24/01/2025

Rủi ro ‘vay tiền không cần gặp mặt’

Sàn giao dịch vay tiêu dùng được quảng bá ‘vay tiền không cần gặp mặt’ đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay

 

Rủi ro ‘vay tiền không cần gặp mặt’

Sàn giao dịch vay tiêu dùng được quảng bá ‘vay tiền không cần gặp mặt’ đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay




Nhân viên Công ty Vay Mượn tư vấn qua email, chat... cho khách hàng /// Ảnh: Ngọc Thắng

Nhân viên Công ty Vay Mượn tư vấn qua email, chat… cho khách hàngẢNH: NGỌC THẮNG

Chỉ sau 2 tuần ra đời, sàn giao dịch vay tiêu dùng được quảng bá “vay tiền không cần gặp mặt” đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Đây được xem là mô hình kết nối giữa người vay và người cho vay đầu tiên tại VN, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.
Rủi ro 'vay tiền không cần gặp mặt' - ảnh 1

Người vay và người cho vay thực hiện giao dịch qua mạng hoặc điện thoại di động.ẢNH: Đ.N.THẠCH

Ra mắt từ đầu tháng 12, Công ty cổ phần Vay Mượn (trụ sở tại Hà Nội) giới thiệu sàn giao dịch Vaymuon.vn hoạt động theo mô hình công nghệ như Uber, Grab trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Theo đó, thông qua ứng dụng “Vay Mượn” cài đặt trên ĐTDĐ, người vay gửi yêu cầu để vay một khoản tiền. Các bước xét duyệt cho một khoản vay không quá 4 giờ cho lần đầu hoặc không quá 30 phút cho những lần sau. Người vay không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp. Ngược lại, bất kỳ người nào có tiền nhàn rỗi cũng có thể tải ứng dụng “VayMuon – Nhà đầu tư” để trở thành người cho vay (gọi là nhà đầu tư – NĐT). Khi có người gửi yêu cầu vay, NĐT sẽ nhận được thông báo và nếu chấp thuận cho vay, số tiền được chuyển từ ví điện tử liên kết Vimo của NĐT sang tài khoản ngân hàng của người vay. Đến thời điểm đáo hạn, 100% gốc và lãi sẽ được tự động hoàn trả vào ví điện tử Vimo của NĐT.
Rủi ro 'vay tiền không cần gặp mặt' - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Nhiều khiếu nại về cho vay tiêu dùng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cho biết, gần đây có nhiều phản ánh, tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.
“Người đảm bảo” giấu mặt !
Trên trang chủ Vaymuon.vn, đơn vị này khẳng định đây không phải ngân hàng, không phải công ty tài chính mà chỉ sử dụng công nghệ để kết nối nhu cầu của người vay và NĐT bằng cách cung cấp cho người vay mức giá tốt nhất và NĐT lợi nhuận cao nhất. Công ty Vay Mượn đảm bảo an toàn hoàn trả 100% cả gốc lẫn lãi cho các NĐT tham gia.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể đảm bảo được vốn của NĐT nếu nhiều người vay không thanh toán nợ, bà Đào Thị Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vay Mượn, cho biết thực tế mô hình này có 4 bên tham gia. Đó là NĐT, người vay, công ty vay mượn và người đảm bảo. Trong đó, người đảm bảo đứng phía sau Công ty Vay Mượn để đảm bảo khoản vay được thu hồi và hoàn trả đủ cho NĐT. Trường hợp người vay thanh toán đúng hạn thì người đảm bảo sẽ có lời. Ngược lại, khi người vay không trả nợ thì người đảm bảo phải bù lỗ để trả lại vốn và lãi cho NĐT.
Trên thực tế, trước khi vaymuon.vn công bố hoạt động, có một sàn giao dịch với mô hình tương tự đã được giới thiệu của Công ty cổ phần Tập đoàn Tima. Tại địa chỉ tima.vn, người dùng có thể đăng ký vay tiền hoặc làm NĐT. Tuy nhiên, khác biệt là ở tima.vn, NĐT và người vay tự kết nối với nhau, sau đó tự thỏa thuận về lãi suất và các thủ tục liên quan. Một nhân viên của Tima tư vấn: NĐT sẽ tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, công ty chỉ kết nối tìm kiếm người cho vay và người vay với nhau và không thu phí đối với khoản vay. Trang web này công bố số tiền đã được giải ngân qua tima.vn lên hơn 15.334 tỉ đồng, đơn vay mới trong ngày 14.12 là 1.453 đơn trong tổng đơn vay trên hệ thống là 1,082 triệu đơn, số người đăng ký vay là 803.442 người, trong khi số người tham gia cho vay là 4.604 người. Danh sách khách hàng đăng ký vay có giá trị từ 5 triệu đồng, 10 triệu đồng, 50 triệu đồng, 100 triệu đồng với các gói sản phẩm vay tín chấp, vay trả góp ngày, cầm cố…
Đây là hình thức cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending), một mô hình kinh tế chia sẻ ra đời tại Anh năm 2005 và trở nên phổ biến tại Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 với các tên tuổi lớn như Lending Cub, Prosper… Trong 10 năm qua, mô hình này đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới với gần 4.000 doanh nghiệp.
Rủi ro 'vay tiền không cần gặp mặt' - ảnh 3

