ASEAN với chuyện ‘thẻ vàng EU’
Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trong ASEAN đã nhận ‘thẻ vàng’, thậm chí ‘thẻ đỏ’ từ Liên minh châu Âu (EU) do đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU).
ASEAN với chuyện ‘thẻ vàng EU’.
Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trong ASEAN đã nhận ‘thẻ vàng’, thậm chí ‘thẻ đỏ’ từ Liên minh châu Âu (EU) do đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU).
EU lập luận rằng hoạt động đánh bắt cá IUU là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Hình phạt nghiêm khắc
Quy định về IUU được EU ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực năm 2010, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức này.
Theo quy định này, các quốc gia đánh bắt cá IUU sẽ bị phạt thẻ vàng cảnh cáo. EU sẽ xem xét án phạt này vào 6 tháng sau. Trong trường hợp các quốc gia nhận thẻ vàng mà không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu thủy sản vào EU, thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Tháng 10-2017, Việt Nam bị EU phạt vào thẻ vàng với lý do “hành động không đủ để chống lại đánh bắt bất hợp pháp”. Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là tháng 11-2017, Quốc hội thông qua Luật thuỷ sản sửa đổi (có hiệu lực từ 1-1-2019), quy định khung hình phạt đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân vi phạm, 2 tỉ đồng đối với tổ chức.
Theo một báo cáo của EU về các nước ASEAN đánh bắt IUU cập nhật tháng 12-2016, Campuchia đã nhận “thẻ đỏ” từ EU từ tháng 3-2014, Philippines nhận thẻ vàng vào tháng 6-2014 nhưng được xóa thẻ vàng 10 tháng sau đó sau khi tuân thủ các quy định đánh bắt thủy sản của luật pháp quốc tế.
Cũng do đánh bắt cá trái phép tràn lan, Thái Lan nhận thẻ vàng từ EU vào tháng 4-2015. Kể từ đó, nước này đã lắp đặt một hệ thống theo dõi tự động trên các tàu lớn, cải thiện hệ thống luật pháp về thủy sản. Sau chuyến thăm Thái Lan tháng 11-2016, các thành viên của Ủy ban Thủy sản của EU đã hoan nghênh những biện pháp của Thái Lan, khẳng định đây là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên theo cơ quan này, các biện pháp khắc phục của Thái Lan vẫn còn yếu nên chưa được xóa thẻ vàng.
“Nhận được thẻ xanh là một điều tuyệt vời nhưng cũng đừng xem thẻ vàng là một sự trừng phạt của EU. Hãy xem thẻ vàng là động lực giúp Việt Nam hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn so với các nước trong khu vực
Đại sứ Bruno Angelet
Việt Nam quyết tâm ngăn IUU
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-12 tại Hà Nội, Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết ông đã làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về vấn đề thẻ vàng.
“Những gì chúng tôi đã nhìn thấy cho đến nay chính là những dấu hiệu tích cực về cam kết chính trị thông qua các kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật thủy sản sửa đổi. Chúng tôi cần thời gian để đánh giá độ hiệu quả của các biện pháp Việt Nam đang thực hiện. Việc Việt Nam có thể quyết tâm chính trị là điều rất tốt nhưng còn phải đợi xem kết quả” – ông nói.
Đại sứ Bruno giải thích rằng theo quy trình, tháng 4-2018, 6 tháng sau khi EU phạt thẻ vàng Việt Nam, Uỷ ban Thuỷ sản của EU sẽ xem xét đánh giá các giải pháp ngăn IUU của Việt Nam. Nếu những giải pháp này được đánh giá tốt, Việt Nam sẽ tiến gần đến thẻ xanh. Còn nếu Việt Nam không có sự cải thiện nào hoặc thậm chí thụt lùi, nhiều khả năng sẽ nhận thẻ đỏ.
Tuy nhiên, đại sứ EU tại Việt Nam không cho rằng Việt Nam có thể giải quyết tất cả vấn đề về IUU trong 6 tháng. “Vấn đề này (IUU) rất phức tạp. Chúng tôi cùng Việt Nam giải quyết vấn đề này trong 5 năm trước khi Việt Nam bị cảnh cáo thẻ vàng cho nên 6 tháng là hầu như không thể” – đại sứ Bruno nói.
Ngày 22-12, Financial Times dẫn thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết Việt Nam là một trong những nền công nghiệp hải sản lớn của thế giới cùng với Mỹ, Trung Quốc và Na Uy. Việt Nam dự kiến xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản trị giá 8,3 tỉ USD khắp thế giới trong năm 2017. Riêng thị trường EU, theo Vasep, chiếm tới 1/5 xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.