Cho chuyển nhượng đất trồng lúa có tái diễn ‘địa chủ – tá điền’?
Các chuyên gia đề nghị cho chuyển nhượng đất trồng lúa, mở rộng hạn điền. Nhưng liệu tình trạng địa chủ – tá điền có tái diễn? Hay chuyển thành đất ở?
Cho chuyển nhượng đất trồng lúa có tái diễn ‘địa chủ – tá điền’?.
Các chuyên gia đề nghị cho chuyển nhượng đất trồng lúa, mở rộng hạn điền. Nhưng liệu tình trạng địa chủ – tá điền có tái diễn? Hay chuyển thành đất ở?
Đánh giá cao dự thảo Luật đất đai sửa đổi vừa được Bộ TN-MT công bố, các chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh nới hạn điền và cho chuyển nhượng đất lúa.
Tuy nhiên, cũng cần có chính sách để ngăn lạm dụng thâu tóm đất rồi chuyển đổi, biến thành dự án bất động sản…
Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Võ Trí Hảo (Phó trưởng Khoa Luật Đại học Kinh tế TP.HCM):
Nâng hạn điền lên gấp 20 lần hiện nay
Hiện nay theo nghiên cứu, một trang trại trồng lúa ở Thái Lan hoặc Campuchia thường có quy mô khoảng 3.000ha. Vì vậy, Việt Nam nên tăng mức hạn điền gấp 20 lần so với hiện nay để tạo sức cạnh tranh cho nông nghiệp.
Chưa nên bỏ hẳn quy định hạn điền bởi dễ dẫn đến tình trạng tích tụ ruộng đất ồ ạt, nông dân không có việc làm đổ về các đô thị lớn. Bỏ hẳn hạn điền có thể tính đến sau thời điểm năm 2030.
Khi đó quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hoá đã đủ điều kiện hấp thu, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dư thừa từ nông thôn.
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Nên sớm thông qua
Tôi đã đề nghị bỏ hạn điền từ 30 năm trước, đến giờ mới hi vọng thấy được những trang trại cò bay thẳng cánh được canh tác bằng máy móc, thiết bị tự động như ở Mỹ, Úc…
Trong những nội dung Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị sửa đổi, bổ sung lần này, bên cạnh nới hạn điền, tôi rất ủng hộ đề xuất cho chuyển nhượng đất trồng lúa.
Đó là hai vấn đề lớn liên quan đến hàng chục triệu dân và nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Tôi mong Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt.
Thực tế bao nhiêu năm qua, với mảnh đất manh mún, đa số nông dân đến giờ vẫn nghèo. Lý do là vì họ sản xuất theo ý mình, chất lượng nông sản không bảo đảm… nên không thể cạnh tranh.
Về lo ngại tái diễn tình trạng “địa chủ – tá điền”, tôi cho rằng hệ thống luật pháp nước ta đã đảm bảo mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật.
Tôi không lo người giàu tích trữ đất đai khiến nông dân nghèo không có đất mà lo tính bảo thủ của nông dân sẽ cản trở chính sách này.
Thứ hai là lo các nhóm lợi ích sẽ lợi dụng để thâu tóm đất lúa rồi “phù phép” thành dự án bất động sản, phân lô bán nền.
Dù đã có quy định chuyển mục đích sử dụng 10ha đất lúa phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nhưng thực tế nhiều nơi chia nhỏ dự án dưới 10ha để tỉnh tự cho phép chuyển đổi.
Theo tôi, cần đưa vào luật những quy định chế tài nghiêm khắc để ngăn ngừa tình huống này xảy ra.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn):
Tăng hiệu quả sử dụng đất
Việc bỏ mức hạn điền sẽ tạo điều kiện tăng quy mô sử dụng đất, chuyển đất cho những người sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, việc xóa bỏ hạn điền cũng cần tính đến những hệ luỵ có thể phát sinh.
Thực tế, khả năng tạo việc làm mới cho nông dân sau khi họ chuyển nhượng đất vẫn rất khó. Nhiều nơi nông dân không có công việc, thu nhập ổn định. Hoặc có việc làm, thu nhập nhưng “phi chính thức”, ngắn hạn, không có hợp đồng, bảo hiểm…
Tương lai và cơ hội phát triển lâu dài của nông dân bị đe dọa. Mặt khác, dễ xảy ra trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất của nông dân với giá rẻ, sau đó xây dựng cơ sở hạ tầng, lập dự án và bán với giá cao để hưởng lợi.
Việc bỏ mức hạn điền phải song song việc xây dựng các chính sách khác dựa trên ba mục tiêu.
Thứ nhất, phải đảm bảo công bằng, lấy đất phải hợp lý, phục vụ lợi ích chung, không làm giàu cho riêng ai.
Thứ hai, có chính sách cụ thể giúp người nông dân sau khi chuyển nhượng đất có việc làm, thu nhập bền vững.
Cuối cùng, có chính sách để người tích tụ ruộng đất phát triển, tổ chức được sản xuất nông nghiệp. Ruộng đất phải vào tay người sản xuất giỏi, có thể sản xuất quy mô lớn.
Do vậy, phải thay đổi quy định thu hồi đất hiện nay, vốn rất mơ hồ, bị lợi dụng khá nhiều. Cần có điều kiện rằng người được nhận chuyển nhượng, tích tụ đất phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp…
Thạc sĩ Dương Thị Tuyết Hà (Giảng viên Khoa Quản lý đất đai và bất động sản Trường đại học Nông lâm TP.HCM):
Thu hồi nếu không sử dụng đúng mục đích
Trước nay luật quy định hạn điền nhưng thực tế không thực hiện được. Do vậy, tốt nhất nên bỏ mức hạn điền bởi áp đặt không đồng nhất sẽ tạo bất bình đẳng.
Nhưng nếu bỏ hạn điền sẽ phát sinh khả năng sử dụng đất không đúng mục đích… Tuy nhiên, vẫn có thể giải quyết được nếu bổ sung thêm các quy định chặt hơn.
Ví dụ, nếu được giao đất nông nghiệp nhưng 18 tháng liên tục không sử dụng thì Nhà nước thu hồi. Quy định này buộc các chủ đất phải có kế hoạch đưa đất vào khai thác, sử dụng đất đúng mục đích.
Trường hợp không có động thái đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, không thực hiện đúng quy định… cơ quan quản lý nhà nước có thể thu hồi.
Sẽ mua đất mở rộng trang trại trồng lúa
Ông Nguyễn Văn Khanh (ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết thông tin Quốc hội sắp xem xét bỏ quy định hạn điền và cho phép chuyển nhượng đất trồng lúa khiến ông vui như vừa trúng mùa, vừa trúng giá.
Hiện nay ông có 120ha chuyên trồng lúa Nhật và sản xuất lúa giống. Trang trại được đầu tư hạ tầng đường sá, điện đầy đủ.
Mỗi năm lợi nhuận vài tỉ đồng nhưng ông không thể mua thêm đất do đã nhờ hết người thân đứng tên sổ đỏ. Ngay cả người làm công cho trang trại ông cũng nhờ đứng tên giùm.
“Khi bỏ hạn điền, việc đầu tiên tôi làm là làm thủ tục sang tên sổ đỏ, sau đó đầu tư mua thêm 20-30ha để mở rộng trang trại, xây nhà kho, mua máy sấy lúa” – ông Khanh nói.