Bước chuyển an ninh quốc gia của Mỹ
Nga và Trung Quốc bị xem là đối thủ cạnh tranh trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Bước chuyển an ninh quốc gia của Mỹ.
Nga và Trung Quốc bị xem là đối thủ cạnh tranh trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump vào rạng sáng 19.12 (giờ VN) đã công bố chiến lược an ninh quốc gia (NSS) tập trung vào việc nâng cao sức mạnh kinh tế và đưa các đối thủ như Trung Quốc, Nga vào tầm ngắm. Khác với chính phủ của người tiền nhiệm Barack Obama, Nhà Trắng dưới thời ông Trump chỉ mất 11 tháng để xuất bản tài liệu thể hiện quan điểm của giới lãnh đạo Washington đối với vai trò của Mỹ ở tầm thế giới, đồng thời vạch ra đường hướng ngoại giao và quân sự của nước này trong thời gian tới. Phiên bản NSS của Tổng thống Trump đặc biệt xoáy mạnh vào mục tiêu nâng cao thực lực của Mỹ trước nhóm bị liệt vào dạng “đối thủ cạnh tranh chiến lược” nhằm khôi phục lợi thế của Mỹ trên toàn cầu.
TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc thay đổi thế nào trong chiến lược an ninh Mỹ?
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ chỉ đích danh những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đe doạ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.
NSS trình bày 3 nhóm đối thủ chính đang thách thức Mỹ và đồng minh, bao gồm “các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” Nga và Trung Quốc, tức chỉ các nước bị xem là muốn thay đổi trật tự hiện hữu của thế giới; các thể chế “bất hảo” Iran và CHDCND Triều Tiên; và những tổ chức khủng bố liên quốc gia, cụ thể là các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Trong đó, tài liệu nêu rõ: “Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tìm cách xác lập lại sức ảnh hưởng của họ ở khu vực và trên toàn cầu”. Nói ngắn gọn, họ đang thách thức các lợi thế địa chính trị của Mỹ và cố gắng thay đổi trật tự thế giới phục vụ lợi ích bản thân, theo NSS.
Cảnh giác cao trước Trung Quốc
Trung Quốc thu hút sự chú ý đặc biệt của chính quyền Donald Trump, với cái tên Trung Quốc được nhắc lại 23 lần so với 17 lần của Nga. Với cách nhìn nhận hoàn toàn khác chính sách của các chính quyền Mỹ trước đây, Nhà Trắng hiện tại cho rằng Trung Quốc đang gia tăng quyền lực bằng cách thách thức chủ quyền của các nước khác, với mục tiêu tìm cách thay thế Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông gây nguy hiểm cho các dòng chảy tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của những nước khác và làm xói mòn sự ổn định khu vực”, theo NSS. Trước thách thức từ Bắc Kinh, chiến lược của ông Trump kêu gọi tăng gấp đôi cam kết với các nước đồng minh và đối tác, trong khi tìm kiếm và xây dựng những mối quan hệ mới. Tài liệu cũng nhấn mạnh nỗ lực “tăng cường hợp tác giữa Mỹ – Nhật – Ấn – Úc”, được đến biết với biệt danh “bộ tứ kim cương”. Đây là cơ chế được Mỹ và đồng minh hy vọng có thể tác động đến cấu trúc an ninh khu vực trong bối cảnh Nga và Trung Quốc tìm cách lan toả ảnh hưởng.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ chuyển sang quan điểm ‘diều hâu’ với Trung Quốc, Nga
Theo chiến lược an ninh quốc gia mới được Tổng thống Donald Trump công bố, “Trung Quốc và Nga thách thức sức mạnh, mức độ ảnh hưởng và trên hết là những lợi ích của Mỹ”.
Sau khi Mỹ công bố chính sách mới về an ninh quốc gia, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích thái độ “cô lập, ích kỷ” của Tổng thống Trump qua việc gọi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh. Reuters dẫn thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nhấn mạnh sự đối đầu giữa hai nước chỉ mang lại tổn thất cho đôi bên, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho hai nước. Tờ Hoàn cầu Thời báo lại cho rằng chiến lược mới của Mỹ phản ánh thái độ không sẵn lòng chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nga cũng lên tiếng bác bỏ NSS, gọi đây là tư tưởng của chủ nghĩa “đế quốc”. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định “chính sách mới cho thấy Mỹ không sẵn lòng từ bỏ ý tưởng về một thế giới đơn cực” và không muốn thừa nhận thế giới đa cực.
Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump được dựa trên 4 cột trụ chính: bảo vệ lãnh thổ bằng cách giới hạn di dân; thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ dù phải gây áp lực với các đối tác thương mại; xây dựng quân đội hùng mạnh để gìn giữ hoà bình và thúc đẩy gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Có thể thấy tư tưởng cốt lõi của chiến lược mới chính là quan điểm “nước Mỹ trên hết”. “Nước Mỹ đang trong cuộc chơi và nước Mỹ sẽ thắng”, ông nói, nhấn mạnh rằng nước này cương quyết sẽ đấu tranh, dù điều đó đồng nghĩa với việc phải hành động đơn phương hoặc “xa lánh” các nước khác trong các vấn đề như thương mại, thay đổi khí hậu và di trú.
|
Thụy Miên