Nhân viên Công ty Vay Mượn tư vấn qua email, chat… cho khách hàngẢNH: NGỌC THẮNG

Phí cao gấp 5 lần lãi suất
Vaymuon.vn công bố chỉ cho vay từ 1 – 10 triệu đồng trong thời gian từ 7 – 45 ngày. Lãi suất hiện nay áp dụng 1,5%/tháng trả cho NĐT, tương đương 18%/năm. Đồng thời người vay còn trả thêm khoản phí 2.500 đồng/1 triệu đồng/ngày. Lãi suất và phí này có thể thay đổi theo từng thời điểm và sẽ được thông báo trước khi áp dụng. Phí phạt quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn cộng với phí giới thiệu, thu xếp, kết nối và quản lý khoản vay. Trong trường hợp người vay không trả nợ, công ty và NĐT được quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thu hồi nợ bao gồm: công bố thông tin rộng rãi, bán nợ cho bên thứ ba hoặc kiện ra tòa dân sự.
Bà Trang cho rằng lãi suất và mức phí này khá cạnh tranh nếu so với việc khách hàng phải đi vay “chợ đen” hoặc vay ở các tiệm cầm đồ. Bà này cũng tiết lộ thêm, chưa đầy một tháng nhưng đã có khoảng 30.000 người tải ứng dụng “Vay Mượn”. Hằng ngày, nhu cầu đi vay được gửi lên khá lớn. Riêng số lượng NĐT tham gia cho vay tiền cũng nhiều nên công ty này chưa kết nạp thêm.
Theo tìm hiểu của PV, tùy theo hình thức, số tiền được duyệt vay tại vaymuon.vn khác nhau. Vay theo bảng lương thì tối đa được 10 triệu đồng, vay theo thẻ sinh viên thì tối đa được 5 triệu đồng. Ví dụ, nếu vay 2 triệu đồng trong thời gian 30 ngày, tổng số tiền sẽ trả là 2,18 triệu đồng; vay 5 triệu đồng trong thời gian 30 ngày thì gốc và lãi lên 5,45 triệu đồng… Tổng cộng người đi vay phải trả lãi và phí 450.000 đồng khi vay 5 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Trong đó, phía NĐT bỏ ra 5 triệu đồng cho vay chỉ nhận được tiền lãi 75.000 đồng; còn lại 375.000 đồng là phí. Tính ra, phí cao gấp 5 lần lãi suất. Tuy nhiên, nếu là sinh viên thì mức phí được áp dụng thấp nhất, khoảng 2.000 đồng/1 triệu/ngày.
Rủi ro với cả người vay và nhà đầu tư
 
 
Rủi ro 'vay tiền không cần gặp mặt' - ảnh 4
Mô hình này nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào. Đặc biệt, cần cảnh báo đối với những người cho vay tham gia hình thức này sẽ gặp phải nhiều rủi ro

Rủi ro 'vay tiền không cần gặp mặt' - ảnh 5
 
Luật sư Trương Thanh Đức

 

