Tại hội thảo “Mặt trận Tổ quốc VN với công tác phòng, chống tham nhũng” do Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức ngày 18.12 ở Hà Nội, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh.
Tại hội thảo “Mặt trận Tổ quốc VN với công tác phòng, chống tham nhũng” do Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức ngày 18.12 ở Hà Nội, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Chống tham nhũng chưa đáp ứng mong muốn của nhân dân
Theo ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN, thời gian qua, tình trạng tham nhũng rất nhức nhối, diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, có cả tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, làm xói mòn đạo đức xã hội, hư hỏng cán bộ, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của nhà nước. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân. Ông Thực nhìn nhận: “Các quy định của pháp luật về công tác PCTN chưa đầy đủ, hoàn thiện, còn thiếu những cơ chế thật sự có hiệu quả, tin cậy để bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như việc xử lý thiếu kịp thời, kiên quyết đối với người trả thù, trù dập người tố cáo; việc khen thưởng người tố cáo còn mang tính hình thức, chưa kịp thời, mức khen thưởng thấp, nên chưa động viên, khuyến khích được người dân dũng cảm tố cáo tham nhũng”.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bày tỏ: “Từ khi tôi bước chân vào Quốc hội, tôi thấy Quốc hội luôn luôn có một câu trong báo cáo của Uỷ ban Tư pháp là việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. 10 năm rồi vẫn chưa tương xứng và không bao giờ tương xứng vì công cuộc PCTN quá khó khăn”, ông Quyền nói.
Góp ý vào nội dung đấu tranh PCTN của MTTQ VN, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, cho rằng phải làm sao để chống tham nhũng trở thành phong trào. Qua nhiều vụ việc mà Uỷ ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét, bà Ngà cho rằng, phong trào ở đây là thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh. “Vừa rồi, có hai ban thường vụ bị kỷ luật vì thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Chắc là còn nữa, nhưng mức độ là thế nào thôi chứ “màu sắc” này là rất rõ”, bà Ngà nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết bà không yên tâm khi dự thảo luật Phòng chống tham nhũng còn nhiều nội dung, vấn đề gặp bế tắc, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Để kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, bà Ngà cho rằng phải từ quần chúng nhân dân, còn trong tổ chức thì một trong những cái suy thoái là “dĩ hoà vi quý”. Bà Ngà cho hay nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có cả ông Đinh La Thăng khi đứng trước Uỷ ban Kiểm tra T.Ư cũng nói giá mà kiểm tra, phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề.
Theo bà Ngà, chống tham nhũng không cần phải đi vào những việc cao siêu, cũng không cần đặt ra mục tiêu phát hiện 15 – 20 dự án thất thoát hàng nghìn tỉ. MTTQ VN nên tập trung phát hiện những vụ việc nhũng nhiễu ở cơ sở, đơn vị. “Việc mất niềm tin của nhân dân không phải chỉ ở những vụ việc lớn mà những vụ việc diễn ra ở địa phương, ở cơ sở. Đây chính là vấn đề đặt ra cho MTTQ phải có giải pháp để các tổ chức thành viên ở cơ sở chủ động, mạnh dạn hơn trong lĩnh vực này”.
Cần giám sát cán bộ có biểu hiện bất minh
Ông Ngô Đức Hoà, Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác PCTN, Ban Nội chính T.Ư, đề nghị MTTQ cần có tiếng nói độc lập của mình trong công tác PCTN. Ông Hoà đề xuất: “Mặt trận cần tập trung giám sát có hiệu quả vào những vấn đề lớn, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, giám sát các dự án thua lỗ, những lĩnh vực cán bộ có biểu hiện bất minh. Để công tác PCTN đạt hiệu quả phải vận hành tốt các cơ chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tăng sức mạnh của Mặt trận. Mặt trận nên nắm chắc tình hình, chủ trì phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân đồng thời giám sát các cuộc đối thoại đó. Mặt trận có thể giám sát đối với các lực lượng PCTN như báo chí, luật sư, thanh tra, kiểm toán… để vừa bảo vệ họ, vừa để ngăn ngừa tham nhũng”.
Để đẩy mạnh hiệu quả công tác PCTN của MTTQ, ông Ngô Sách Thực cho rằng cần làm rõ tiếng nói của MTTQ nên thế nào khi có vụ việc tham nhũng mà dư luận, nhân dân quan tâm. Cần phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh…
Theo Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, sắp tới Uỷ ban T.Ư MTTQ VN sẽ thành lập một ban hoặc tổ công tác về PCTN, lãng phí để theo dõi công tác PCTN trong toàn hệ thống Mặt trận và phối hợp với cơ quan đơn vị khác trong lĩnh vực này. “Bên cạnh đó, Mặt trận cũng tập trung xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát, phản biện xã hội năm 2018 với những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong đó có công tác PCTN, lãng phí; đồng thời ban hành quy trình xử lý phản ánh thông tin hằng tuần, nghiên cứu sửa đổi thông tri về quy định hướng dẫn việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của MTTQ VN các cấp”, ông Mẫn cho biết.