho Hi Lạp và Ý. Khi bỏ phiếu thì phần lớn các nước đã ủng hộ việc giúp hai nước này tái bố trí người tị nạn, nhưng cho tới nay EU mới phân bổ được 32.000 người. Các nước như Thụy Điển, Đan Mạch tuy nhận vào số người cao hơn hạn ngạch nhưng vẫn phản đối sự phân bổ vì muốn thực hiện theo khả năng thực tế.
Hungary, Ba Lan và Slovakia thì phản đối mạnh mẽ và thẳng thừng từ chối nhận người. Slovakia sau đó đã nhận một số nhỏ. Những nước này còn khiếu nại lên Toà án Tư pháp châu Âu là sự phân phối hạn ngạch là bất hợp pháp.
Ngày 7-12 vừa qua, Uỷ ban châu Âu đã đưa Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary ra Toà án Tư pháp châu Âu nhưng Hungary, CH Czech, Slovakia và Ba Lan vẫn khẳng định quan điểm của họ là chính phủ các nước sẽ phải quyết định chính sách nhập cư của mình. Lãnh đạo bốn quốc gia này cũng đã gặp Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni và cam kết tài trợ cho dự án bảo vệ biên giới bên ngoài của EU với Địa Trung Hải nhằm ngăn những người tị nạn và những người di cư vì lý do kinh tế từ châu Phi đến châu Âu. Một số nước khác, như Đan Mạch thì chủ trương hỗ trợ các nước nghèo tại châu Phi phát triển, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân hầu giữ chân họ.
Do vậy, hội nghị thượng đỉnh tại Brussels cách đây 10 ngày đã nhất trí là tới tháng 6-2018 thì các nước sẽ họp lại và nhất trí về việc cải cách toàn bộ luật tị nạn của EU. Tuy các nước có thời hạn 6 tháng để chuẩn bị nhưng tính khả thi của đạo luật mới này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Việc Brussels bị cáo buộc là đưa ra một số quyết định mang tính áp đặt, không tôn trọng chủ quyền các nước thành viên, cũng là một trong những nguyên nhân đưa tới sự phát triển nhanh chóng của khuynh hướng quốc gia cực đoan, bài EU tại nhiều nước trong khối, như tại Hà Lan, Pháp, Áo, Hi Lạp…
Hiện hãy còn khá sớm để nói về những thay đổi trong khối hầu cho EU có thể tiếp tục phát triển trong thời gian tới nhưng người dân trong khối có quyền hi vọng là việc cải cách bộ luật tị nạn của EU trong năm 2018 sẽ là một bước khởi đầu lạc quan.
Mong là như vậy!
Nếu như trong năm 2015 đã có hơn 1 triệu người tị nạn đến châu Âu thì cả năm 2017, theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), con số này giảm xuống còn 140.000, nhờ EU đã áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới ngoại vi và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người nhập cư vẫn có nguy cơ lại bùng lên nếu biên giới bên ngoài của EU lại sụp đổ và cho tới nay EU vẫn chưa có được biện pháp hữu hiệu để ngăn người đến châu Âu qua ngả Libya – Địa Trung Hải vì Libya không có được chính phủ vững mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ.