28/11/2024

Châu Á lo ngại vì chính sách thuế mới của Mỹ

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo thuế doanh nghiệp thấp không còn là lợi thế thu hút đầu tư trong khu vực.

 

Châu Á lo ngại vì chính sách thuế mới của Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo thuế doanh nghiệp thấp không còn là lợi thế thu hút đầu tư trong khu vực.




Tập đoàn Broadcom đã quyết định chuyển trụ sở từ Singapore về Mỹ để đón đầu chính sách thuế mới  /// Reuters

Tập đoàn Broadcom đã quyết định chuyển trụ sở từ Singapore về Mỹ để đón đầu chính sách thuế mớiREUTERS.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22.12 chính thức ký thông qua luật cải cách thuế với nội dung đáng chú ý nhất là giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống chỉ còn 21%. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh chính sách này sẽ tạo nhiều việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài đến Mỹ. “Rất nhiều điều sắp xảy ra ở Mỹ. Chúng ta sắp đưa các công ty trở lại. Họ đã bắt đầu trở lại rồi”, lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới phát biểu.
Trước chính sách thuế mới của Mỹ, nhiều nền kinh tế châu Á đang gấp rút điều chỉnh các chính sách nhằm đối phó với làn sóng công ty Mỹ rút về nước và xu hướng các công ty trong nước muốn đầu tư vào Mỹ. Một minh chứng cho phát biểu của Tổng thống Trump là Broadcom, tập đoàn bán dẫn lớn thứ 5 thế giới đã quyết định dời trụ sở chính từ Singapore về Mỹ. Theo tờ Nikkei Asian Review, Tổng giám đốc Broadcom Hock Tan là một trong những người tiên phong đón đầu chính sách này khi quyết định dời trụ sở từ tháng 11, lúc các nghị sĩ Mỹ vẫn đang thảo luận về mức giảm thuế. “Chính sách cải cách thuế sẽ tạo sân chơi cân bằng trên toàn cầu và cho phép chúng tôi cạnh tranh hiệu quả trên thị trường thế giới. Quyết định chuyển về Mỹ sẽ mang lại 20 tỉ USD (454.245 tỉ đồng) doanh thu hằng năm cho đất nước này”, ông Tan phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng.
Châu Á giảm lợi thế
Singapore và Hồng Kông trước nay luôn thu hút nhiều tập đoàn toàn cầu đầu tư. Với những nền kinh tế có quỹ đất giới hạn thì chính sách thuế ưu đãi là điều không thể thiếu để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tại Singapore, Tập đoàn Broadcom lâu nay vẫn hưởng thuế doanh nghiệp 17%, chưa đến phân nửa thuế suất nếu đặt trụ sở tại Mỹ trước đây. Tuy nhiên, với việc Mỹ giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 21% thì ranh giới này trở nên mong manh. Tương tự, thuế doanh nghiệp 16,5% của Hồng Kông cũng bị giảm lợi thế.
Ngay cả các công ty ở châu Á cũng rất quan tâm đến chính sách thuế mới của Mỹ. Công ty trang thiết bị quốc phòng Singapore Technologies Engineering rất ủng hộ và cho rằng chính sách này sẽ đem lại lợi nhuận cho chi nhánh của công ty ở Mỹ, vốn đóng góp khoảng 23% doanh thu. Bà Lina Poe, Trưởng bộ phận truyền thông và đầu tư, cho biết công ty sẽ đánh giá cơ hội tăng vốn đầu tư vào Mỹ trong thời gian tới.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng đang bị cuốn vào “trò chơi thuế” của ông chủ Nhà Trắng. Theo tờ The New York Times, nhờ lợi thế về đội ngũ lao động, cơ sở hạ tầng và một số ưu đãi, Trung Quốc đánh thuế doanh nghiệp 25%, chưa kể bảo hiểm xã hội cho người lao động và các khoản khác. Tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu cam kết sẽ “có biện pháp chủ động” nhằm đối phó với việc Mỹ cải cách thuế. “Tác động bên ngoài từ việc thay đổi chính sách thuế của nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thể xem thường”, ông Chu nhận định.
Thêm ưu đãi đầu tư
Trước chính sách cải cách thuế lớn nhất 30 năm qua của Mỹ, việc các nền kinh tế châu Á phải đối phó thế nào đang trở thành vấn đề nóng hổi trong khu vực. Chuyên gia Andrew Choy tại Công ty kiểm toán Ernst & Young ở Trung Quốc cho rằng dù ông Chu không tiết lộ chi tiết các biện pháp đối phó của Trung Quốc nhưng nhiều khả năng nước này sẽ cải cách các quy định liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể hoãn một số khoản thuế nào đó nếu doanh nghiệp nước ngoài cam kết tái đầu tư, ông Choy nhận định. Trong khi đó, ông Junichi Fujii, Giám đốc cấp cao về dịch vụ thuế tại Công ty PricewaterhouseCoopers nhận định Malaysia và Indonesia vốn có thuế doanh nghiệp cao hơn mức 21% của Mỹ cũng sẽ buộc phải có các biện pháp đối phó.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài lợi thế thấp trước đây thì các nước châu Á còn có nhiều chính sách miễn giảm và ưu đãi về thuế. Ngoài thuế ra thì còn nhiều yếu tố như môi trường đầu tư thân thiện, quy định về đầu tư, hạ tầng, nhân lực và nhiều yếu tố khác. Đồng quan điểm này, bà Praveen Randhawa thuộc Hội đồng phát triển kinh tế Singapore nhận định rằng phải chờ thêm thời gian nữa mới có thể xác định chính xác tác động của chính sách ở Mỹ đối với các công ty ở Singapore cũng như châu Á và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định rằng đã đến lúc các nền kinh tế châu Á cần nhìn lại toàn bộ khả năng cạnh tranh của mình.

Áp lực cắt giảm thuế toàn cầu
Tờ The New York Times ngày 23.12 nhận định việc giảm thuế doanh nghiệp của Mỹ có thể tạo ra làn sóng giảm thuế doanh nghiệp trên toàn cầu. Các nước như Úc, Pháp, Đức, Nhật có thuế doanh nghiệp cao hơn 30% sẽ chịu áp lực cắt giảm thuế. Ông Andrew Mackenzie, Tổng giám đốc Tập đoàn khai khoáng B.H.P Billiton có trụ sở ở Úc cho rằng Tổng thống Trump đã tạo động lực “khổng lồ” cho chính phủ các nước phải theo nếu muốn thu hút đầu tư. Lo ngại trước tác động của chính sách thuế ở Mỹ, lãnh đạo nhiều nền kinh tế châu Âu dự định sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

 

Khánh An