12/01/2025

Tư vấn tâm lý học đường bị lãng quên

Không được thấu hiểu, tư vấn phù hợp, nhiều học sinh đã chọn cách hủy hoại bản thân khi buồn bực vì học kém, quan hệ không tốt với gia đình…

 

Tư vấn tâm lý học đường bị lãng quên

.

Không được thấu hiểu, tư vấn phù hợp, nhiều học sinh đã chọn cách hủy hoại bản thân khi buồn bực vì học kém, quan hệ không tốt với gia đình…


Tư vấn tâm lý học đường bị lãng quên - Ảnh 1.

Thạc sĩ Phạm Thị Bích Phượng – Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) – phát biểu tại hội thảo – Ảnh: M.GIẢNG

Phải có quy định về bằng cấp chuyên môn, trình độ đối với chuyên viên tham vấn học đường bởi hiện nay số lượng giáo viên tham vấn kiêm nhiệm khá nhiều. Sau đó, thành lập mạng lưới tham vấn học đường để hỗ trợ lẫn nhau

Bà NGUYỄN THỊ KIM NGÂN (Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM) 

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại hội thảo “Phát triển mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 19-12.

Tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra những vấn đề tâm lý học sinh gặp phải hiện khá đa dạng. Từ chuyện tình cảm, giới tính, mối quan hệ với thầy cô, gia đình, chuyện học tập, bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản, hướng nghiệp… 

Thế nhưng, công tác tham vấn học đường chưa được chú trọng đúng mức, thiếu người chuyên trách, giáo viên kiêm nhiệm… dẫn đến chưa hiệu quả.

Giật mình với những con số

 

 

Khảo sát từ phòng tham vấn tâm lý Trường dân lập Việt Anh cho thấy số học sinh đến tham vấn tăng theo từng năm học. Trong đó, năm 2015-2016 có 225 lượt, 2016-2017 có 312 lượt và học kỳ 1 năm học này đã có 159 lượt học sinh tham vấn các vấn đề tâm lý. 

Kết quả khảo sát tại trường này cũng cho thấy có 20,8% (khối THCS) và 22,2% (khối THPT) học sinh có nguy cơ cao về tâm lý như rối loạn hành vi, tự tử, trầm cảm… Những trường hợp này được can thiệp kịp thời để tránh nguy cơ đáng tiếc.

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Văn Hồng, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết kết quả khảo sát học sinh THCS của tỉnh cho thấy 19,2% học sinh có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần; 13,2% có dấu hiệu trầm cảm, 13% có dấu hiệu rối loạn lo âu, rối loạn ứng xử.

Thạc sĩ Phạm Thị Bích Phượng – Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) – cho biết hằng năm có trên 400 lượt học sinh đến phòng tâm lý của trường để được tham vấn và can thiệp. 

Theo bà Phượng, nhiều học sinh bị trầm cảm, thậm chí mắc chứng tâm thần phân liệt. Các vấn đề học sinh gặp phải đa số do mối quan hệ gia đình gây ra. Cha mẹ ít dành thời gian cho con, ba mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc tác động rất lớn đến tâm lý các em.

Đáng chú ý là kết quả khảo sát hơn 1.000 học sinh THCS nội thành TP.HCM của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy có 84,3% học sinh có dấu hiệu hủy hoại bản thân. Trong đó, 44,6% học sinh cảm thấy mệt mỏi chán nản và 41,1% học sinh có suy nghĩ bi quan về cuộc sống. 

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi này. Trong đó nhiều nhất là việc xem hủy hoại bản thân là cách để quên đi đau buồn vì thất bại trong việc học và cuộc sống, mối quan hệ không tốt với người trong gia đình… 

Bứt tóc, tự đánh vào mình, đập đầu, lên kế hoạch tự tử, thậm chí đã tự tử nhưng không thành… là những hành vi hủy hoại bản thân mà học sinh thực hiện.

Chú trọng giải pháp ngăn ngừa

Với tình trạng học sinh gặp vấn đề tâm lý ngày càng tăng, năm 2012 Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành quy định tạm thời về tổ chức tham vấn học đường, yêu cầu mỗi trường phải có ít nhất một chuyên viên tham vấn tâm lý. 

Tuy nhiên, theo thống kê năm học 2015-2016, TP.HCM có hơn 900 trường tiểu học, THCS và THPT công lập. Tuy các trường đều thực hiện chương trình tham vấn học đường nhưng chỉ có chưa tới 120 giáo viên đúng chuyên ngành làm công tác này, tập trung ở bậc THPT. 

Số giáo viên chuyên trách ở bậc tiểu học và THCS rất ít. Không ít trường bố trí giáo viên kiêm nhiệm, họ có thể là giáo viên bộ môn, giám thị, trợ lý thanh niên, thậm chí là… thủ thư!

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hồng cho rằng việc chăm sóc sức khỏe tâm lý trong nhà trường hiện còn mang tính hình thức và tự phát. Nhân viên tham vấn chưa được đào tạo bài bản, nhiều trường bố trí giáo viên chưa đủ tiết dạy tham gia tham vấn học đường cho đủ giờ quy định. 

“Do nặng hình thức, thiếu chuyên nghiệp nên học sinh ngại đến phòng tham vấn. Khi gặp sự cố tâm lý mà không biết cách giải quyết, các em thường vào các diễn đàn chia sẻ chứ không thổ lộ với gia đình, thầy cô” – ông Hồng nêu ý kiến.

Còn thạc sĩ Trần Thị Thu Vân – Trường ĐH Văn Hiến, đề xuất ngoài tham vấn tâm lý, mô hình tham vấn học đường cần hướng đến những chương trình mang tính phòng ngừa thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề với giáo viên, học sinh và phụ huynh về những vấn đề học sinh thường gặp. 

“Chuyên viên tham vấn cần giúp phụ huynh và các lực lượng khác trong trường hiểu quá trình thay đổi tâm sinh lý của học sinh để có ứng xử phù hợp” - cô Vân nói thêm.

Phải có biên chế cho chuyên viên tư vấn

Theo các đại biểu, tham vấn học đường là hoạt động rất quan trọng trong môi trường giáo dục hiện nay khi ngày càng nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh, tác động đến học sinh.

Do đó, tham vấn học đường phải được quan tâm đầu tư đúng mức cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ tư vấn phải chuyên biệt.

PGS.TS Trần Thị Thu Mai – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng mỗi trường phổ thông cần có phòng tham vấn với ít nhất một chuyên viên được đào tạo chuyên nghiệp và có biên chế.

Phòng tham vấn cần trang bị đầy đủ và có bộ trắc nghiệm tâm lý trí tuệ, nhân cách, hướng nghiệp cho học sinh. Không gian tham vấn cần được bố trí riêng tư, kín đáo…

MINH GIẢNG