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính – Marketing, đây là một dạng của mô hình dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) đang phát triển mạnh. Tuy nhiên ở nhiều nước, mỗi cá nhân đều có hệ số tín nhiệm được xếp loại. Nếu hệ số tín nhiệm thấp thì khi vay tiền sẽ bị lãi suất cao, thậm chí bị từ chối cho vay. Do vậy đa số cá nhân sợ bị xếp hạng điểm thấp nên sẽ tuân thủ trả nợ đúng hạn. Trong khi đó ở VN, chủ yếu dựa trên sự xác minh thông tin cá nhân vì việc cho vay bằng tín chấp sẽ rủi ro cao hơn cho người bỏ tiền ra. “Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển, áp dụng trong nhiều lĩnh vực thì cũng không nên cấm mô hình này. Thay vào đó, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn cho NĐT, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, ổn định”, TS Thuận khuyến nghị.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO, cho hay hiện nay chưa có quy định nào về mô hình hoạt động như trên. “Các công ty này không phải là tổ chức tín dụng để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng bản chất hình thức hoạt động của các công ty này có nơi là huy động và cho vay, có nơi là môi giới về tiền tệ thì lại chịu sự quản lý của NHNN. Ở một số nước, hình thức này không cấm nên nhiều công ty nở rộ làm. Với tốc độ phát triển về công nghệ hiện nay khá nhanh, những mô hình ứng dụng công nghệ hoạt động như kiểu Uber, Grab… sẽ ngày càng phát triển. Mô hình này nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào. Đặc biệt, cần cảnh báo đối với những người cho vay tham gia hình thức này sẽ gặp phải nhiều rủi ro”, luật sư Đức cảnh báo.
Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Các doanh nghiệp làm trung gian kết nối chỉ cần đăng ký kinh doanh theo luật Doanh nghiệp, không giữ tiền, không tham gia quá trình giải ngân thì không vi phạm quy định về lĩnh vực cho vay tài chính. Hoạt động này mang lại lợi ích khi tạo kết nối cho hai bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, trách nhiệm và rủi ro của NĐT sẽ rất lớn. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng có nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán…
“VN không nên cấm nhưng cũng không nên khuyến khích phát triển dịch vụ đại trà. Nhà nước nên xem xét có thể cho một vài công ty lớn, có đủ thực lực về tài chính, có uy tín để thực hiện thí điểm dịch vụ. Bởi công nghệ thông tin kết nối chỉ tạo ra môi trường cho những người có nhu cầu gặp nhau. Còn những rủi ro và hệ luỵ trong mô hình này cho nhiều gia đình tương tự như việc cho vay kiểu tín dụng đen trên thị trường đã có lâu nay”, ông Hiếu nói.
Thị trường cho vay triệu tỉ đồng
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng VN đạt gần 600.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 26 tỉ USD trong năm 2016, chiếm gần 10% GDP. VCSC dự báo quy mô thị trường sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019 với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm. Còn theo số liệu thống kê của NHNN, tỷ trọng tiêu dùng trên GDP của VN tăng rất nhanh, từ 52,5% vào năm 2005 lên đến đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009. Giai đoạn 2010 -2016 nền kinh tế rơi vào suy giảm tăng trưởng và tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cũng giảm đến đáy vào năm 2012; nhưng từ năm 2013 đến nay tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016.
Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tính đến tháng 11.2017 tăng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để ở chiếm tỷ trọng 52,9%, tăng 3,4% so với cuối năm 2016; cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3% và cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.
Ngoài các công ty tài chính cá nhân được NHNN cấp phép hoạt động hiện nay, thị trường cho vay tiêu dùng còn có sự tham gia của hàng trăm ngàn cửa hàng cầm đồ cung cấp nguồn tín dụng nhỏ từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng và hiện giờ là hình thức kết nối giữa người vay và người cho vay.

Ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết các hoạt động huy động vốn và cho vay là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được NHNN cấp phép. Đối với hình thức công ty ứng dụng công nghệ phần mềm kết nối người vay và người cho vay là mô hình mới và đang có xu hướng phát triển gần đây, NHNN chi nhánh TP.HCM ghi nhận tình hình này và báo cáo lên NHNN T.Ư. Tuy nhiên, dưới góc độ là cơ quan quản lý, ông Minh cho rằng mô hình này sẽ ảnh hưởng nguồn vốn huy động ngân hàng thương mại, đồng thời người có tiền cho vay đứng trước rủi ro mất tiền hiện hữu.

 

Mai Phương – Thanh Xuân