11/01/2025

BOT quốc lộ 53 ‘chết đứng’ vì thiếu tiền

Động thổ từ giữa năm 2015, nhưng đến nay dự án nâng cấp, cải tạo QL53 đoạn Long Hồ – Ba Si (nối hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long) theo hình thức BOT vẫn “chết đứng” khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

 

BOT quốc lộ 53 ‘chết đứng’ vì thiếu tiền.

 

Động thổ từ giữa năm 2015, nhưng đến nay dự án nâng cấp, cải tạo QL53 đoạn Long Hồ – Ba Si (nối hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long) theo hình thức BOT vẫn “chết đứng” khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

 

  •  

 

BOT quốc lộ 53 chết đứng vì thiếu tiền - Ảnh 1.

Mặt đường tuyến QL53 hiện xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao – Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Lý do chưa có một ngân hàng nào ký cam kết cho nhà đầu tư này vay tiền triển khai dự án.

Chưa ngân hàng nào cho vay

Ngày 20-3-2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (lúc bấy giờ) đồng ý cho Bộ GTVT thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53 (QL53) đoạn Long Hồ – Ba Si dài 46km theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.222 tỉ đồng.

Chưa đầy một tháng sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (nay là bộ trưởng) đã ký phê duyệt, đổi tên thành dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo QL53 đoạn Long Hồ – Ba Si. 

 

Bốn đơn vị được Bộ GTVT chọn làm nhà đầu tư gồm Công ty CP Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông, Công ty CP xây lắp Cửu Long, Công ty CP Tùng Trường Sơn và Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Hà An. 

Theo Vụ Đối tác công – tư (Bộ GTVT), tổng vốn tự có của 4 liên danh này là khoảng 183 tỉ đồng, tức chỉ chiếm 15% tổng vốn, số còn lại phải đi vay ngân hàng.

Đầu tháng 5-2015, dự án BOT QL53 chính thức động thổ khởi công. Theo tính toán, sau 2 năm thi công, dự án trên sẽ chính thức đi vào khai thác bằng hình thức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ với thời gian hoàn vốn 21 năm.

Tuy vậy kể từ đó cho đến nay, dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”, đã rất nhiều lần Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long mời chủ đầu tư đến làm việc, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung do triều cường, mưa kéo dài nên không thể thảm nhựa. 

Theo ông Lâm Thành Hảo – phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, ngay sau khi dự án động thổ, địa phương đã rất nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng, thế nhưng các phương án này sau đó buộc phải hủy bỏ do nhà đầu tư không có tiền bồi hoàn.

Xác nhận với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long – đơn vị quản lý dự án BOT QL53, xác nhận đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng nào cả. Vậy nên chưa biết khi nào dự án này mới chuyển động.

Nhiều vấn đề cần xem lại

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-12, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón cho rằng dù Chính phủ đã có chủ trương không đầu tư BOT trên những tuyến đường cũ nhưng do dự án này đã được triển khai từ năm 2015 nên đành phải chấp nhận hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên theo ông Rón, sau khi kiểm tra năng lực của nhà đầu tư dự án QL53, địa phương thấy rằng có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. 

Tỉnh Vĩnh Long cũng vừa có kiến nghị thay chủ đầu tư mới, đồng thời nêu rõ quan điểm là nếu tiếp tục thực hiện dự án phải tìm chủ đầu tư có năng lực về tài chính.

“Mới đây có một nhà đầu tư khác đến làm việc với tỉnh nhưng vẫn chưa thống nhất được gì. Tỉnh rất cần nâng cấp lại tuyến QL53 để phục vụ phát triển kinh tế, trong khi nguồn vốn từ Chính phủ không phân bổ dành cho tuyến đường này. 

Vì vậy Vĩnh Long vẫn tiếp tục chờ nhà đầu tư BOT, còn nếu không tìm được chủ đầu tư có năng lực thì chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ tìm nguồn vốn đầu tư khác” – ông Rón nói.

Mặt đường xuống cấp nghiêm trọng

Theo tìm hiểu, ngay sau khi ký hợp đồng thực hiện dự án với Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN cũng tiến hành bàn giao QL53 cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên vì không có tiền nên tuyến quốc lộ này gần như bị “bỏ rơi”, dẫn đến hư hỏng nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Ba (ngụ thị trấn Long Hồ) tỏ ra ngán ngẩm: “Ở đây ngày nào cũng có người té ngã do mặt đường quá nhiều ổ voi, trơn trượt.

Cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều phản ảnh, nhưng rồi 2 năm qua vẫn không động tĩnh gì”.

Quá bức xúc vì đường xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao nên Sở GTVT Vĩnh Long đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN để phản ảnh.

HẠNH NGUYỄN