28/11/2024

Cây dứa Quảng Trị gặp khó

Lần đầu tiên đưa vào trồng đại trà cây dứa tại địa phương với quy mô lớn và dự kiến phát triển lên mốc 1.000 ha, nhưng nông dân Quảng Trị và doanh nghiệp đang phải vất vả chống chọi dịch bệnh lan rộng…

 

Cây dứa Quảng Trị gặp khó.

Lần đầu tiên đưa vào trồng đại trà cây dứa tại địa phương với quy mô lớn và dự kiến phát triển lên mốc 1.000 ha, nhưng nông dân Quảng Trị và doanh nghiệp đang phải vất vả chống chọi dịch bệnh lan rộng…





Cơ quan chức năng phun thuốc dập dịch thối nõn trên cây dứa

Sản phẩm liên kết 4 nhà

Lâu nay, cây dứa ở Quảng Trị chủ yếu được trồng xen canh với các loại cây trồng khác theo lối canh tác tự nhiên, không bón phân và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất thấp. Để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Quảng Trị đã ký kết hợp tác với Học viện Nông nghiệp VN và Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình, gọi tắt Công ty Đồng Giao). Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ lập vùng nguyên liệu dứa hơn 1.000 ha.
Với tiềm năng về đất đai, khí hậu thuận lợi cùng sự liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ dứa, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị kỳ vọng đây chính là hướng mở của địa phương trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính vì thế, trong năm 2017, toàn tỉnh Quảng Trị trồng mới tới 108 ha dứa tập trung (trong đó tại H.Đakrông 5 ha, H.Cam Lộ 80 ha, H.Vĩnh Linh 13 ha, H.Gio Linh 4 ha…). “Đây là lần đầu tiên Quảng Trị đưa một loại cây mới vào trồng đại trà với liên kết 4 nhà, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chúng tôi cũng đã thành lập được tới 24 tổ hợp tác trồng dứa và kỳ vọng Quảng Trị sẽ trở thành vùng nguyên liệu dứa cũng như kéo Công ty Đồng Giao vào xây dựng nhà máy chế biến nông sản”, bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị), nói.
Theo bà Phương, nông dân tham gia trồng dứa theo mô hình này sẽ được hỗ trợ rất nhiều mặt. Cụ thể, Công ty Đồng Giao sẽ cho người dân ứng trước tiền giống dứa Queen (600 đồng/chồi, mỗi héc ta trồng 300.000 chồi) và tiền phân bón (7,5 triệu đồng/tấn, mỗi héc ta cần 2,5 tấn phân). Trung bình mỗi héc ta, Công ty Đồng Giao đầu tư cho người dân trồng dứa khoảng 55 triệu đồng và dự kiến sẽ thu lại vào mùa thu hoạch. Doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ đầu ra với giá dứa loại 1 là 4.000 đồng/kg, loại 2 là 2.800 đồng/kg. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng hỗ trợ người trồng dứa một khoản tiền nhất định (tùy từng địa phương, dao động từ 10 – 20 triệu đồng/ha) để vận chuyển giống, san ủi mặt bằng, căng bạt trồng dứa… Người dân trồng dứa chủ yếu chỉ… tốn công sức, không phải tốn nhiều tiền.

Cây dứa Quảng Trị gặp khó - ảnh 2

Dứa bị thối nõn phải nhổ bỏ

Dốc sức dập dịch
Dù đã có sự kết hợp 4 nhà được cho là khá bền vững nhưng “đại dự án” trồng dứa ở tỉnh Quảng Trị với biết bao kỳ vọng đang bị thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn.
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, dứa trồng tại hầu hết các địa phương bị vàng, úng và chết. Ngành nông nghiệp đã vào cuộc kiểm tra, phát hiện bệnh thối nõn ở cây dứa, bước đầu ghi nhận hơn 13 ha dứa bị bệnh và con số này vẫn chưa dừng lại. Ông Hồ Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hải Phúc (H.Đakrông), địa bàn có diện tích dứa bị bệnh nặng nhất, cho hay hơn 50% trong số 5 ha dứa trồng tại đây nhiễm bệnh và chết dần, khiến người trồng dứa rất lo lắng.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, bệnh “thối nõn” phát sinh do mưa lớn và kéo dài quá lâu tại Quảng Trị thời gian qua, làm độ ẩm cao; phần nữa đây là lần đầu tiên trồng dứa đại trà nên không tránh khỏi thiếu sót. Sau khi nhận thông tin dịch bệnh, ngày 16.12 ngành nông nghiệp đã tổ chức họp khẩn bàn phương án giải quyết và ngày 18.12 đã chuyển thuốc đặc trị về các địa phương. “Từ 18.12, toàn bộ cán bộ nhân viên của chi cục cũng như các trạm bảo vệ thực vật của các huyện đều đã được điều động về cùng nhân dân dập dịch trên dứa”. Đối với các cây dứa bị bệnh, chúng tôi sẽ nhổ bỏ, thu gom, chôn rồi tiêu độc kép. Còn với diện tích chưa bị bệnh sẽ cho phun phòng thuốc đặc trị với liều lượng 2 kg/ha”, bà Phương cho hay. 
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Trị, để xây dựng một mô mình thành công thì phải chấp nhận “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. “Vụ dứa này phải đến tháng 4.2018 mới thu hoạch, chúng tôi còn gần 5 tháng nữa để xoay chuyển tình thế, lấy lại niềm tin cho người trồng dứa, để họ quyết tâm đi tiếp hướng sản xuất nông nghiệp có tính bền vững này”, bà Phương quả quyết.
Bàn cách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết bên cạnh việc nhổ bỏ dứa bệnh để dập dịch, cần nghiên cứu phương án “hỗ trợ” người dân có dứa bị tiêu hủy. “Sở NN-PTNT sẽ làm việc với Công ty Đồng Giao để tìm ra một chính sách hợp lý cho người trồng dứa giữa lúc sự cố không mong muốn này xảy ra”, ông Hưng nói.

Nguyễn Phúc