Nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái: yêu cầu làm rõ 7 vấn đề
Nhà máy lọc dầu Cát Lái từ 350.000 tấn lên 400.000 tấn nằm tại quận 2 (TP.HCM) đang được tính toán nâng cấp, với vốn đầu tư 1.179 tỉ đồng.
Nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái: yêu cầu làm rõ 7 vấn đề.
Nhà máy lọc dầu Cát Lái từ 350.000 tấn lên 400.000 tấn nằm tại quận 2 (TP.HCM) đang được tính toán nâng cấp, với vốn đầu tư 1.179 tỉ đồng.
Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Công thương xác nhận đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái.
“Được Chính phủ phê duyệt, dự án phải đảm bảo yêu cầu đánh giá tác động môi trường, đảm bảo hiệu quả… mới được triển khai” – vị này nói.
Nâng cấp nhà máy cũ
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Cát Lái làm chủ đầu tư, trong đó Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) góp 45% vốn.
Trong đề án, nhà máy xin nâng công suất từ 350.000 tấn lên 400.000 tấn tại địa điểm đang hoạt động là phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (TP.HCM). Việc nâng cấp nhà máy này đã được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư từ năm 2007, nhưng vì nhiều lý do nên chưa triển khai.
Nhà máy này sau nâng cấp sẽ dùng nguyên liệu là dầu thô và condensate (khí ngưng tụ, dạng hỗn hợp lỏng tách ra từ khí đồng hành hoặc khí thiên nhiên trong quá trình xử lý khí – PV) để sản xuất sản phẩm xăng, dầu… đạt tiêu chuẩn Euro 4.
Công nghệ dự kiến sử dụng là NUT (Naphtha Upgrading Technology) của Viện Nghiên cứu chế biến dầu khí Trung Quốc.
Theo Bộ Công thương, để đáp ứng yêu cầu lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tới đây phải đạt Euro 4, Euro 5, việc nâng cấp nhà máy là cần thiết. Việc lựa chọn công nghệ cũng được đánh giá là phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh phần đồng tình, nhiều cơ quan cũng có kiến nghị. Bộ Khoa học và công nghệ lưu ý cần sử dụng máy móc thiết bị có xuất xứ từ các nước có nền công nghiệp lọc hóa dầu tiên tiến, đảm bảo sự đồng bộ của dây chuyền công nghệ.
Tập đoàn Dầu khí VN cho rằng nhà máy chưa làm rõ xuất xứ công nghệ, thiết bị và thị phần của những nhà máy đã ứng dụng công nghệ này trên thế giới…
Gần cụm dân cư
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khu Nhà máy lọc dầu Cát Lái (990 Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) nằm cạnh các công ty trong Khu công nghiệp Cát Lái, khu vực phía sau giáp với trạm nghiền trộn ximăng Holcim.
Cách Nhà máy lọc dầu Cát Lái chưa đầy 1km phía bên kia đường Nguyễn Thị Định (ngược về hướng trung tâm quận 2) là nhiều cụm dân cư thuộc phường Cát Lái, trong đó có nhiều khu căn hộ cao cấp, trường học…
Anh T.P.T. – người dân mua căn hộ ở đây – cho biết trước khi mua căn hộ không nghe thông tin Saigon Petro nâng công suất nhà máy.
“Việc chưng cất xăng dầu có nguy cơ cháy nổ, dễ gây ảnh hưởng môi trường, không hiểu sao nó vẫn nằm gần khu dân cư như thế?” – anh T. hỏi.
Cách nhà máy hơn 1km, đi về phía hầm Thủ Thiêm, theo quy hoạch 1/2.000 khu đô thị Cát Lái – Bình Trưng Đông do UBND TP.HCM phê duyệt, sẽ có khu đô thị tổng diện tích khoảng 66ha với dân số dự báo gần 20.000 người. Dân số hiện trạng theo khảo sát đầu năm 2012 là 300 người.
