11/01/2025

Thủ khoa cùng 6 bài báo quốc tế

Đó là bạn Lê Huỳnh Minh Triết, sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

 

Thủ khoa cùng 6 bài báo quốc tế.

 

Đó là bạn Lê Huỳnh Minh Triết, sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

 

 

Thủ khoa cùng 6  bài báo quốc tế - Ảnh 1.

Lê Huỳnh Minh Triết (giữa) nhận giải nhất IU Spelling Bee – cuộc thi đánh vần bằng tiếng Anh do đội công tác Anh ngữ Trường ĐH Quốc tế tổ chức – Ảnh: NVCC

Triết đã lập kỷ lục với số điểm luận văn 100/100, và trở thành sinh viên tốt nghiệp thủ khoa có điểm toàn khoá học cao nhất từ trước đến nay ở trường này (95,6/100 điểm) cùng “gia tài” sáu bài báo quốc tế. 

Tuy đã ra trường nhưng hiện Triết vẫn thường xuyên có mặt trong phòng thí nghiệm ở Trường ĐH Quốc tế, tham gia nhóm nghiên cứu “Multi-Species Multi-Channel” của PGS.TS Huỳnh Kim Lâm.

Theo tôi, trong nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là sinh viên cần phải chủ động

Lê Huỳnh Minh Triết

Tiên phong nghiên cứu liên ngành

Bắt đầu nghiên cứu từ tháng 1-2016 khi mới là sinh viên năm thứ ba, đến nay Triết đã có sáu bài báo công bố quốc tế, với bài báo đầu tiên được đăng từ tháng 6-2016. 

 

 

Đáng chú ý, ở cả sáu bài báo trên Triết đều đứng tên đầu tiên trong nhóm tác giả. Trong đó, có hai bài báo được đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI.

“Có năm bài tôi viết trong quá trình làm trợ lý nhóm nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Huỳnh Kim Lâm. 

Riêng bài “Mô hình cộng tác chú thích video sử dụng hệ tri thức GoodRelations cho thương mại điện tử” là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường của tôi, thực hiện với tư cách chủ nhiệm đề tài, dưới sự hướng dẫn của TS Dương Trọng Hải” – Triết chia sẻ.

Triết là một trong những sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Quốc tế tiên phong trong việc thực hiện một đề tài liên ngành (khoa học máy tính kết hợp với hóa tính toán), theo hướng tiếp cận khoa học dữ liệu hiện đại, với luận văn tốt nghiệp mang tên “Xây dựng mô hình khai phá dữ liệu để xác định các thông số xoay chắn nội phân tử cho các hệ hóa học phức tạp”. 

Từ luận văn này, Triết đã phát triển thành công hai bài báo khoa học quốc tế: một bài báo tham gia hội nghị quốc tế tại Thái Lan (đoạt giải bài báo cáo xuất sắc nhất), và bài báo đăng trên tạp chí ISI vừa rồi.

Hầu hết các bài báo của Triết đều tập trung nội dung xây dựng hệ thống phần mềm tính toán trực quan, hiệu năng cao dưới sự hỗ trợ của hệ thống High-Performance Computers (siêu máy tính), và ứng dụng các phương pháp máy học để mô phỏng và dự đoán các thông số nhiệt động học, động học của các hợp chất, phản ứng hóa học phức tạp.

“Cần chủ động nghiên cứu”

Chia sẻ về kinh nghiệm công bố quốc tế, Triết cho biết: “Khi mới vào nhóm nghiên cứu, tôi thường xuyên làm việc với giáo viên hướng dẫn để học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu. 

Bên cạnh đó, tôi tìm những bài báo khoa học liên quan đến chủ đề mình nghiên cứu để đọc và nắm bắt những kiến thức cần thiết trước khi bắt đầu thực hiện. 

Sau đó, tôi bắt đầu làm các thí nghiệm để xem kết quả mình đạt được so với kết quả người ta đã công bố trước đây ra sao. 

Khi thấy được thí nghiệm của mình làm đạt kết quả tốt hơn trong một nhánh nhỏ của đề tài, góp phần cải thiện kết quả nghiên cứu, khi đó tôi mới bắt tay vào viết bài báo khoa học”.

Triết nói trên thực tế các giảng viên khá bận rộn, nên sinh viên phải chủ động tìm kiếm các cơ hội có thể tham gia vào nhóm nghiên cứu của thầy cô để trước tiên là học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu. 

“Khi đã có lượng kiến thức nhất định, mình bắt tay vào nghiên cứu sẽ thuận lợi hơn. Sau một thời gian nghiên cứu, khi đã có kinh nghiệm, mình mới có thể nghiên cứu độc lập được. Vì vậy, theo tôi, trong nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là sinh viên cần phải chủ động” – Triết rút tỉa kinh nghiệm.

Hiện tại, Triết đã tìm được hai suất học bổng thạc sĩ ở Úc và hoàn thành lớp học tiền tiến sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhưng Triết cho biết vẫn đang tìm kiếm học bổng ở các nước châu Âu để có thêm lựa chọn và tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu về khoa học dữ liệu.

“Tôi nhận thấy bài toán bên hóa tính toán có nhiều dữ liệu nhưng chưa được khai thác. Ngoài ra, tôi cũng đã có tìm hiểu về khoa học dữ liệu, thấy được tiềm năng của nó nên cũng muốn thử tìm tòi xem có thể áp dụng khoa học dữ liệu vào giải quyết bài toán mình đang thực hiện không. 

Và tôi đã đạt được một số kết quả khả quan bước đầu, với luận văn điểm tối đa và hai bài báo khoa học quốc tế” – Triết giải thích thêm.

“Sinh viên hoàn hảo”

Nhận xét về học trò của mình, PGS.TS Huỳnh Kim Lâm chia sẻ: “Với tôi, Triết là sinh viên xuất sắc nhất trong số những sinh viên xuất sắc của tôi tại Trường ĐH Quốc tế.

Triết có tiềm năng lớn để thành công trong bất kỳ môi trường nào, đặc biệt là môi trường học thuật.

Triết có tư duy mở, chủ động, tinh thần cầu tiến, trách nhiệm cao, khả năng học hỏi nhanh và rất chăm chỉ.

Bên cạnh những tố chất này, em ấy còn có thể làm việc một cách độc lập – điều mà tôi khó có thể tìm thấy ở những sinh viên đồng trang lứa với Triết.

Không những vậy, Triết còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, điều này làm Triết trở thành một sinh viên hoàn hảo trong mắt tôi”.

 

TRẦN HUỲNH