Xa hơn một chút có khu Phố Đông là khu đô thị phức hợp gồm nhà ở, trung tâm thương mại, trường học và trung tâm vui chơi giải trí với tổng quy mô 41ha.
Cần thận trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và môi trường, cho rằng mặc dù đây là dự án nâng cấp, mở rộng với công nghệ cao hơn nhưng vẫn cần phải xem xét kỹ.
Việc sử dụng condensate để sản xuất xăng dầu sẽ có tác động tốt về môi trường, nhưng đây là nguyên liệu có thành phần tương đối không đồng đều nên việc xử lý cũng là thách thức lớn về mặt công nghệ, đặc biệt khi sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn ở mức Euro 4.
Ông Sơn cũng băn khoăn về việc sử dụng công nghệ của Trung Quốc vì cho rằng nước này không có thế mạnh trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Vì vậy, cần xem xét và tính toán rất thận trọng.
“TP.HCM trong giai đoạn vừa qua đã có sự chuyển đổi lớn, đưa các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra ngoài. Dự án Cát Lái có nên đặt trong bài toán tổng thể như vậy không? Xu hướng là nên di dời. Tất nhiên đi đôi là chi phí, đền bù, điều chỉnh quy hoạch… nên không phải ngày một ngày hai làm được, nhưng cũng cần tính đến” – ông Sơn nói.
Mặc dù đến thời điểm này Nhà máy lọc dầu Cát Lái chưa có vấn đề gì về môi trường, nhưng ông Sơn cho rằng khi mở rộng nhà máy thì những thách thức mới đặt ra là có. Do đó cần phải có nghiên cứu đầy đủ hơn, có sự tham gia của các đơn vị độc lập…
Chủ đầu tư nói gì?
Theo giải trình của Saigon Petro, dự án sẽ bao gồm hệ chưng cất condensate và nâng cấp naphtha (phần chưng cất sinh ra, có vị trí giữa xăng và dầu hỏa – PV) để sản xuất xăng và LPG, sau đó tách benzene ra khỏi xăng để đạt tiêu chuẩn nhiên liệu Euro 4 và Euro 5.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư đã lập, thiết kế phòng cháy chữa cháy và khẳng định chỉ triển khai công trình sau khi các hồ sơ được phê duyệt.
Về công nghệ chế biến phân đoạn naphtha sản xuất xăng và LPG, xúc tác thuộc bản quyền của Tổng công ty SinopecTech (thuộc Tập đoàn Sinopec Trung Quốc), chủ đầu tư cho biết đã được áp dụng trong thời gian gần 20 năm qua…
Yêu cầu đánh giá nguy cơ sự cố môi trường
Nhà máy lọc dầu Cát Lái tại Q.2, TP.HCM hiện nay – Ảnh: Q.Khải
Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái, ông Nguyễn Thế Đồng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết chủ đầu tư đã nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung và Bộ Tài nguyên – môi trường đã thành lập hội đồng thẩm định.
Ngày 20-10, hội đồng đã họp, thông qua nhưng theo ông Đồng, hiện chủ đầu tư vẫn chưa gửi lại báo cáo hoàn thiện, vì vậy chưa được duyệt.
Liệu nhà máy có ảnh hưởng tới môi trường khu vực? Theo ông Đồng, đánh giá của hội đồng thẩm định đã yêu cầu chủ dự án làm rõ thêm 7 vấn đề, trong đó có: làm rõ phạm vi dự án có bao gồm vận chuyển nguyên vật liệu không, nếu có phải có đánh giá tác động môi trường do vận chuyển; làm rõ hiện trạng thoát nước, ngập úng cục bộ; làm rõ thành phần các loại chất thải rắn, lỏng, khí; kiểm tra lại các thông số đầu vào mô hình phát tán khí thải, bụi…
Hội đồng cũng yêu cầu bổ sung đánh giá về nguy cơ sự cố môi trường, tác động do sự cố.
XUÂN LONG